24/12/2024

Trung Quốc ngăn những công trình kỳ dị

Sau hơn ba thập kỷ phát triển nóng đi kèm đô thị hoá bừa bãi, giới lãnh đạo Trung Quốc giờ đây hạ quyết tâm “uống thuốc đắng” để chấm dứt tình trạng này.

 

Trung Quốc ngăn những công trình kỳ dị

 

 

Sau hơn ba thập kỷ phát triển nóng đi kèm đô thị hoá bừa bãi, giới lãnh đạo Trung Quốc giờ đây hạ quyết tâm “uống thuốc đắng” để chấm dứt tình trạng này.

 

 

 

 

 

Trung Quốc ngăn những công trình kỳ dị
Toà nhà hình vòng Quảng Châu bên bờ sông Châu Giang được thiết kế nhằm phản chiếu hình ảnh dưới mặt nước tạo ra số 8 may mắn theo cách nghĩ của người Trung Quốc – Ảnh: Reuters

 

 

Cổng thông tin Chính phủ Trung Quốc vừa công bố một văn bản mới về quy tắc phát triển đô thị với mục tiêu sửa chữa những sai lầm của quá trình đô thị hoá thời kỳ công nghiệp bùng nổ.

Nội dung văn bản quy định rõ các thành phố sẽ không còn được phép mở rộng vượt giới hạn đáp ứng của nguồn tài nguyên tự nhiên, những công trình kiến trúc “kỳ quặc”, đi ngược lại văn hoá, các khu dân cư “kín cổng cao tường” sẽ bị xoá sổ…

Văn bản luật lần này là tiếng gọi cảnh tỉnh cho những ai đánh đổi định hướng văn hoá để thoả mãn sự phô trương quá mức

YANG BAOJUN (phó hiệu trưởng Viện Thiết kế và quy hoạch đô thị Trung Quốc)

Cái giá của tầm nhìn ngắn hạn

Quyết sách trên là kết quả một hội nghị cấp cao về quy hoạch đô thị của chính quyền Bắc Kinh vào tháng 12 năm ngoái. Sự kiện tương tự liên quan quy hoạch quy mô lớn như thế này từng diễn ra năm 1978 – tức hai năm sau khi Trung Quốc thoát khỏi cuộc Đại cách mạng văn hoá.

Khoảng cách hàng thập kỷ trong nhận thức của các nhà làm chính sách nói lên tính bước ngoặt của lần thay đổi này.

Có lẽ vào năm 1978, khi chỉ có 18% dân số Trung Quốc sống ở thành thị, nhiều người không hình dung được tỉ lệ này sẽ tăng lên xấp xỉ 50% vào năm 2015. Tuy nhiên, ở góc độ người làm chính sách, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, tầm nhìn “ngắn hạn” này đã khiến đất nước phải trả một cái giá đắt.

“Phô trương một cách hỗn loạn, sùng bái phương Tây, kiến trúc không giống ai”… là những mô tả về đô thị Trung Quốc trong văn bản quy hoạch mới được Tân Hoa xã công bố.

Nhận định này xuất phát từ giai đoạn phát triển ào ạt cách đây không lâu, nhiều công trình “kỳ dị” mọc lên khắp Trung Quốc khiến truyền thông thế giới được một phen tổn hao giấy mực.

Cư dân thành phố Bắc Kinh từng so sánh tòa nhà Đài truyền hình CCTV với một chiếc quần dài, hay trụ sở tờ Nhân Dân Nhật Báo có cái gì đó hao hao giống một bộ phận nhạy cảm… Rồi có một tòa nhà hình con số 8 may mắn, một cái móng ngựa…

Điều đáng nói là có rất nhiều công trình “biểu tượng” như vậy trên khắp Trung Quốc.

Chuyện nghiêm trọng đến mức Chủ tịch Tập Cận Bình trong một bài phát biểu năm 2014 phải lên tiếng yêu cầu chấm dứt tình trạng này. Và nay, chiến lược phát triển đô thị Trung Quốc vừa công bố có thể xem như “hành động hoá” lời kêu gọi trên.

“Bắt trộm trước rồi hãy dỡ rào”

Sau khi quy định mới được thực thi, không rõ dư luận sẽ nói gì nếu họ thấy thêm vài toà nhà có hình ấm trà, đồng xu, tàu vũ trụ, cái quần… nhưng đã có nhiều dấu hiệu cho thấy người Trung Quốc đang chực chờ bùng nổ trước một chủ trương mới: không được có khu dân cư biệt lập!

Đây là một mô hình cộng đồng khá phổ biến tại các thành phố Trung Quốc, đặc biệt là những khu vực nhà giàu. Nó thường bao gồm vài tòa nhà cao tầng bao quanh một hay hai khu vực cảnh quan chung.

Các khu này thường chiếm khá nhiều đất ở các khu vực có mật độ giao thông lớn nhưng lại được các gia đình trí thức chuộng vì không gian an toàn cho trẻ em và cách ly với tiếng ồn.

Lý giải cho quy định trên, nhà cầm quyền Trung Quốc cho rằng các khu dân cư khép kín không cho người ngoài ra vào đang khiến tình trạng tắc nghẽn giao thông thêm trầm trọng, nhiều nơi thậm chí mang dáng dấp của một ốc đảo với những đặc quyền riêng.

Chủ trương mới hướng đến việc cấm xây dựng thêm những mô hình như vậy, đồng thời “mở” các khu dân cư hiện hữu ra với bên ngoài.

Tuy nhiên theo tờ Wall Street Journal, kết quả khảo sát hơn 24.000 người công bố trên trang web Sina ngày 22-2 cho thấy có 75% người tham gia phản đối quyết định “mở cổng” của chính quyền. Gần 87% dư luận cho rằng họ cần phải được bồi thường nếu khu dân cư họ ở trở thành địa điểm công cộng.

“Anh phải giải quyết tình hình an ninh trước. Bắt hết bọn cướp đi, đuổi những kẻ lừa đảo đi rồi hãy mở cửa khu dân cư” – một người dùng mạng Sina viết.

Người dân và chính quyền đều có cái lý, và xem ra con đường chỉnh trang đô thị của Trung Quốc cũng còn lắm chông gai.

MINH TRUNG