23/12/2024

Khi thầy cô lắng nghe học sinh

Gần như tất cả đại diện học sinh tiểu học và THCS đều đã mạnh dạn nói lên tiếng nói và suy nghĩ của mình trong buổi gặp gỡ diễn ra gần bốn giờ với các lãnh đạo, chuyên viên Phòng GD- ĐT huyện Bình Chánh, TP.HCM.

 

Khi thầy cô lắng nghe học sinh

 

 

Gần như tất cả đại diện học sinh tiểu học và THCS đều đã mạnh dạn nói lên tiếng nói và suy nghĩ của mình trong buổi gặp gỡ diễn ra gần bốn giờ với các lãnh đạo, chuyên viên Phòng GD- ĐT huyện Bình Chánh, TP.HCM.

 

 

 

 

Khi thầy cô lắng nghe học sinh
Một học sinh nêu ý kiến của mình trong buổi gặp gỡ lãnh đạo Phòng GD-ĐT Bình Chánh – Ảnh: M.Dung

 

 

“Em mong tất cả các bạn học sinh ở trường em được thực hành trên lớp nhiều hơn. Vì ở trường em chỉ có một số bạn đại diện thực hành, còn các bạn khác không được”.

Nữ sinh lớp 8 một trường THCS tại huyện Bình Chánh vừa đưa ra yêu cầu của mình tại buổi lắng nghe ý kiến học sinh (do Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh vừa tổ chức tại Trường TH Bình Hưng) thì không khí cả hội trường dường như lắng xuống.

Thầy Nguyễn Trí Dũng, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh, lập tức hỏi lại: “Em nói bộ môn nào? Em nói rõ về lớp em được không?”.

Sau khi biết được phòng thực hành ở trường nhỏ, không đủ chỗ cho tất cả học sinh của lớp mà trường lại đông học sinh, thầy Dũng đã lập tức chỉ đạo: “Trường phải coi lại tình trạng dạy chay này, phải ngay lập tức khắc phục để học sinh nào cũng được thực hành”.

Từ chuyện học 
đến chuyện chơi

Một nữ sinh lớp 8 khác tiếp nối: “Thưa thầy, có một số thầy cô dạy quá nhanh, chúng em không theo kịp. Nhờ thầy nói giùm ạ!”. Khi được yêu cầu nói cụ thể thầy cô nào, học sinh này đã nêu những bộ môn có giáo viên dạy nhanh.

“Thưa thầy, lớp em bạn nào cũng thích được học giáo án điện tử vì có nhiều hình ảnh minh họa hay, đẹp, hiểu thêm về thiên nhiên đất nước. Nhưng thầy cô chỉ dạy giáo án điện tử trong những tiết dự giờ. Tụi em mong sẽ được học giáo án điện tử thường xuyên hơn” – một nam sinh lớp 5 Trường TH Trần Văn Côn lên tiếng.

Nói về những vấn đề gây bức xúc xung quanh đời sống học đường của chính mình, rất nhiều cánh tay giơ lên không một chút ngần ngại để có ý kiến sau khi được thầy cô khuyến khích trao đổi.

Ngoài chuyện học tập, nhiều học sinh cũng nêu lên những mong muốn có được một sân chơi thể dục thể thao lành mạnh trong nhà trường.

“Thưa thầy, học sinh lớp 9 như tụi em rất thích hoạt động thể dục thể thao. Nhưng sân sau trường em bị ngập nước mấy năm nay rồi. Mong Phòng GD-ĐT có ý kiến làm sao để trường em có phòng đa năng cho chúng em được học thể thao nhiều hơn” – một nam sinh lớp 9 nêu ý kiến.

Trong khi đó, một học sinh tiểu học nói: “Thầy ơi, trường em sân chơi nhỏ quá, không có chỗ chơi”, còn một học sinh lớp 5 phàn nàn: “Em học ở lớp tạm, rất nắng thầy ạ. Không biết bao giờ trường mới xây xong cho đỡ nắng nóng thầy ơi”.

