23/01/2025

Nhật, Ấn, Úc quan ngại sâu sắc về Biển Đông

Tình hình Biển Đông tiếp tục khiến dư luận quốc tế đặc biệt lo ngại sau những hành động phương hại đến hoà bình và ổn định trong khu vực của Trung Quốc.

 

Nhật, Ấn, Úc quan ngại sâu sắc về Biển Đông

 

Tình hình Biển Đông tiếp tục khiến dư luận quốc tế đặc biệt lo ngại sau những hành động phương hại đến hoà bình và ổn định trong khu vực của Trung Quốc.





Máy bay chống ngầm Úc AP-3C Orion thường được triển khai tuần tra ở Biển Đông - Ảnh: ABC

Máy bay chống ngầm Úc AP-3C Orion thường được triển khai tuần tra ở Biển Đông – Ảnh: ABC


Ngày 26.2, trong cuộc hội đàm 3 bên ở Tokyo, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki cùng Quốc vụ khanh đặc trách ngoại giao và thương mại Úc Peter Varghese và Bí thư đối ngoại Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar thảo luận nhiều vấn đề an ninh khu vực, trong đó tập trung vào vấn đề Biển Đông.
“Chúng tôi chia sẻ quan ngại sâu sắc về những động thái đơn phương thay đổi hiện trạng dẫn đến tình trạng bất ổn ở khu vực. Chúng tôi cũng chia sẻ nhu cầu thiết lập quy định mới trong khu vực để duy trì tinh thần thượng tôn pháp luật và tự do hàng hải”, Kyodo News dẫn lời Saiki tuyên bố sau cuộc hội đàm.
Trước đó, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida nhấn mạnh rằng hợp tác 3 bên về các vấn đề ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương góp phần duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực và Tokyo sẽ tìm cách thắt chặt quan hệ tay ba này.
Cũng trong ngày 26.2, tờ The Economics Times dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vikas Swarup nhấn mạnh cần phải tránh những hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông, khi được hỏi về các hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc trong khu vực.
Biển Đông vào Sách trắng quốc phòng Úc
Tình trạng Trung Quốc ồ ạt quân sự hoá Biển Đông cũng khiến những nước không tham gia tranh chấp “đứng ngồi không yên” vì ảnh hưởng đến một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới cũng như tác động đến bối cảnh địa chiến lược châu Á – Thái Bình Dương. Mới nhất, Úc thể hiện rõ lập trường khi đưa Biển Đông vào Sách trắng quốc phòng được công bố hôm 25.2.
“Tranh chấp chủ quyền giữa các bên ở Biển Đông và biển Hoa Đông tạo ra tình trạng không chắc chắn và căng thẳng ở khu vực. Những chính sách và hành động của Trung Quốc sẽ có tác động lớn về ổn định ở Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương tới năm 2035”, Sách trắng cảnh báo. Tài liệu này còn nhấn mạnh: “Úc phản đối việc sử dụng những cấu trúc nhân tạo ở Biển Đông cho mục đích quân sự. Úc cũng phản đối việc củng cố tuyên bố chủ quyền và những quyền hàng hải không phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS)”.
Hôm qua 26.2, Giáo sư Rory Medcalf tại Đại học Quốc gia Úc nhận định với tờ The Australian Financial Review rằng Sách trắng là bằng chứng cho thấy Úc xem căng thẳng ở Biển Đông là quan ngại an ninh hợp pháp của mình. Ông nói rõ: “Sách trắng nêu bật rằng môi trường an ninh xung quanh Úc ngày càng trở nên phức tạp và không chắc chắn. Phần lớn nguyên do của tình trạng này liên quan đến cách Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh cơ bắp của mình”.
