Tự tạo cơ hội: Gầy dựng uy tín từ nước mắm thủ công
Tận dụng nguồn cá cơm do ngư dân cùng quê đánh bắt, gia đình chị Bùi Thị Nga (47 tuổi), ở thôn Kỳ Tân Nam, xã Đức Lợi, H.Mộ Đức (Quảng Ngãi) đã chế biến nước mắm thủ công rồi gầy dựng thành thương hiệu uy tín.
Tự tạo cơ hội: Gầy dựng uy tín từ nước mắm thủ công
Tận dụng nguồn cá cơm do ngư dân cùng quê đánh bắt, gia đình chị Bùi Thị Nga (47 tuổi), ở thôn Kỳ Tân Nam, xã Đức Lợi, H.Mộ Đức (Quảng Ngãi) đã chế biến nước mắm thủ công rồi gầy dựng thành thương hiệu uy tín.
Vừa đến cơ sở chế biến nước mắm thủ công của chị Nga đã nghe mùi thơm nồng đặc trưng, khác hẳn các loại nước mắm chế biến công nghiệp. Đưa chúng tôi xem những thùng, bể đang chảy ra dòng nước mắm vàng ươm, chị Nga bảo đó là công sức xây dựng nhiều năm nay của gia đình.
30 năm làm nước mắm truyền thống
Từ 17 tuổi, chị Nga đã theo mẹ học nghề chế biến nước mắm. “Hồi trước, cứ làm nước mắm xong là lấy xe đạp chở đi bán khắp nơi, chở đi can nào là bán hết can đó. Ai cũng khen ngon. Mừng nhưng hổng biết làm thương hiệu, giới thiệu gì”, chị Nga kể chuyện. Đến khi lấy chồng, chị ở nhà làm nước mắm, còn chồng thì đi biển.
Đến một lần cán bộ ở Sở NN-PTNT Quảng Ngãi về tập huấn cách chế biến, bảo quản nước mắm rồi khuyên: khi người tiêu thụ sợ các sản phẩm thực phẩm công nghiệp thì họ sẽ quay về với thực phẩm thủ công. Từ đó, chị Nga ấp ủ việc mở rộng nghề sản xuất nước mắm thủ công với quy mô hơn cách làm “nhỏ giọt” lâu nay. Thêm vào đó, anh Hồng – chồng chị Nga cũng ngày càng lớn tuổi, không còn phù hợp cuộc sống biển khơi đầy sóng gió, chị khuyên chồng ở nhà để cùng làm nước mắm và lấy thương hiệu là Hồng Út. “Hồng là tên chồng, còn mình là út trong nhà, ai cũng quen gọi là “con út” nên lấy luôn tên Hồng Út cho dễ biết”, chị Nga thổ lộ.
Quyết tâm theo nghề
Để thực hiện ý tưởng, gia đình chị Nga mở rộng cơ sở sản xuất nước mắm. Mỗi năm chị muối từ 10 – 20 tấn cá, có khi còn nhiều hơn nữa. Cứ mỗi hồ là 100 bao cá cơm (mỗi bao/100 kg), sau đó muối nguyên 12 tháng rồi mới cho ra sản phẩm nước mắm thơm lừng. Lứa nước mắm chảy ra đầu tiên gọi là nước cốt được 45 bao. Còn lại là 55 bao nước xác được thêm muối, nước vào để lên men và cho nước mắm đợt 2. Sau đó, pha 1 lít nước cốt với 3 lít nước đợt 2 cho ra sản phẩm nước mắm 15 độ đạm.
“Chẳng giấu gì em, cứ mỗi thùng mắm, nước cốt là đủ huề vốn, còn nước thứ hai là tiền lời. Hiện cơ sở chị lấy công làm lời, bán nước mắm nêm 10.000 đồng/lít, còn mắm 15 độ đạm là 21.000 đồng/lít”, chị Nga nói. Hằng ngày, hai vợ chồng chị lo sang chiết nước mắm, sau đó đóng thùng cho vợ chồng con trai lái ô tô chở đi bán khắp nơi. Năm 2015 và đợt Tết Bính Thân 2016 vừa rồi, cơ sở của chị sản xuất 24.000 chai nước mắm, tăng 2.000 chai so với năm 2014. Sản phẩm của chị không chỉ bán tại thị trường trong tỉnh mà còn theo chân những người Quảng Ngãi làm ăn xa xứ.
Chị Nga chia sẻ dù lời lãi không bao nhiêu, nhưng mỗi năm sau khi tính toán chi tiêu, cơ sở Hồng Út kiếm được trên dưới 150 triệu đồng và chưa bao giờ có ý định sản xuất nước mắm công nghiệp. Năm nào sản xuất có ít hay nhiều thì chất lượng, an toàn thực phẩm, uy tín vẫn được đặt lên hàng đầu. Nguồn mắm từ cơ sở Hồng Út luôn làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên, không sử dụng hóa chất.
Có lẽ vì vậy mà trong khi hàng trăm cơ sở làm nước mắm thủ công trong tỉnh bỏ nghề, thì cơ sở Hồng Út vẫn sản xuất, ăn nên làm ra mãi đến giờ. Năm nào, tỉnh Quảng Ngãi cũng đặt mua hàng ngàn chai nước mắm từ cơ sở Hồng Út để làm quà hỗ trợ cho người nghèo ở địa phương mỗi khi tết đến.
Theo ông Trần Văn Nhân – Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Đức Lợi, làng nghề nước mắm Đức Lợi vốn nổi danh với 350 hộ. Hiện giờ, chỉ còn lại số ít, trong đó cơ sở nước mắm Hồng Út là nơi sản xuất ổn định nhất từ trước đến nay.
Phạm Anh