Chuyện Facebook, 
đọc sách và bạo lực 
học đường

Buổi đối thoại chắc hẳn khiến cả giáo viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và những người có mặt hiểu thêm về đời sống của học sinh hiện nay.

“Thưa thầy, em thấy nhiều bạn trong trường đang đọc những cuốn truyện ngôn tình của Trung Quốc. Những truyện đó có thể ảnh hưởng không tốt đến các bạn…”, “Nhiều bạn lên Facebook, lên mạng like và share những thông tin không hay. Em mong Phòng GD-ĐT xem xét và tổ chức những chuyên đề lối sống cho tụi em để tụi em biết những thông tin không tốt mà tránh” – một số nữ sinh nêu ý kiến.

Một học sinh khác nói: “Trong lớp em, trong trường em có nhiều bạn dành tình cảm cho bạn bè mình rồi. Có bạn học tốt lên, nhưng có những bạn học dở hẳn. Em mong thầy cô có một chuyên đề về tình cảm học trò để chúng em biết định hướng cho mình”. Cả hội trường đã vỗ tay khi nghe ý kiến của nữ sinh này.

Một học sinh Trường THCS Bình Chánh cho biết tại trường em tồn tại việc một số nhóm học sinh ỷ đông, ỷ là người địa phương nên bắt nạt những bạn ở địa phương khác chuyển đến. “Thưa thầy, ở trường em có nhiều bạn học sinh lớp 5 lấy tiền của các học sinh nhỏ hơn rất nhiều. Em đã báo rồi nhưng cô giáo chưa xử lý được” – học sinh này nói thêm.

Sau mỗi câu chuyện mà học sinh đưa ra, không ít vấn đề đã được trao đổi thảo luận lại và giải quyết tại buổi gặp gỡ (như chuyện những học sinh khó khăn trong học tập môn thể thao, ngữ văn).

Với một số vấn đề tồn tại do cách quản lý của trường, ông Nguyễn Trí Dũng đã giao nhiệm vụ giải quyết xuống các trường. Còn những vấn đề thuộc nhiệm vụ phải giải quyết của Phòng GD-ĐT (như cơ sở vật chất…), Phòng GD-ĐT hứa sẽ đưa vấn đề lên lãnh đạo huyện để làm nhanh, làm sớm.

“Tôi thấy học sinh nói đúng lắm. Lắng nghe các em mới thấu hiểu và giải quyết được những vấn đề theo hướng mong muốn của các em” – ông Dũng nói thêm.

Sau buổi lắng nghe này, Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh đã yêu cầu các trường THCS, tiểu học trên địa bàn huyện phải tổ chức các chuyên đề về lối sống cho học sinh và phối hợp địa phương chống ùn tắc giao thông trước cổng trường.

Hiệu trưởng phải gần học sinh hơn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trí Dũng, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh, cho biết đây là năm thứ ba Phòng GD-ĐT tổ chức buổi gặp gỡ trực tiếp với học sinh, nhưng là năm đầu tiên chia làm hai cụm (trong tổng số 48 trường) và cũng là năm đầu tiên phòng yêu cầu được gặp gỡ học sinh học khó (cá biệt).

Ông Dũng cũng yêu cầu trong học kỳ 2 năm học 2015-2016, các trường tiểu học và THCS tại Bình Chánh phải tổ chức những chuyên đề, đối thoại với học sinh, nhất là học sinh khối lớp 9, để lắng nghe, hiểu các em và điều chỉnh công tác quản lý của mình.

Còn thầy Lê Thanh Minh, hiệu trưởng Trường THCS Hưng Long, chia sẻ: “Qua thời gian đi nghe tiếng nói học sinh trong các buổi gặp gỡ như thế này, người hiệu trưởng như tôi hình dung ra được tâm tư, nguyện vọng của học sinh bây giờ, từ đó có điều chỉnh trong cách quản lý. Tôi nghĩ thầy cô giáo mà biết lắng nghe học sinh chắc chắn chỉ có lợi”.

MỸ DUNG ([email protected])