23/12/2024

GDP năm 2016 phấn đấu đạt khoảng 7%

Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Chính phủ vẫn khẳng định sẽ cố gắng đạt mức tăng trưởng GDP năm 2016 khoảng 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao là 6,5%.

 

GDP năm 2016 phấn đấu đạt khoảng 7%

 

Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Chính phủ vẫn khẳng định sẽ cố gắng đạt mức tăng trưởng GDP năm 2016 khoảng 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao là 6,5%.





Chính phủ yêu cầu chủ động tháo gỡ khó khăn, đưa hàng Việt ra nước ngoài - Ảnh: Ngọc Thắng

Chính phủ yêu cầu chủ động tháo gỡ khó khăn, đưa hàng Việt ra nước ngoài – Ảnh: Ngọc Thắng


Tại cuộc họp báo diễn ra chiều 29.2, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định cho biết trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ, các thành viên Chính phủ đánh giá tình hình KT-XH tiếp tục chuyển biến, đạt kết quả khả quan.
Cụ thể, lạm phát được kiểm soát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 0,42% so với tháng trước, tăng 1,27% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất siêu khoảng 865 triệu USD, bằng 3,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý, tổng thu ngân sách nhà nước tăng mạnh, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15.2 ước đạt 160.100 tỉ đồng, bằng 15,8% dự toán và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. 



Chưa thể trình luật Biểu tình vào tháng 3.2016
Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ chiều qua (29.2), ngay sau khi có ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (ngày 17.2.2016) về việc không lùi dự luật Biểu tình, Văn phòng Chính phủ đã báo cáo, Thủ tướng cũng có ý kiến đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa đưa nội dung cho ý kiến đối với dự luật Biểu tình vào chương trình kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá 13. Lý do, cơ quan chủ trì dự luật chưa chuẩn bị kịp để trình Chính phủ xem xét tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.2016.



Tuy nhiên, Chính phủ cũng đánh giá sự phục hồi nền kinh tế còn chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro từ kinh tế thế giới và khu vực; giá dầu ở mức thấp, chưa có hướng hồi phục. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chỉ đạo quyết liệt, tăng cường phối hợp thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, phấn đấu thực hiện thắng lợi, đạt mức cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu của năm 2016. Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung triển khai các biện pháp phòng chống xâm nhập mặn và khô hạn tại các tỉnh phía nam, nam Trung bộ và Tây nguyên; phòng chống rét ở các tỉnh phía bắc. Kịp thời khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, sớm ổn định sản xuất và đời sống của người dân.
“Thủ tướng đặc biệt lưu ý, năm nay hội nhập sâu rộng nên tác động từ bên ngoài rất mạnh. Do đó, các đơn vị phải theo dõi sát tình hình, chủ động biến thách thức thành cơ hội; hỗ trợ doanh nghiệp, đưa hàng hoá VN ra thị trường nước ngoài”, ông Định nói.
Không dùng ngân sách xây tháp truyền hình cao nhất thế giới
Trả lời câu hỏi của báo chí về dự án xây tháp truyền hình cao nhất thế giới của Đài truyền hình VN (VTV), ông Định cho biết Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với VTV theo chủ trương: Dự án tạo điểm nhấn cho Hà Nội và cả nước nhưng không sử dụng ngân sách, đảm bảo lợi ích cho người dân, nhà đầu tư, nhà nước và thu hút lao động, phát triển du lịch. Trước đó, dự án này được hai đối tác là Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn BRG đã thành lập Công ty cổ phần tháp truyền hình VN để xây dựng toà tháp 636 m cao nhất thế giới tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội) với tổng mức đầu tư 900 triệu USD.
Liên quan đến quy định trang bị bình chữa cháy cho ô tô tại Thông tư 57 của Bộ Công an hướng dẫn về trang bị phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, cho biết kể từ khi thông tư có hiệu lực (ngày 6.1.2016) đến 20.2, cả nước xảy ra 19 vụ cháy ô tô. Qua theo dõi, tất cả các xe nói trên đã được sử dụng bình chữa cháy và được xử lý kịp thời, đem lại hiệu quả. Do đó, Bộ Công an đánh giá việc ban hành thông tư hướng dẫn bước đầu đi vào cuộc sống. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm để khắc phục những vấn đề báo chí nêu. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo và chúng tôi đang tích cực phối hợp với các bộ phận chức năng, các hãng xe, Bộ Công thương để việc cung ứng thiết bị bảo đảm các quy định liên quan và phục vụ người dân tốt hơn”, ông Thắng cho biết.
Trước đó, Bộ Công an đã có văn bản về chủ trương tạm thời chưa xử phạt đối với chủ xe ô tô thiếu bình chữa cháy; đồng thời chỉ đạo Cục CSGT không thực hiện dừng phương tiện chỉ để kiểm tra công cụ này.
Xử phạt “tập đoàn đa cấp lừa đảo” nhưng không cảnh báo cho người dân
Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết trường hợp lừa đảo của Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại VN (gọi tắt là Công ty Liên kết Việt), ngày 22.12.2014 công ty này được Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) chính thức cấp phép hoạt động.
Đến tháng 7.2015, Cục trực tiếp đi kiểm tra và phát hiện một số vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp như: không thực hiện thủ tục cấp sửa đổi bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; cung cấp thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về công dụng sản phẩm; duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp theo quy định… Bộ Công thương và Cục Quản lý cạnh tranh đã xử phạt công ty 570 triệu đồng. Sau khi xử phạt, Bộ Công thương vẫn tiếp tục theo dõi và sau đó lập đoàn kiểm tra cùng một số cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công an và cơ quan công an khởi tố, điều tra, các nghi phạm bị bắt tạm giam.
Trước câu hỏi việc xử phạt hành chính cách đây hơn nửa năm, tại sao Bộ Công thương không có những cảnh báo để người tham gia có thêm thông tin và tìm hiểu kỹ hơn về công ty này, ông Hải nói: “Từ lúc cấp phép ngày 22.12.2014 đến 15.7.2015 chúng tôi vào cuộc, đến tận nơi kiểm tra thì không thể nói là chậm trễ. Thậm chí, đã xử phạt 570 triệu đồng… Còn tại sao không công bố thì công ty vi phạm điều gì liên quan, tôi đã nói rồi. Từng mức độ thực hiện theo đúng nghị định cái gì cần xử phạt, cái gì trong trách nhiệm đã chủ động, còn ngoài chức năng quyền hạn thì phối hợp với đơn vị khác”.

Anh Vũ