01/11/2024

Cận vệ Kim Jong-il hé lộ ‘cuộc sống trong lồng vàng’

Võ thuật chỉ là một phần nhỏ trong chương trình huấn luyện dành cho đội cận vệ của các lãnh đạo Triều Tiên.

 

Cận vệ Kim Jong-il hé lộ ‘cuộc sống trong lồng vàng’

 


Võ thuật chỉ là một phần nhỏ trong chương trình huấn luyện dành cho đội cận vệ của các lãnh đạo Triều Tiên.




Từng là vệ sĩ của ông Kim Jong-il, lãnh đạo CHDCND Triều Tiên và là thân phụ của đương kim lãnh đạo nước này Kim Jong-un, nhưng hiện nay ông Lee Young-guk sống ở Hàn Quốc và là một nhà hoạt động vì người dân Triều Tiên.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Il-sung (trái) cùng con trai Kim Jong-il thị sát một sân bóng ở Bình Nhưỡng - Ảnh: AFP

Chủ tịch Triều Tiên Kim Il-sung (trái) cùng con trai Kim Jong-il thị sát một sân bóng ở Bình Nhưỡng – Ảnh: AFP

Câu chuyện ly kỳ về 10 năm làm vệ sĩ ở Bình Nhưỡng vừa được ông Lee hé lộ trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài Deutsche Welle(Đức) cách đây vài ngày.
Huấn luyện gắt gao
Theo lời kể của người đàn ông 54 tuổi, khi còn là học sinh trung học, ông từng được triệu tập nhiều lần cho cuộc tuyển trạch làm vệ sĩ của ông Kim Jong-il, con trai của Chủ tịch Triều Tiên Kim Il-sung (Kim Nhật Thành).
Thời đó, tất cả các trường học đều cử học sinh tham gia cuộc tuyển chọn quy mô lớn này. Các ứng viên phải qua cuộc kiểm tra tổng quát về thể hình cũng như tính cách. Tuy nhiên, theo ông Lee, yếu tố quan trọng nhất để được trở thành vệ sĩ của yếu nhân là lý lịch gia đình. “Họ tập trung hỏi liệu có người thân nào trong gia đình của bạn là tù nhân chính trị hoặc đào tẩu sang miền Nam hay không”, ông Lee cho biết.
Sau khi vượt qua tất cả cuộc kiểm tra tầm quốc gia, Lee được chọn gia nhập đội vệ sĩ 120 người bảo vệ cho ông Kim Jong-il, người qua đời năm 2011. Ông Kim được chỉ định làm nhà lãnh đạo tương lai của Triều Tiên vào năm 1974 nhưng chỉ chính thức giữ vị trí này từ năm 1994, sau khi ông Kim Il-sung qua đời.
Trước khi trở thành vệ sĩ, ông Lee phải trải qua nhiều cuộc huấn luyện gắt gao, bao gồm những biện pháp rèn luyện về cân nặng, sức khoẻ, sự khôn khéo và khả năng ứng phó. Ngoài ra, ông phải khổ luyện để trở thành một võ sĩ tinh nhuệ với những khả năng như đập vỡ ngói bằng tay không, sử dụng điêu luyện các chiêu võ thuật… Tuy nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ của chương trình đào tạo. Phần lớn là huấn luyện về tư tưởng. Ông Lee kể rằng những người vệ sĩ như ông được đào tạo để tin rằng ông Kim Jong-il là thần thánh và lý do duy nhất họ có mặt trên cõi đời là để phục vụ và bảo vệ nhà lãnh đạo tương lai này.
Lần đầu tiên ông Lee gặp và làm việc với ông Kim là vào một buổi sáng giá rét của năm 1979, theo tờ Los Angeles Times. Khi đó, ông Kim vỗ vào vai của chàng thanh niên Lee, hướng dẫn cách rải muối lên một xa lộ đầy tuyết và khen ông là chàng trai “rất mạnh mẽ và gọn gàng”.
Ông Lee cho hay ông Kim thường hay bắt chuyện với các vệ sĩ. Đó cũng là lúc họ tranh thủ giành sự chú ý và ưu ái từ lãnh đạo. So với người dân bình thường, cuộc sống của Lee và các đồng nghiệp rất sung túc. Tuy nhiên, họ lại luôn sống trong sợ hãi. Họ sợ phạm sai lầm và thất sủng vì một lỗi nhỏ cũng có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng cho toàn thể gia đình.
