23/01/2025

Nhanh chóng xoá nợ, hoàn thuế cho doanh nghiệp

Hội nghị ngành thuế hôm qua 26.2 đã nhìn vào bức xúc của doanh nghiệp, nhận trách nhiệm để nỗ lực tháo gỡ khó khăn từ xoá phạt chậm nộp, xoá nợ đến hoàn thuế giá trị gia tăng, cải cách hoá đơn điện tử…

 

Nhanh chóng xoá nợ, hoàn thuế cho doanh nghiệp

 

Hội nghị ngành thuế hôm qua 26.2 đã nhìn vào bức xúc của doanh nghiệp, nhận trách nhiệm để nỗ lực tháo gỡ khó khăn từ xoá phạt chậm nộp, xoá nợ đến hoàn thuế giá trị gia tăng, cải cách hoá đơn điện tử…





Doanh nghiệp, người dân còn khó khăn khi làm thủ tục hoàn thuế - Ảnh: Ngọc Thắng

Doanh nghiệp, người dân còn khó khăn khi làm thủ tục hoàn thuế – Ảnh: Ngọc Thắng


Hoàn chậm vì phải chờ… hạn mức
Ông Nguyễn Văn Hải, Cục trưởng Cục Thuế Bắc Ninh phản ánh quy định các doanh nghiệp (DN) có nợ thuế sