23/01/2025

Nhùng nhằng quy hoạch xe đón khách

Ngày 26.2, nhiều doanh nghiệp xe khách đã bày tỏ bức xúc khi được đối thoại với lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM và Vụ Vận tải – Bộ GTVT khi nhiều năm nay, TP vẫn không quy hoạch được điểm đón – trả khách nào.

 

Nhùng nhằng quy hoạch xe đón khách

 

Ngày 26.2, nhiều doanh nghiệp xe khách đã bày tỏ bức xúc khi được đối thoại với lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM và Vụ Vận tải – Bộ GTVT khi nhiều năm nay, TP vẫn không quy hoạch được điểm đón – trả khách nào.





Xe khách dừng, đậu nơi có biển cấm - Ảnh: Diệp Đức Minh

Xe khách dừng, đậu nơi có biển cấm – Ảnh: Diệp Đức Minh


Không có điểm đón – trả khách

Ông Lê Văn Huệ, Giám đốc Công ty TNHH vận tải và dịch vụ du lịch Hoa Mai, cho biết đơn vị hiện có 65 xe khách hoạt động theo hình thức tuyến cố định Vũng Tàu – Bến xe (BX) Miền Tây. Trong đó, trên lộ trình từ Vũng Tàu về thường xuyên có 50 – 60 khách xin được xuống tại Q.1. Thế nhưng do khu vực này chưa có trạm đón trả khách nên doanh nghiệp (DN) thường xuyên buộc phải vi phạm. Ông Huệ đề nghị Sở GTVT cho phép DN được làm trạm để xuống khách tại đường Mai Chí Thọ đoạn gần cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây hoặc trên đường Võ Văn Kiệt.
Ông Lê Hoàng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT TP cho rằng đề xuất này phù hợp với quy định pháp luật nên Sở sẽ xem xét. Tuy nhiên do các đường đang chuẩn bị xây dựng tuyến xe buýt nhanh (BRT) nên cần khảo sát kỹ, nếu không sẽ vướng quy hoạch.


Nhùng nhằng quy hoạch xe đón khách - ảnh 1
Trung bình mỗi xe hơn 2 vé nên nếu chỉ bám trong bến chắc chúng tôi không thể tồn tại. Nhưng khi hoạt động bên ngoài (tại khu vực Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm, Q.1) hầu như ngày nào xe chúng tôi cũng bị phạt

Nhùng nhằng quy hoạch xe đón khách - ảnh 2

Ông Trần Thanh, Giám đốc Công ty vận tải Toàn Thắng

Ông Trần Thanh, Giám đốc Công ty vận tải Toàn Thắng, kể: “Chúng tôi đang kinh doanh 2 loại hình xe khách gồm tuyến cố định và xe hợp đồng. Tuyến cố định có 40 xe chạy Vũng Tàu – BX Miền Đông và 40 xe chạy tuyến Vũng Tàu – BX Miền Tây. Thế nhưng do khách không thích vào bến nên tại BX Miền Đông mỗi ngày chỉ bán chưa được 100 vé cho dù phục vụ rất tốt”. Tại BX Miền Tây có ngày Toàn Thắng chỉ bán được 30 vé, ngày cao nhất cũng chỉ 60 vé, không đủ duy trì hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, mỗi ngày trung bình có khoảng 10.000 người đi lại từ Vũng Tàu – TP.HCM để học hành, du lịch, làm việc, mà chủ yếu là ở trung tâm TP. Ông Thanh tính toán: “Trung bình mỗi xe hơn 2 vé nên nếu chỉ bám trong bến chắc chúng tôi không thể tồn tại. Nhưng khi hoạt động bên ngoài (tại khu vực Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm, Q.1) hầu như ngày nào xe chúng tôi cũng bị phạt”. Ông Thanh tha thiết đề nghị mở trạm lên, xuống khách ngoài BX để DN được bán vé bổ sung. Nếu nhà nước không đứng ra làm thì phải để cho DN tự làm. Ông Trần Thanh không đồng ý cách trả lời của Sở GTVT là phải chờ đợi mà phải làm ngay để thuận tiện cho người dân, DN.