Ông Lee cho rằng ông Kim Jong-il có tính khí thất thường. “Nếu người nào nói sau lưng hoặc cười nhạo ông ấy, ổng sẽ cho “biến mất” vào bóng đêm, dù đó là người thân cận”, ông Lee đánh giá về ông Kim. Ngoài ra, ông Lee còn kể bị cấm về thăm nhà và luôn lo sợ bị tay chân của ông chủ theo dõi. Có lẽ do đó mà đối với ông, công việc bảo vệ ông Kim giống như cuộc sống của con chim bị nhốt trong lồng vàng.
Khởi đầu mới
Thế rồi thời gian làm vệ sĩ của ông Lee cũng kết thúc. Ông phải nghỉ việc vào năm 1988, không phải vì không làm được việc mà vì một người em họ của ông trở thành tài xế riêng của ông Kim. Theo quy định ở Triều Tiên, chỉ có một thành viên gia đình được phép làm việc trực tiếp cho gia đình lãnh tụ. Vì thế, ông Lee chọn cách ra đi và đó cũng là lần đầu tiên ông rời khỏi Bình Nhưỡng trong một thập niên.
Trên đường đi tàu hỏa về thăm quê nhà gần biên giới với Trung Quốc, ông cảm thấy bị sốc khi chứng kiến nhiều người Triều Tiên vẫn còn nghèo như trước đây. Lúc này, ông bắt đầu hoài nghi về những gì từng được tuyên truyền, bởi nó khác xa những gì ông đang thấy.
Sau khi kết thúc công việc vệ sĩ, ông Lee tiếp tục làm việc cho chính quyền Bình Nhưỡng với một vị trí cấp thấp. Khi đó, ông Lee vẫn còn được hưởng nhiều đặc ân, nhưng bắt đầu có ý định dùng kinh nghiệm từ công việc vệ sĩ trước đây để tìm cách trốn khỏi Triều Tiên. Đến năm 1994, Lee xin được thị thực đi Trung Quốc, định từ đây vượt biên sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, kế hoạch không thành nên ông bị đưa trở lại Triều Tiên và sống trong trại cải tạo gần 5 năm. Sau khi ra trại, Lee đào tẩu thành công sang Trung Quốc, rồi tới Hàn Quốc và bắt đầu sống ở Seoul từ tháng 5.2000.
Ông Lee kể với CNN rằng trong cuộc đời mới của mình tại xứ sở kim chi, ông nuôi vịt, viết sách về cuộc đời của mình lúc còn ở Triều Tiên, nỗ lực trở thành cây bút bình luận trên báo chí… Tuy nhiên, có một đề tài mà ông từ chối đề cập: gia đình của ông ở Triều Tiên, theo Deutsche Welle.
Sinh viên Mỹ “nhận tội” chống phá Triều Tiên
Ngày 29.2, Hãng thông tấn KCNA đưa tin sinh viên Mỹ Otto Warmbier, 21 tuổi, đã thừa nhận thực hiện “những tội ác nghiêm trọng” chống lại CHDCND Triều Tiên sau khi bị bắt hồi tháng 1 vì một sự cố chưa được xác định tại khách sạn sinh viên này thuê, ngay trước giờ lên máy bay đến Trung Quốc. “Tôi đã phạm tội lấy đi một khẩu hiệu chính trị từ khu vực dành cho nhân viên của khách sạn quốc tế Yanggakdo”, Warmbier khai nhận khi phát biểu với giới phóng viên ở Bình Nhưỡng.
Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Warmbier (ảnh) còn khai một người quen trong một nhà thờ ở Mỹ ngỏ lời sẽ cho anh ta một chiếc xe hơi đã qua sử dụng trị giá 10.000 USD nếu có thể mang về cho nhà thờ một áp phích tuyên truyền từ Triều Tiên.
Người đó còn nói nhà thờ sẽ cấp cho mẹ Warmbier 200.000 USD nếu anh ta bị bắt ở Triều Tiên và không trở về nước, theo KCNA.

 

Văn Khoa