23/01/2025

Châu Âu căng thẳng vì người tị nạn

Theo Frontex – cơ quan quản lý biên giới của khối EU, từ đầu năm đến nay đã có hơn 100.000 người tị nạn đến Hi Lạp bằng đường biển cho dù châu Âu đang trong mùa đông.

 

Châu Âu căng thẳng vì người tị nạn

 

 

Theo Frontex – cơ quan quản lý biên giới của khối EU, từ đầu năm đến nay đã có hơn 100.000 người tị nạn đến Hi Lạp bằng đường biển cho dù châu Âu đang trong mùa đông.

 

 

 

 

 

 

Châu Âu căng thẳng vì người tị nạn
Người nhập cư vạ vật ngoài trời giá rét ở vùng biên giới Hi Lạp – Macedonia chờ xin được nhập cư (ảnh chụp ngày 29-2) – Ảnh: Reuters

Xin đừng gây sức ép di cư với nước Áo. Chúng tôi không cần ai dạy dỗ

Bộ trưởng Nội vụ Áo JOHANNA MIKL-LEITNER đốp chát thẳng đối với những chỉ trích từ Đức và Hi Lạp

Con số này cho thấy làn sóng người di cư và tị nạn tiếp tục đổ tới trong khi Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang lúng túng tìm một biện pháp chung khả dĩ được đa số các nước thành viên chấp nhận.

Kế hoạch hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ để chống những tổ chức đưa người trái phép, tạo điều kiện sinh hoạt, làm việc cho những người tị nạn từ Syria, Iraq, Afghanistan… để họ không liều lĩnh vượt biển đã không đem lại kết quả như mong muốn.

Tự tìm giải pháp

Ngày 7-3, nguyên thủ 28 nước EU sẽ có cuộc họp với Thổ Nhĩ Kỳ để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh hai ngày 17 và 18-3 mà Chủ tịch EU Donald Tusk gọi là “cơ hội cuối cùng” để giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Trong lúc này tình hình trở nên căng thẳng sau khi Áo thành lập “liên minh Balkans” để tự giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư, thay vì chờ đợi một giải pháp chung cho cả khối.

Tại hội nghị ngày 24-2 ở thủ đô Vienna, bộ trưởng các bộ nội vụ và ngoại giao Áo, Bulgaria, Croatia, Slovenia cùng các nước thuộc bán đảo Balkans là Albania, Bosnia, Kosovo, Macedonia, Montenegro, Serbia đã gặp mặt với quyết tâm giải quyết “một vấn đề sống còn của EU” như lời Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leitner.

Mười nước này đã ký một thông cáo chung về việc hợp tác để “giảm mạnh” dòng người tị nạn và nhập cư qua ngả Balkans cho tới khi Hi Lạp có thể kiểm soát hữu hiệu biên giới ngoại vi của EU.

Chính phủ Áo cũng đề xuất đưa quân đội đến hỗ trợ bảo vệ biên giới cho các nước Balkans, nếu họ cần giúp đỡ, đặc biệt là biên giới của Macedonia với Hi Lạp.

Trước đó, Chính phủ Áo cũng đã quyết định giới hạn số người xin tị nạn mỗi ngày tại Áo xuống còn tối đa 80 người – một hành động mà Uỷ ban châu Âu cáo buộc là trái với cả luật pháp EU và nghĩa vụ quốc tế, và cho phép khoảng 3.200 người tị nạn và di cư đi ngang qua Áo để tới Đức mỗi ngày, bất chấp sự phản đối của Đức.

Bà Johanna Mikl-Leitner khẳng định với uỷ viên di trú EU Dimitris Avramopoulos là Áo “sẽ tiếp tục làm việc cho những giải pháp chung của EU nhưng các nước phải hành động cho tới khi những giải pháp này được đưa ra”.

Tuy vậy, EU vẫn lo ngại các biện pháp mà Áo áp dụng có thể làm hỏng khả năng của các giải pháp chung cho châu Âu.

Bên gật bên lắc

Giải pháp mới của nhóm Balkans khiến Hungary, nước láng giềng của Áo, sướng rơn. Thủ tướng Viktor Orbán bày tỏ sự hài lòng trước việc ngày càng nhiều nước đang áp dụng những biện pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn dòng người tị nạn và di cư.

