23/01/2025

Cá đồng loạt chết sạch, không chỉ thiếu ôxy

Theo kinh nghiệm của người nuôi cá, nếu thiếu oxy, cá chỉ chết từ từ với tỉ lệ không nhiều rồi ngưng chứ không thể chết sạch đồng loạt…

 

Cá đồng loạt chết sạch, không chỉ thiếu ôxy

 

 

Theo kinh nghiệm của người nuôi cá, nếu thiếu oxy, cá chỉ chết từ từ với tỉ lệ không nhiều rồi ngưng chứ không thể chết sạch đồng loạt…

 

 

 

 

Cá đồng loạt chết sạch, không chỉ thiếu ôxy
Hộ ông Trần Văn Dũng, xã Phú Thuận A, Hồng Ngự (Đồng Tháp) có 3 bè cá đều chết hàng loạt – Ảnh: Đ.Vịnh

Nhiều người dân nuôi cá trên sông Cái Vừng (An Giang) vừa tiếp tục làm đơn đề nghị cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân khiến cá nuôi chết hàng loạt, sau khi Sở Tài nguyên – môi trường (TN-MT) tỉnh An Giang kết luận cá chết do… thiếu oxy.

Theo ghi nhận của chúng tôi, sau đợt cá nuôi chết sạch vào những ngày cận tết, làng bè trên sông Cái Vừng vốn sung túc một thời này giờ đây vắng vẻ, các lồng bè nuôi cá đều đã rào đóng lại, bên trong không hề thấy bóng người.

Phải điều tra làm rõ nguyên nhân

Ngày 1-3, sau khi có kết quả phân tích mẫu nước trên đoạn sông này, Sở TN-MT An Giang đã có báo cáo gửi UBND tỉnh, trong đó kết luận rằng nguyên nhân chính làm cá chết đột ngột hàng loạt là do thiếu… oxy. Cụ thể, trong nước có thành phần nitric (NO2)2- và phosphat (PO4)3- vượt mức trung bình, còn hàm lượng DO (oxy hòa tan) thấp hơn mức 
trung bình.

Ông Võ Hùng Dũng – phó giám đốc sở TN-MT An Giang – cho biết cá nuôi mật độ cao, lượng thức ăn dư thừa cùng với chất thải từ cá làm môi trường nước gia tăng chất hữu cơ dẫn tới hiện tượng phù dưỡng làm phát triển tảo tranh oxy với cá.

Mực nước thấp và dòng chảy yếu cũng tạo nên hiện tượng thiếu oxy cục bộ, có thể là do hình thành từ thức ăn dư thừa, phân cá thải ra trong quá trình nuôi.

Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng kết luận nguồn nước thiếu oxy và đổ lỗi cho người dân trong việc để xảy ra thức ăn thừa là không thuyết phục và vội vàng, cần phải điều tra và xác định nguyên nhân thật sự. Bởi nếu nước sông thiếu oxy, tại sao cá ở các bè phía thượng lưu không chết?

Ngoài ra, kinh nghiệm của người nuôi cá cũng cho thấy nếu thiếu oxy, cá chỉ chết từ từ với tỉ lệ không nhiều rồi ngưng chứ không thể chết sạch đồng loạt.

“Chúng tôi dời bè ra giữa dòng chảy mạnh, cho bơm oxy trực tiếp, chạy máy đạp nước mà cá vẫn chết sạch thì không thể do thiếu oxy được. Quá vô lý!” – ông Nguyễn Văn Nhàn, xã Long Hoà, huyện Phú Tân, An Giang, nói.

Trong khi đó, qua kiểm tra thực tế, ông Trần Anh Thư – giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang – cho biết cá nuôi bè trên sông Cái Vừng chết không phải do dịch bệnh, không phải do thức ăn, không phải do nuôi mật độ cao.

“Việc thiếu DO cục bộ do nhiều nguyên nhân, không loại trừ nguồn nước bị nhiễm độc do hoạt động sản xuất nào đó ở bên đoạn sông này thải ra” – ông Thư nhận định. Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Công cũng cho rằng cần phải làm rõ tại sao thiếu oxy làm cá chết đột ngột hàng loạt.

