23/01/2025

Hé lộ nhiều vi phạm của Petrolimex

Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex) vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng vốn, hạch toán chi phí sai so với thực tế… khiến công ty thành viên và thương nhân đầu mối hưởng lợi trong khi người tiêu dùng thiệt thòi.

 

Hé lộ nhiều vi phạm của Petrolimex

 

 

Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex) vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng vốn, hạch toán chi phí sai so với thực tế… khiến công ty thành viên và thương nhân đầu mối hưởng lợi trong khi người tiêu dùng thiệt thòi.




Đó là những vi phạm vừa bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra.
Nhập nhèm trong chi phí tính giá vốn khiến đại lý hưởng lợi, người tiêu dùng thiệt thòi - Ảnh: Ngọc Thắng

Nhập nhèm trong chi phí tính giá vốn khiến đại lý hưởng lợi, người tiêu dùng thiệt thòi – Ảnh: Ngọc Thắng

“Nhập nhèm” tính giá
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong quý 1/2010, Petrolimex đã tự mua thông tin về giá xăng dầu thế giới trên tờ Platt’s Singapore để xây dựng giá cơ sở xăng dầu. Bên cạnh đó, Liên bộ Công thương – Tài chính không xác định và công bố giá xăng dầu thế giới là không đúng với chức trách, nhiệm vụ theo Nghị định 84 của Chính phủ, dẫn đến khó kiểm soát việc xây dựng giá cơ sở và quyết định giá bán lẻ của các thương nhân đầu mối. 



Sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp giữa Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Công thương và Petrolimex về xử lý sau thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Petrolimex. Phó thủ tướng kết luận: Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra một cách nghiêm túc, có trách nhiệm. Qua thanh tra đã làm rõ một số tồn tại, thiếu sót, sai phạm về cơ chế chính sách, quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Petrolimex. Để đảm bảo chặt chẽ, Phó thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Công thương và Petrolimex rà soát một số vấn đề còn ý kiến khác nhau như việc đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính, chi phí vận tải, chi phí bảo hiểm, giá bán lẻ vùng 2, định mức hao hụt xăng dầu, giá cước vận tải nhằm thống nhất đánh giá và hoàn thiện nội dung kết luận thanh tra.



