Thế trận mới ở Biển Đông
Giữa bối cảnh Trung Quốc gần như sẵn sàng cho một hệ thống quân sự để kiểm soát toàn bộ Biển Đông, có chuyên gia cho rằng cần hình thành liên kết diện rộng trong khu vực.
Thế trận mới ở Biển Đông
Giữa bối cảnh Trung Quốc gần như sẵn sàng cho một hệ thống quân sự để kiểm soát toàn bộ Biển Đông, có chuyên gia cho rằng cần hình thành liên kết diện rộng trong khu vực.
Ngày 27.2, nhận định với Thanh Niên về những động thái gần đây của Bắc Kinh trên Biển Đông, giáo sư James Holmes, thuộc Trường chiến tranh hải quân Mỹ, nhận xét: “Các tuyên bố chủ quyền sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu thiếu năng lực quân sự đi kèm. Vì thế, để phục vụ cho tham vọng chủ quyền trên Biển Đông, Trung Quốc mưu đồ đạt ưu thế tuyệt đối về quân sự tại đây. Bắc Kinh từng thực hiện ưu thế đó thông qua lực lượng tàu cảnh sát biển và một số tàu mang vỏ bọc phi quân sự, nhưng nay họ dường như đang chuẩn bị với một “cây gậy” lớn hơn”.
Rõ hơn, ông Holmes đánh giá: “Việc triển khai chiến đấu cơ, hệ thống tên lửa đối không HQ-9… để đòi hỏi cái mà họ tuyên bố là chủ quyền. Những gì đang triển khai là khung nền cho một sức mạnh hải quân hùng hậu tại Biển Đông, với chiến đấu cơ có thể hoạt động tầm xa, bao phủ khu vực rộng, kèm theo là tên lửa đối không tối tân”. Từ thực tế đó, giáo sư Holmes dự báo: “Bắc Kinh sẽ dùng quân sự hậu thuẫn cho các chính sách ngoại giao đối với Biển Đông”.
“Hàng không mẫu hạm” ở Hoàng Sa
Quả thực, trước đây, sức mạnh quân sự của Bắc Kinh trên Biển Đông chủ yếu chỉ dựa vào các căn cứ hải quân và không quân đóng trên đảo Hải Nam. Tuy nhiên, lực lượng của Bắc Kinh tại đảo Hải Nam khó đảm nhiệm việc bao phủ toàn bộ Biển Đông bởi vùng biển này trải khá dài. Thế nhưng, Trung Quốc nay đã có khả năng kiểm soát không – biển khắp Biển Đông nhờ lực lượng bao phủ rộng hơn.
|
Cụ thể, các căn cứ không quân và hải quân ở đảo Hải Nam tập trung nhiều loại chiến đấu cơ, máy bay vận tải quân sự, radar, tàu chiến nhiều loại và thậm chí là tàu ngầm hạt nhân. Khu vực này chỉ cách quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 200 hải lý. Các loại tàu chiến từ Hải Nam chỉ mất khoảng 8 giờ để đến Hoàng Sa, chiến đấu cơ thì tốn chưa đầy 20 phút bay, hệ thống radar đủ tầm bao phủ.
Tiếp nối các căn cứ ở đảo Hải Nam chính là lực lượng được Bắc Kinh triển khai trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Các tổ chức, cơ quan nghiên cứu quốc tế dẫn nhiều bằng chứng chỉ ra Bắc Kinh đã ngang nhiên triển khai chiến đấu cơ J-11, oanh tạc cơ HJ-7, hệ thống tên lửa đối không HQ-9 cùng nhiều cơ sở được cho là kho chứa vũ khí, nhà chứa máy bay… cùng đường băng trên đảo Phú Lâm. Vài năm trước, một số hình ảnh cho thấy Bắc Kinh cũng đã triển khai trái phép radar tại đây.
Theo một số chuyên trang quân sự, máy bay tiêm kích J-11 có bán kính chiến đấu khoảng 1.500 km, có thể trang bị nhiều loại bom và tên lửa, đặc biệt là tên lửa đối không. Nhờ đó, J-11 có thể hoạt động khắp vùng trời Biển Đông, kéo dài từ vịnh Bắc bộ đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hỗ trợ đắc lực cho J-11 còn có oanh tạc cơ HJ-7. Nhận xét vớiThanh Niên ngày 27.2, tiến sĩ Koh Swee Lean Collin, chuyên gia quân sự của Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), cho biết: “JH-7 có một phiên bản tác chiến đa nhiệm là FBC-1 tương tự dòng Tornado (chiến đấu cơ do Anh, Đức, Ý cùng phát triển – NV). Vì thế, JH-7 hiệu quả hơn J-11 trong việc đối phó với tàu chiến. HJ-7 có khả năng nạp nhiên liệu trên không, được trang bị tên lửa chống tàu chiến, bán kính chiến đấu cũng lớn hơn dòng oanh tạc cơ Q-5 đã lỗi thời. Cùng với hệ thống điện tử tiên tiến hơn, JH-7 sẽ giúp Bắc Kinh sở hữu lực lượng không đối hải đáng lo trên Biển Đông”.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng thường xuyên điều động tàu chiến hiện diện trong khu vực.