Mất trắng hơn 40 tỉ đồng

Như Tuổi Trẻ đưa tin, rạng sáng 4-2 cá nuôi trong các lồng bè trên con sông này bất ngờ chết hàng loạt. Dù người dân phát hiện sớm và nỗ lực dùng mọi biện pháp cứu chữa, chạy máy bơm oxy liên tục nhưng đến chiều 6-2, phần lớn cá nuôi trong hơn 240 lồng bè đều chết sạch. Nhìn xác cá nổi đầy bè, nhiều người dân đổ quỵ, ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu.

“Mấy bè cá rô phi của gia đình tôi với sản lượng 50 tấn sắp thu hoạch bán dịp tết chết không còn một con, chưa kể 20 tấn cá giống cũng chết sạch, không chỉ mất trắng 3 tỉ đồng mà cơ nghiệp tiêu tan, rồi đây chắc phải bán nhà cửa để trả nợ” – ông Trần Văn Dũng, xã Phú Thuận A, Hồng Ngự, Đồng Tháp, rầu rĩ cho biết. Cá chết, hết sạch vốn liếng lại lâm cảnh nợ nần ngập đầu, không còn khả năng đầu tư nuôi lại, nhiều người dân đành bỏ bè.

Theo người dân, không chỉ cá nuôi trong bè mà cả cá ngoài sông, thậm chí cả cá lưỡi trâu, cá chình, lươn… cũng trồi lên rồi phơi bụng trên mặt nước.

Nhiều hộ kể họ nuôi cá trên con sông này đã hàng chục năm, xưa nay chưa từng xảy ra việc cá trong bè, cả cá tự nhiên ngoài sông bỗng nhiên chết như thế. Nhiều người dân khẳng định việc cá chết hàng loạt một cách bất thường này là do nước sông bị nhiễm độc, do nước thải của một số nhà máy trên đoạn sông này.

Theo thống kê của UBND huyện Phú Tân (An Giang) và UBND huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), có gần 1.120 tấn cá nuôi các loại như he, mè vinh, rô phi, điêu hồng, lăng nha… bị chết, thiệt hại ước tính lên tới 40 tỉ đồng. Nhiều người dân cho hay hàng chục năm nuôi cá giờ đây trắng tay nên không biết làm gì để sống, trong khi nợ vay ngân hàng, nợ mua thiếu thức ăn không thể nào trả nổi.

Theo nhiều đại lý cung cấp thức ăn thuỷ sản, ngoài vay ngân hàng, mỗi hộ còn mua thiếu thức ăn hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng. Khi bà con trắng tay họ cũng khốn đốn.

Ông Dương Văn Cường, chủ tịch UBND huyện Phú Tân, cho biết sau đợt cá chết vừa qua, phần lớn các hộ nuôi lâm cảnh trắng tay, nợ nần chất chồng nên huyện đã kiến nghị có chính sách hỗ trợ và khoanh giãn nợ cho bà con.

“Cá chết sạch người dân cũng hết sạch vốn liếng, giờ có giống thả nuôi lại thì tiền đâu mua thức ăn. Các đại lý thức ăn không thu hồi nợ được nên cũng không thể bán thiếu như trước. Làng bè tan tác khó có thể hồi phục” – ông Nguyễn Văn Thành, trưởng Trạm thuỷ sản huyện Hồng Ngự, nói.

Đề nghị ngân hàng khoanh, giãn nợ

Ngày 1-3, sau khi họp với UBND huyện Phú Tân bàn về giải quyết vụ cá chết, ông Lê Văn Nưng – phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang – cho biết đã thống nhất phương án vào tuần tới sẽ chi tiền hỗ trợ những hộ nuôi ở huyện này bị thiệt hại với tổng số tiền khoảng 3 tỉ đồng, đồng thời đề nghị ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cho vay vốn để đầu tư nuôi cá.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Công – giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp – cho hay hiện tỉnh Đồng Tháp mới rà soát thống kê lại thiệt hại, đang nghiên cứu vận dụng chính sách nào để áp dụng cho đúng nên chưa thực hiện hỗ trợ, sau khi thống nhất sẽ có mức hỗ trợ cụ thể. Trước mắt, tỉnh đang đề nghị ngân hàng khoanh, giãn nợ không tính lãi đối với những hộ bị thiệt hại do cá chết.

ĐỨC VỊNH