Đáng nói, việc tính chi phí bảo hiểm và chi phí vận tải trong cơ cấu giá xăng dầu của Petrolimex chênh lệch rất nhiều so với thực tế. Cụ thể, từ quý 2/2010 đến tháng 6.2013, liên bộ Tài chính – Công thương trực tiếp điều hành giá bán lẻ xăng dầu, khi xây dựng giá cơ sở đã lấy yếu tố chi phí vận tải và phí bảo hiểm theo mức cố định như Petrolimex (xăng RON 92 là 2,5 USD/thùng, dầu diesel 0,05S là 2,5 USD/thùng, dầu hỏa là 3 USD/thùng…).
Nhưng kiểm tra thấy, thực tế chi phí vận tải và bảo hiểm xăng dầu nhập khẩu về đến cảng VN tính bình quân theo sản lượng và đơn giá thực tế của từng chuyến tàu với từng mặt hàng như xăng RON 92 là 1,79 USD/thùng, dầu diesel 0,05S là 1,56 USD/thùng, dầu hỏa là 1,69 USD/thùng. Dẫn đến từ năm 2010 đến tháng 6.2013, chi phí vận tải và bảo hiểm trong cấu thành giá cơ sở cao hơn thực tế 67,6 triệu USD. Điều này đã dẫn đến tăng giá bán, lợi cho thương nhân đầu mối, thiệt hại cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn được tự quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, kiểm tra thời điểm điều chỉnh giá ngày 21.2.2010, Petrolimex không điều chỉnh giảm 52 đồng/lít với 1,9 triệu lít dầu hoả (giá phải giảm là 103 triệu đồng).
Đặc biệt, sau khi Bộ Công thương ban hành Quyết định 32/2008 bãi bỏ việc phân vùng địa bàn và giá bán lẻ vùng 2 (các địa phương xa cảng quốc tế tiếp nhận xăng dầu, chi phí kinh doanh cao hơn được tăng giá tối đa 2% so với giá bán lẻ vùng 1), nhưng Petrolimex vẫn áp dụng giá bán lẻ vùng 2, kết quả từ tháng 1.2010 – 6.2013, tính theo mức tăng 2% của sản lượng tiêu thụ thực tế thì doanh thu vùng 2 tăng lên 2.796 tỉ đồng.
“Việc Petrolimex quyết định giá bán lẻ cao hơn giá do liên bộ điều chỉnh, không có văn bản chấp thuận của nhà nước là chưa đúng thẩm quyền, chưa đúng quy định của Pháp lệnh giá”, Thanh tra Chính phủ kết luận.
Bộ Tài chính có văn bản cá biệt cho Petrolimex áp dụng tỷ giá ngoại tệ theo tỷ giá bán ra của Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN, chưa phù hợp với quy định về chế độ kế toán doanh nghiệp theo Quyết định 15/2006 của chính Bộ Tài chính. Theo thanh tra, trách nhiệm những vi phạm trên thuộc về Petrolimex và các tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc liên bộ Tài chính – Công thương.
Công ty con hưởng lợi lớn
Theo Thanh tra Chính phủ, trong công tác quản lý hao hụt xăng dầu từ năm 2010 đến tháng 6.2013, Petrolimex đã ban hành định mức hao hụt của các công đoạn cao hơn thực tế từ 35 – 48% nhưng chưa kịp thời điều chỉnh. Việc hạch toán hao hụt xăng dầu vào giá vốn tại công ty mẹ, mà không hạch toán theo hao hụt thực tế là nguyên nhân dẫn đến tăng giá vốn, giảm hiệu quả kinh doanh của công ty mẹ 310 tỉ đồng, tạo thu nhập cho các công ty xăng dầu thành viên bất hợp lý. Trong khi đó, việc hạch toán chi phí hao hụt vượt định mức không đúng quy định làm giảm hiệu quả kinh doanh 6,99 tỉ đồng.
Ngoài ra, Petrolimex cũng thuê tàu chở xăng dầu của chính công ty thành viên với giá cao hơn giá của các đơn vị khác, làm giảm hiệu quả kinh doanh và gián tiếp ảnh hưởng đến giá cơ sở. Cụ thể, Petrolimex góp 51% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần vận tải xăng dầu Vipco và ký hợp đồng thuê tàu. Qua so sánh đơn giá cước cho thấy việc thuê tàu định hạn với Vipco (chiếm 80% tổng chi phí vận tải) cao hơn thuê chuyến, làm tăng chi phí vận chuyển 379 tỉ đồng.
