Cửa nào cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ASEAN?
Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ tạo ra một ‘bầu trời cơ hội’ mới nhưng thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng vô cùng lớn.
Cửa nào cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ASEAN?
Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ tạo ra một ‘bầu trời cơ hội’ mới nhưng thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng vô cùng lớn.
Được đánh giá là xương sống của hầu như mọi nền kinh tế thành viên ASEAN, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tạo ra khoảng 90% lượng việc làm và đóng góp khoảng 30 – 50% GDP trong khối, theo số liệu từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Thế nhưng, đây cũng là đối tượng bị cho là gặp nhiều thách thức nhất trong con đường hội nhập và nhất thể hoá kinh tế khu vực.
Với sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), một nhà sản xuất thực phẩm ở Lào có thể cung cấp sản phẩm cho các nước thành viên ASEAN khác với các rào cản nhỏ nhất về thương mại, giao dịch và thanh toán. Một nhà đầu tư Indonesia sẽ có thể mua đất ở Philippines và được chính quyền cấp phép để xây dựng khách sạn mà không cần bắt tay với đối tác địa phương. Nghĩa là trong tương lai sức ép cạnh tranh đối với SME của các nước sẽ vô cùng lớn trong khi kết quả khảo sát của ADB cho thấy chỉ khoảng 1/5 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ASEAN đã sẵn sàng cho AEC. Đa số vẫn còn rất mơ hồ về những thay đổi, lợi ích và khó khăn sắp tới. Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN, các doanh nghiệp trong nước không quan tâm nhiều đến AEC vì luân chuyển thương mại của họ trong khu vực chỉ chiếm 20 – 25% doanh thu. Doanh nghiệp SME Việt Nam chủ yếu vẫn hướng về thị trường bên ngoài ASEAN như Mỹ, EU và Nhật Bản. Tình hình cũng tương tự với cộng đồng SME Thái Lan, Malaysia hay Indonesia.
Tờ The Straits Times dẫn lời Tổng thư ký Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN Syed Nabi nhận định cộng đồng SME vẫn gặp hạn chế trong tiếp cận vốn, thị trường và công nghệ. Ở Đông Nam Á, các công ty khởi nghiệp thường phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm bên ngoài do ngân hàng vẫn ưu tiên doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn “đại gia” có quan hệ chặt chẽ với giới chính trị. Do đó, SME Đông Nam Á chỉ chuyên về các ngành ít sử dụng công nghệ. Điều này trái ngược với các nền kinh tế phát triển, nơi SME sản sinh ra đổi mới và tiến bộ công nghệ. Trước tình hình này, nhiều chuyên gia lo ngại cộng đồng SME Đông Nam Á sẽ bị những người khổng lồ bên ngoài đè bẹp, nhất là khi tất cả đang háo hức xâm nhập một thị trường chung ASEAN đầy tiềm năng và ngày càng thông thoáng hơn.
Sàn tài chính SME
Tờ The Star dẫn lời ông Munir Majid, Chủ tịch Ngân hàng Muamalat ở Malaysia cho rằng để không trở thành kẻ bên lề trong cuộc chơi mới, SME ASEAN cần được gấp rút hỗ trợ về tiếp cận vốn. Hiện Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN đã thành lập một “sàn giao dịch tài chính” mang tên Growth Accelerator Exchange (GAX) nhằm tạo khuôn khổ cung cấp nguồn tài chính dễ tiếp cận, giải pháp thanh toán đơn giản và chi phí thấp cho SME và các ý tưởng khởi nghiệp. GAX sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hình thức vay vốn mới như góp vốn cộng đồng (crowdfunding) và vay trực tiếp giữa các cá nhân không qua trung gian của các thiết chế tài chính truyền thống (peer-to-peer financing). GAX bắt đầu hoạt động ở Malaysia và sẽ triển khai sang các nước ASEAN khác trong năm nay.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, đặc biệt tại các thành viên kém phát triển hơn trong khối, cũng hết sức quan trọng. Trả lời Thanh Niên trong cuộc họp báo mới đây, Đại sứ Mỹ tại ASEAN Nina Hachigian cho biết nước này sẽ tích cực hỗ trợ chương trình huấn luyện, đào tạo lãnh đạo doanh nghiệp trẻ trong khu vực với một trong những trọng tâm trong năm nay là về thương mại điện tử. Ở cấp độ quốc gia, Thái Lan đã tổ chức hơn 200 khoá đào tạo trong giai đoạn 2012 – 2015 cho 25.000 doanh nghiệp để nâng cao nhận thức về AEC, còn Bộ Thương mại Philippines tích cực huấn luyện nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động của các doanh nghiệp địa phương, theo The Straits Times.
Đoàn Hằng