Trung Quốc doạ động binh ở Biển Đông
Lần đầu tiên, một quan chức cấp cao đang đương chức của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) lên tiếng đe doạ khả năng sẽ động binh ở Biển Đông.
Trung Quốc doạ động binh ở Biển Đông
Lần đầu tiên, một quan chức cấp cao đang đương chức của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) lên tiếng đe doạ khả năng sẽ động binh ở Biển Đông.
Ấn Độ vừa tổ chức Đối thoại Delhi VIII với các nước ASEAN. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao VN Lê Hoài Trung dẫn đầu phái đoàn dự hội nghị này. Phát biểu ngày 19-2, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj kêu gọi Bắc Kinh tránh bất kỳ hành động đơn phương nào có thể gây căng thẳng trong khu vực – Ảnh: Bộ Ngoại giao Ấn Độ |
Nhân Dân Nhật Báo dẫn lời tư lệnh viên chiến khu miền nam, thượng tướng Vương Giáo Thành, lớn tiếng khẳng định PLA đang chuẩn bị để chiến đấu bảo vệ cái mà nước này tự gọi là “chủ quyền” ở Biển Đông. Ông Vương cho biết quân đội nước này đang cảnh giác cao độ trước mọi mối đe doạ an ninh trong các vùng biển tranh chấp.
“Quân đội Trung Quốc sẽ có khả năng xử lý bất kỳ mối đe doạ an ninh Trung Quốc nào. Không quốc gia nào được phép sử dụng bất kỳ lý do bào chữa và hành động nào để đe doạ sự an toàn và chủ quyền của Trung Quốc” – ông Vương lớn tiếng đe doạ.
Chiến khu miền nam là đơn vị mới được thành lập gần đây của PLA. Tướng Vương thậm chí khoe: “PLA đang lên kế hoạch ứng phó với tất cả kịch bản liên quan đến mọi nguy cơ quân sự có khả năng xảy ra trong khu vực”.
Trong diễn biến có liên quan, giới chức Ấn Độ cho biết New Delhi và Washington đang tiến tới ký kết thoả thuận chia sẻ hậu cần quân sự sau 12 năm đàm phán. Hãng tin Reuters cho biết đây là một tín hiệu cho thấy hai nước tăng cường các mối quan hệ quốc phòng, trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng có nhiều động thái khiêu khích trong khu vực.
Mỹ xuất hiện như một nguồn cung cấp vũ khí cho Ấn Độ, sau nhiều năm nước này mua vũ khí của Nga. Thời gian gần đây, Mỹ – Ấn Độ còn tổ chức nhiều cuộc tập trận và tuần tra chung trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, kể cả ở Biển Đông.
Đang có sự hội tụ giữa chính sách xoay trục châu Á của Tổng thống Barack Obama và chính sách hướng Đông của Thủ tướng Modi |
Saroj Bishoyi (chuyên gia Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng New Delhi) |
Thoả thuận hỗ trợ hậu cần (LSA) sẽ cho phép quân đội hai nước sử dụng các căn cứ quân sự trên bộ, không quân và trên biển của nhau để tiếp tế, sửa chữa và nhiều mục đích khác.
Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ – đô đốc Harry Harris xác nhận ngoài việc hướng tới ký kết LSA, Ấn Độ và Mỹ cũng đang tiến tới ký kết bản ghi nhớ thoả thuận an ninh thông tin liên lạc (CISMOA) và thoả thuận chia sẻ dữ liệu về địa hình, hàng hải và hàng không.
Washington cũng đang trong quá trình đàm phán với New Delhi về việc đóng tàu sân bay cho nước này. Đây được xem là phi vụ hợp tác quốc phòng lớn nhất giữa hai nước đến nay.
Báo The Press Trust of India dẫn lời một quan chức Chính phủ Ấn Độ cho biết chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi xem các thoả thuận trên là một cách tăng cường hợp tác quốc phòng với Washington. Một nguồn tin quốc phòng Mỹ cho biết LSA có thể sẽ được ký kết trong chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter vào tháng 4.
Về đơn kiện của Philippines lên Tòa trọng tài quốc tế, thời gian qua nhiều quốc gia đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc phải có thái độ phù hợp với luật quốc tế.
Hôm qua, Bộ trưởng ngoại giao Philippines Albert del Rosario một lần nữa yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng kết quả phân xử của Toà trọng tài quốc tế ở The Hague liên quan việc Bắc Kinh đòi chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông del Rosario yêu cầu Trung Quốc hành xử như một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
“Nếu Trung Quốc không chú ý đến lời kêu gọi tập thể của chúng tôi, điều đó có nghĩa Trung Quốc đang tự xem mình trên cả luật pháp?” – ông del Rosario đặt câu hỏi.
Phiên toà dự kiến diễn ra trước tháng 5-2016. Bắc Kinh đã từ chối tham gia phiên toà và đề xuất các bên tranh chấp nên được giải quyết thông qua đối thoại song phương.