Công tác quản lý, điều hành giá bán xăng dầu nội bộ của công ty mẹ – Petrolimex với các công ty xăng dầu thành viên chưa tuân thủ quy định, không phù hợp giá bán do liên bộ điều hành, thể hiện ý chí chủ quan trong quyết định giá, dễ phát sinh tiêu cực. Cụ thể, một số thời điểm, liên bộ điều chỉnh giảm giá xăng dầu nhưng công ty mẹ Petrolimex lại điều chỉnh tăng giá bán nội bộ, có thời điểm liên bộ điều chỉnh tăng thì Petrolimex lại giảm giá nội bộ (với cách biệt vài trăm đồng/lít). Petrolimex cũng chưa quản lý chặt chẽ xăng dầu tiêu thụ trước các thời điểm điều chỉnh tăng giá tại một số công ty xăng dầu thành viên tăng bất thường từ 2,3 – 6,7 lần so với sản lượng bình quân.
Bên cạnh đó, Công ty xăng dầu khu vực II và Công ty TNHH MTV Vipco Hạ Long đã buông lỏng điều kiện thanh toán khi ký hợp đồng bán tái xuất xăng dầu, cho phép bên mua chậm thanh toán nhưng không có điều kiện để đảm bảo thu hồi, làm phát sinh công nợ khó đòi 278.00 USD, nguy cơ mất vốn. Chi phí thù lao của các công ty cho đại lý, tổng đại lý không minh bạch… Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm với những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm trên thuộc Petrolimex và các công ty xăng dầu thành viên.
Thất thoát vốn
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ công ty mẹ – Petrolimex đã đầu tư tài chính ngoài ngành nghề kinh doanh chính như ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản với tổng số tiền 2.255 tỉ đồng. Trong đó, đầu tư giá trị lớn không đúng quy định như tăng vốn đầu tư vào PG Bank 400 tỉ đồng (chiếm 40% vốn điều lệ) và Công ty CP bảo hiểm Petrolimex 171 tỉ đồng (chiếm 51% vốn điều lệ) không có sự chấp thuận của Bộ Công thương và Thủ tướng. Sử dụng sai nguồn vốn đầu tư 646 tỉ đồng (dùng vốn kinh doanh để đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản 231 tỉ đồng, cho các công ty thành viên vay dài hạn 414 tỉ đồng), chưa thực hiện nghiêm việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo quyết định của Thủ tướng. Một số khoản đầu tư của công ty mẹ hiệu quả còn thấp.
Đặc biệt, công ty thành viên là Vipco đầu tư 56,1 tỉ đồng vào Công ty CP An Phú có nguy cơ mất vốn do kinh doanh thua lỗ, vi phạm nghiêm trọng trong hợp tác đầu tư. Cụ thể, năm 2008 ông Nguyễn Đạo Thịnh, Tổng giám đốc Vipco, ký hợp tác đầu tư với Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất Thiên Lộc Phú, đã chuyển 72,5 tỉ đồng vào tài khoản chung do Công ty Thiên Lộc Phú làm chủ tài khoản. Sau đó, Vipco có văn bản đồng ý cho Thiên Lộc Phú rút ra 20,1 tỉ đồng nhưng không có căn cứ, thực tế Công ty Thiên Lộc Phú không hoạt động kinh doanh. Thiên Lộc Phú sau đó đã trả lại cho Vipco 1,5 tỉ đồng, số còn lại 18,6 tỉ đồng đến nay không thu hồi được là việc làm thiếu trách nhiệm, gây hiệu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, ngày 10.4.2008, ông Nguyễn Đạo Thịnh, nguyên Tổng giám đốc Vipco, và ông Vũ Quang Khánh, nguyên Kế toán trưởng Vipco còn chuyển số tiền 483 triệu cho bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Kế toán trưởng Công ty Thiên Lộc Phú, đến nay cũng không thu hồi được, vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính. Tổng số tiền chưa thu hồi được là 19,1 tỉ đồng. Hiện Bộ Công an đã tiếp nhận hồ sơ để điều tra xử lý các sai phạm trên tại Vipco.
Năm 2006, ông Đỗ Đông Ngọc, Giám đốc Công ty xăng dầu khu vực III, cũng đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 360 m2 đất với xã Tú Sơn trái thẩm quyền, làm phát sinh công nợ 540 triệu đồng, nguy cơ mất vốn.
Ngoài ra, Petrolimex và các công ty thành viên cũng có nhiều vi phạm trong quản lý đầu tư xây dựng và sử dụng đất. Cụ thể, từ năm 2010 đến tháng 6.2013, công ty mẹ và các đơn vị thành viên đã thực hiện đầu tư 178 công trình, dự án với tổng mức đầu tư 11.857 tỉ đồng, trong đó có 29 dự án chậm tiến độ, 23 gói thầu giá trị dự toán trên 5 tỉ đồng nhưng lại chỉ định thầu và chỉ định nhà thầu không đủ năng lực tài chính…
 

 

Mai Hà – Thái Sơn