23/01/2025

Hiểm hoạ ADIZ ở Biển Đông

Những động thái phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua làm dấy lên nhiều nghi ngờ về âm mưu thực sự của Bắc Kinh.

 

Hiểm hoạ ADIZ ở Biển Đông

 

Những động thái phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua làm dấy lên nhiều nghi ngờ về âm mưu thực sự của Bắc Kinh.





Mỹ có thể triển khai B-52 để thách thức nếu Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông - Ảnh: Hải quân Mỹ

 

Mỹ có thể triển khai B-52 để thách thức nếu Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông – Ảnh: Hải quân Mỹ


Khả năng Trung Quốc đang dọn đường cho việc tuyên bố thành lập một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) phi pháp ở Biển Đông đang là vấn đề được nhiều quan chức quốc phòng và chuyên gia đề cập đến, sau khi Bắc Kinh liên tục có những động thái khiêu khích như triển khai tên lửa phòng không HQ-9 cũng như chiến đấu cơ J-11 và JH-7 đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN và cấp tập xây dựng hệ thống radar trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa.
Cản trở tự do hàng không
Phát biểu với báo giới ở Lầu Năm Góc ngày 25.2, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris đã bày tỏ lo ngại về khả năng nói trên. “Tôi cho rằng đó là hành vi gây bất ổn và khiêu khích. Chúng tôi sẽ phớt lờ nó, cũng như chúng tôi từng làm với ADIZ mà họ lập ở Hoa Đông”.
Quan ngại của Đô đốc Harris cũng được chia sẻ bởi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani ngày 26.2. Theo Đài NHK, ông Nakatani cho biết Nhật Bản không loại trừ khả năng Trung Quốc lập ADIZ, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế thực hiện hành động có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoà bình và ổn định ở Thái Bình Dương.
 
 
Ấn Độ muốn có giải pháp hoà bình
Tờ The Navhind Times ngày 28.2 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar cho biết nước này muốn tìm kiếm giải pháp hoà bình cho tranh chấp tại Biển Đông theo Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS). “Chúng tôi không hứng thú với việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề bằng vũ lực”, ông Parrikar phát biểu.
Quan chức này cho biết thêm rằng Ấn Độ có thể bị ảnh hưởng từ tranh chấp ở Biển Đông bởi nước này có 2 hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí với VN ở khu vực.

 

Nhận định với Thanh Niên về mưu đồ ADIZ của Trung Quốc, Giáo sư James Kraska thuộc Trung tâm nghiên cứu luật quốc tế Stockton tại Trường chiến tranh hải quân Mỹ cho rằng vùng trời ở Biển Đông là không phận quốc tế và không quốc gia nào có thể đòi hỏi máy bay của quốc gia khác tuân thủ các quy định cản trở quyền tự do hàng không. “Không lưu quốc tế được quản lý thông qua Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và các Vùng thông tin bay (FIR) được chỉ định, chứ không phải các quốc gia. Trung Quốc có nghĩa vụ pháp lý phải tuân thủ các quy định của ICAO và không được đơn phương lập ra các quy định mới”.

Đáp trả ADIZ
Trả lời câu hỏi của Thanh Niênrằng liệu Mỹ và các quốc gia khác nên làm gì để đáp trả nếu Trung Quốc tuyên bố lập ADIZ ở Biển Đông, chuyên gia về chính sách quốc phòng Harry J.Kazianis thuộc Trung tâm Vì lợi ích quốc gia (Mỹ) cho rằng điều đầu tiên mà Mỹ nên làm là thách thức ngay lập tức âm mưu hợp pháp hoá ADIZ.
“Khi Bắc Kinh lập ADIZ ở Hoa Đông vào cuối năm 2013, Washington lập tức triển khai oanh tạc cơ B-52 đến khu vực. Theo tôi, Mỹ phải thực hiện sứ mệnh đó ngay trong 24 giờ đầu tiên, kế đến Nhật Bản, VN và Philippines có thể làm điều tương tự. Để bảo đảm các hành động đó trở nên nổi bật trên báo giới, Mỹ nên chọn một nhóm phóng viên từ một tổ chức truyền thông lớn đi theo họ, tương tự năm ngoái khi Đài CNN tháp tùng phi hành đoàn Mỹ bay qua Biển Đông. Những hình ảnh như thế rất có uy lực và phơi bày điều mà tôi sẽ gọi là tiêu điểm ô nhục trong các hành động của Trung Quốc”, cựu Tổng biên tập tạp chí The Diplomat chia sẻ.
Cũng theo ông Kazianis, Mỹ nên tiến hành song song một sứ mệnh tự do hàng hải (FONOP) để thể hiện rằng Washington không thừa nhận những yêu sách của Trung Quốc cả trên không lẫn dưới biển.
Để đối phó với âm mưu của Bắc Kinh nhằm kiểm soát Biển Đông trên thực tế, Mỹ hiện chú trọng tiến hành FONOP, cụ thể là điều tàu chiến và máy bay áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây phi pháp trong khu vực. Trong cuộc điều trần trước Uỷ ban Quân vụ Hạ viện vào tuần qua, Đô đốc Harris cho biết lực lượng Mỹ sẽ đẩy mạnh FONOP về cả tần suất và quy mô trong thời gian tới.
Tuy nhiên, không phải ai cũng cho rằng FONOP là một cách thức hữu hiệu để ngăn chặn Trung Quốc. Ngay sau khi thông tin Trung Quốc đưa tên lửa đến đảo Phú Lâm được tiết lộ, Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain đã ra tuyên bố khẳng định FONOP không phải là biện pháp tương xứng, đồng thời kêu gọi chính quyền Mỹ xem xét các phương án bổ sung để gia tăng áp lực lên Bắc Kinh. Đây cũng là quan điểm của chuyên gia Kazianis. Ông nói: “Tôi từng cho rằng Bắc Kinh có thể đơn giản phớt lờ FONOP, tiếp tục tăng cường năng lực quân sự ở Biển Đông, từ đó có thể thống trị Biển Đông trong vài năm hoặc sớm hơn. Trên thực tế, đó là những gì Bắc Kinh đang làm lúc này”.
Trong khi đó, Giáo sư Kraska cho rằng Mỹ và các quốc gia khác nên thực hiện FONOP ở Biển Đông như một cách thể hiện hoà bình thái độ phản đối những sự cản trở trái phép quyền tự do hàng hải. “FONOP có hiệu quả trong việc thể hiện rằng không quốc gia nào có thể đơn phương kiểm soát sự di chuyển của tàu thương mại hoặc tàu chiến bên ngoài lãnh hải”, ông nói.

Sơn Duân