Thủ tướng Orbán tuyên bố sẽ trưng cầu ý dân về quota nhận 120.000 người mà EU đã phân bổ năm ngoái bất chấp sự phản đối từ các nước như Hungary. Động thái của Thủ tướng Orbán sẽ được xem như là sự thách thức đối với Berlin cũng như Brussels.

Đức, Hi Lạp, Hội đồng châu Âu và Uỷ ban châu Âu đã cực lực phản đối Hội nghị Vienna và Hi Lạp đã lập tức triệu hồi đại sứ của họ tại Áo. Hiện có ít nhất 20.000 người tị nạn đang tụ tập tại biên giới Hi Lạp – Macedonia.

Cho dù ngày 27-2 Macedonia đã chấp nhận cho phép 580 người được qua biên giới mỗi ngày nhưng vẫn gây ra tình trạng hỗn loạn tại biên giới hai nước. Bộ trưởng Di dân Hi Lạp Joannis Mouzalas khẳng định “Hi Lạp sẽ không trở thành Libăng của châu Âu”.

Trước tình hình này, Chủ tịch Donald Tusk tuyên bố sẽ đến làm việc với các nước Áo, Slovenia, Croatia, Macedonia và Hi Lạp trong tuần tới hầu tìm ra tiếng nói chung trước khi có cuộc họp với Thổ Nhĩ kỳ ngày 7-3.

Trong lúc này bản thân Đức cũng gặp nhiều khó khăn trước làn sóng người tị nạn và di cư vào Đức. Ngoài chuyện không tìm được tung tích 130.000 người nhập cư, chủ tịch Liên đoàn Cảnh sát Đức Oliver Malchow còn tiết lộ với báo Die Westen là có tới 77% người tị nạn và di cư không có giấy tờ tuỳ thân hợp lệ, gây nhiều khó khăn cho việc đăng ký và kiểm tra các tiêu chuẩn xin tị nạn.

Ngày 25-2, đa số nghị sĩ trong Quốc hội Đức đã thông qua một gói tị nạn, với các biện pháp thắt chặt hơn các quy chế về xin tị nạn, đoàn tụ gia đình và những trẻ em không có thân nhân đi kèm.

Gói tị nạn mới này cũng tạo điều kiện để chính phủ cho hồi hương những người tị nạn đến từ những quốc gia được xem là an toàn như Bosnia, Kosovo hay những người xin tị nạn nhưng không chứng minh được nhân thân hay sử dụng giấy tờ giả mau chóng hơn.

Sự thắt chặt này không hẳn vì áp lực của phe đối lập mà còn vì dự kiến từ giờ tới năm 2020 sẽ có khoảng 3,6 triệu người tị nạn tới Đức.

Áo quay mặt với Đức

Trước đây Áo là một đồng minh thân thiết của Đức trong vấn đề người tị nạn. Không đầy 6 tháng trước, Chính phủ Áo đã mạnh mẽ chỉ trích Thủ tướng Hungary Viktor Orbán khi ông này áp dụng những biện pháp mạnh để ngăn chặn dòng người tị nạn.

Nay thì Áo đã thay đổi lập trường vì trong năm 2015 đã có 90.000 người tị nạn tại Áo trong khi dân số nước này chỉ có 8,7 triệu. Tính theo tương quan dân số thì Áo là một trong những quốc gia nhận nhiều người tị nạn hơn cả trong năm 2015.

Chính phủ Áo còn bất mãn với Đức vì một mặt Đức muốn duy trì biên giới mở trong các nước EU, mặt khác lại muốn giảm số lượng người tị nạn vượt qua rặng Alpes để đến Đức.

Báo Kurier dẫn lời Thủ tướng Áo Werner Faymann cho rằng các chính phủ châu Âu, đặc biệt là Đức, trước sau gì cũng rút kinh nghiệm từ Áo để đưa ra những quyết định nghiêm túc, nếu họ có cái nhìn thực tế!

QUẾ VIÊN (Từ COPENHAGEN)