Xe ngang qua nhà cũng không được lên
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Xe khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM (nguyên là Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ – Sở GTVT TP.HCM), bức xúc hai năm nay TP không công bố được điểm lên, xuống khách nào. Việc này gây rất nhiều khó khăn cho các DN vận tải lẫn hành khách. Ông Tính ví dụ, khách nhà ở Suối Tiên (Q.9) buộc phải đi ngược vào BX Miền Đông mua vé và đón xe. Nhưng DN thì không dám đón – trả khách tại khu vực này do sợ bị xử phạt. Hoặc nếu có đón, trả khách thì phải lén lút như kẻ trộm.
Đại diện các DN vận tải tuyến cố định ở Phan Rang đề nghị Sở GTVT TP bố trí ngay các điểm dừng, trả khách tại khu vực Suối Tiên để thuận lợi cho hành khách. Không thể bắt khách từ Suối Tiên đi ngược vào BX Miền Đông mua vé đi xe.
Đại diện Hãng xe khách Huệ Nghĩa, có xe chở khách từ Long An – TP.HCM nhiều năm qua, bức xúc cho biết nhu cầu của người dân các tỉnh miền Tây là xe phải đưa rước tận nơi, nhất là các bệnh viện trên địa bàn TP vì họ đi khám, chữa bệnh. “Nhà tôi trên QL1, cách BX Miền Tây 2 km về hướng miền Tây, mỗi lần đi xe về miền Tây phải đi ngược lại BX để mua vé, vừa xa xôi, tốn thời gian, bất tiện. Trong khi xe đi ngang nhà thì không được lên” – ông bức xúc và đề nghị lãnh đạo TP.HCM nghiên cứu giúp người dân miền Tây đi TP.HCM, nhất là những người đi khám, chữa bệnh bằng việc mở điểm đón, trả khách dọc đường phù hợp.
Ở thị phần xe hợp đồng, theo ông Nguyễn Hồ Vũ Tùng, đại diện Công ty TNHH Thành Bưởi, pháp luật hiện không cấm và nhu cầu đi lại của người dân bằng xe hợp đồng rất lớn. Ở nhiều tỉnh thành, loại hình này được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, đến nay Sở GTVT vẫn chưa có các dịch vụ hỗ trợ cho loại hình này. Tại TP.HCM mới có một điểm duy nhất tại công viên 23 Tháng 9, nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu của các DN vận tải. Vì vậy, bắt buộc các xe phải đậu, đỗ ngoài đường để chờ đón trả khách gây mất mỹ quan đô thị, ách tắc giao thông.
Đại diện điều hành Hãng xe khách Mai Linh cho biết từ năm 2007 Mai Linh đã sử dụng xe trung chuyển để chở khách từ trung tâm TP ra BX liên tỉnh nhưng “không thể sống nổi” vì nhiều xe sử dụng danh nghĩa hợp đồng chạy vào nội thành rước hết khách. Cách nay 2 năm, lãnh đạo Sở GTVT cùng lãnh đạo BX đi tìm địa điểm đón trả khách nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ điểm nào được chọn, khiến DN rất khó. “Đây là văn hoá đi lại của người dân nên phải tạo thuận lợi cho người dân chứ không thể buộc họ quay ngược vào bến”, vị này nói và dẫn chứng tại tỉnh Đồng Nai, Sở GTVT tỉnh này đã quy hoạch được trạm rước khách đối diện BX Đồng Nai. Khách đã mua vé rồi thì cứ ra đón, xe đến đón chứ chẳng cần vào bến.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải thuộc Bộ GTVT, yêu cầu Sở GTVT thực hiện sớm các điểm trung chuyển, đón trả khách để thuận lợi cho người dân, DN. Tuy nhiên, các điểm đón trả khách không được gây mất trật tự, ảnh hưởng đến cộng đồng.
Ông Lê Hoàng Minh cho biết Sở GTVT sẽ mở các điểm trung chuyển xe khách; cải thiện hình ảnh xe buýt để hỗ trợ trung chuyển hành khách.

Đình Mười