Trong buổi công bố Sách trắng quốc phòng, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cảnh báo: “Chúng tôi sẽ quan ngại nếu sự cạnh tranh về ảnh hưởng hoặc sự phát triển các khả năng quân sự dẫn tới bất ổn và đe doạ lợi ích của Úc ở Biển Đông, bán đảo Triều Tiên hoặc khu vực xa hơn”. Theo Giáo sư Medcalf, phát biểu của ông Turnbull chứng tỏ chính quyền Canberra vẫn để ngỏ khả năng thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông bằng cách cho tàu chiến tuần tra vùng biển phạm vi 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông như Mỹ từng làm.
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews kêu gọi Thủ tướng Turnbull nhanh chóng phê chuẩn đưa tàu chiến thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý và những hành động nguy hiểm của Trung Quốc. “Trung Quốc đang lợi dụng sự rụt rè của một số bộ phận ở Mỹ và đồng minh. Chúng ta đã có những bước đi rất thận trọng trong mấy tháng qua và phản ứng của Trung Quốc là gì? Họ tiếp tục quân sự hóa Biển Đông lẫn biển Hoa Đông dù Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra cam kết ngược lại”, ông Andrews khẳng định với Đài ABC.
Nguy cơ “kiểm soát thực tế”
Phát biểu với báo chí hôm 26.2, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Harry Harris cho rằng bằng các hành động xây dựng phi pháp căn cứ không quân, boong-ke kiên cố trên các bãi đá ở Trường Sa, lắp đặt radar tiên tiến cũng như hệ thống phòng thủ tên lửa, Trung Quốc cho thấy ý đồ quyết đạt được ưu thế về quân sự ở Biển Đông. “Nếu Trung Quốc tiếp tục vũ trang tất cả những nơi họ bồi đắp, họ sẽ thay đổi diện mạo hoạt động ở khu vực… Dù không gây chiến tranh với Mỹ nhưng Trung Quốc sẽ tiến hành kiểm soát thực tế Biển Đông”, Đô đốc Harris cảnh báo. Ông cũng cho biết rất quan ngại khả năng Trung Quốc sẽ càng “gây bất ổn và khiêu khích” với hành động lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
“Đô đốc Harris đang rung hồi chuông báo động về điều có thể xảy nếu không có sự ngăn chặn đầy đủ. Điều mà ông muốn kêu gọi ở đây là phản ứng mạnh mẽ từ các bên trong lẫn ngoài khu vực. Một mình Mỹ không thể làm điều này”, AFP dẫn lời chuyên gia Bonnie Glaser tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định. Mới đây, Hãng thông tấn Bloomberg cũng đăng bài xã luận kêu gọi Mỹ vừa tiếp tục triển khai tàu và máy bay tuần tra duy trì tự do lưu thông trong khu vực vừa hỗ trợ đồng minh và đối tác theo nguyên tắc: tuyên bố chủ quyền phải dựa trên luật pháp quốc tế, tranh chấp phải được giải quyết một cách hoà bình và tự do lưu thông ở Biển Đông là một quyền cơ bản.
Trung Quốc chỉ trích Philippines, tăng cường hợp tác biển với Campuchia
AP hôm 26.2 dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cáo buộc Philippines “khiêu khích chính trị” khi đưa Biển Đông ra Toà trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan. Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện và tuyên bố không công nhận quyền xét xử của PCA. Dự kiến, toà sẽ ra phán quyết cuối cùng trước tháng 5. Mỹ hiện đang ra sức kêu gọi đồng minh và đối tác tỏ thái độ rõ ràng rằng phán quyết của PCA là điều bắt buộc phải tuân thủ và Trung Quốc sẽ phải tôn trọng quyết định của toà.
Cùng ngày, Reuters đưa tin Trung Quốc và Campuchia đã lần đầu tiên tiến hành diễn tập hải quân chung, tiếp tục thắt chặt quan hệ song phương đang tốt đẹp. Cụ thể, hai bên tham gia diễn tập cứu nạn nhân chuyến thăm 5 ngày của hải quân Trung Quốc được Chuẩn đô đốc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc Du Mãn Giang ca ngợi là “như đến thăm nhà một người anh em ruột”. Trong chuyến thăm, hai bên cũng thảo luận về khả năng Trung Quốc cung cấp tàu chiến cho Campuchia.

Văn Khoa