Kết hợp những yếu tố đó, có thể xem đảo Phú Lâm mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép sẽ giúp Bắc Kinh hình thành một lực lượng tương tự nhóm tác chiến tàu sân bay trên Biển Đông khi chưa thể triển khai tàu sân bay đến khu vực này. Tiến sĩ Collin nhận định: “Khi chưa thể triển khai hàng không mẫu hạm, JH-7 và chiến đấu cơ Su-30MK2 sẽ giúp Bắc Kinh triển khai lực lượng tấn công trên biển theo cách mà Anh từng làm trong cuộc chiến Falklands/Malvinas”.
Ở phía nam, các hệ thống radar cao tần mà Trung Quốc triển khai trái phép trên một số cấu trúc, thuộc quần đảo Trường Sa của VN, đóng vai trò “tai mắt” để cảnh báo từ xa.
Cần mạng lưới liên kết mới
Đó là ý kiến của tiến sĩ Satoru Nagao, chuyên gia của Diễn đàn nghiên cứu chiến lược Nhật Bản – giảng viên ngành an ninh tại Đại học Gakushuin (Nhật Bản), khi nhận định với Thanh Niên về những căng thẳng gần đây tại Biển Đông khi Bắc Kinh tăng cường quân sự hoá.
Ông Nagao phân tích: Suốt một thời gian dài, các liên minh song phương của Mỹ với Nhật, Hàn Quốc, Úc, Philippines đã đảm bảo tình trạng cân bằng tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trong khi đó, những đối tác trong các liên minh song phương với Mỹ lại không hợp tác mạnh mẽ hơn nhau. Ví dụ, cả Tokyo và Canberra đều là đồng minh thân cận với Washington, nhưng giữa Tokyo và Canberra lại không hợp tác chặt chẽ về an ninh, quân sự. Tất cả đều lệ thuộc vào nguồn lực quân sự của Washington. Vì thế, trước đây, khi Mỹ còn đủ nguồn lực quân sự để phân bổ thì mạng lưới đồng minh trên có thể phát huy tác dụng, nhưng nay tình hình đã thay đổi, tài nguyên quân sự bị suy giảm, phân bổ ra nhiều khu vực. Bởi vậy, hiện tại, mạng lưới đồng minh trên không còn đủ sức duy trì ổn định trong khu vực. Trong khi đó, Bắc Kinh đang thể hiện mưu đồ trỗi dậy, có nhiều hành động cứng rắn đối với các tuyên bố chủ quyền mà họ theo đuổi.
Chính vì thế, tiến sĩ Nagao khẳng định cần hình thành một hệ thống liên kết mới nhằm đảm bảo hòa bình ổn định cho khu vực.
Tiến sĩ Nagao chỉ ra rằng: “Một hệ thống đồng minh mới đang dần nổi lên trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương nối liền Ấn Độ Dương”.
Cụ thể, theo ông, một số thỏa thuận hợp tác đa phương đã dần hình thành như: Nhật Bản – Ấn Độ – Mỹ, Nhật Bản – Úc – Ấn Độ, Nhật Bản – Mỹ – Úc, Nhật Bản – Ấn Độ – Mỹ – Úc – Singapore… Ông dự báo: “Những thoả thuận ba bên, đa phương sẽ kết hợp cùng các hợp tác song phương sẵn có để hình thành một tập thể liên minh mới. Năm 2015, lần đầu tiên Nhật – Ấn – Úc tổ chức đối thoại ba bên mà không có sự tham gia của Mỹ.
Cũng trong năm 2015, Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ khẳng định hoan nghênh việc Nhật Bản tham gia tuần tra trên Biển Đông. Đó chính là những diễn biến cho thấy các đồng minh của Mỹ đã nối kết với nhau, để chia sẻ trách nhiệm cùng nhau”. Tiến sĩ Nagao cho rằng mạng lưới liên kết này nên có sự tham gia tích cực của nhiều nước khác trong khu vực.
ASEAN cảnh báo về bồi đắp ở Biển Đông
Ngày 27.2, các ngoại trưởng ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến ở Biển Đông sau khi Trung Quốc triển khai phi pháp tên lửa và chiến đấu cơ tới quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN, theo Reuters.
Trong tuyên bố đưa ra sau hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở thủ đô Vientiane của Lào, các ngoại trưởng cảnh báo hoạt động bồi đắp và những hành động leo thang khác khiến căng thẳng gia tăng, có thể phá huỷ hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực. TTXVN dẫn lời Phó thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tại Vientiane rằng ASEAN cần phát huy đoàn kết thống nhất và tiếng nói chung trước những diễn biến phức tạp ở khu vực, nhất là Biển Đông; chia sẻ quan ngại về tình hình đang ngày càng phức tạp ở Biển Đông, nhất là việc quân sự hoá và những hệ luỵ đối với hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Chiều cùng ngày, Phó thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith khẳng định với giới phóng viên rằng với tư cách Chủ tịch ASEAN, Lào sẽ cùng các thành viên thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc nhằm tiếp tục thực hiện Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thành việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Minh Trung
|
Ngô Minh Trí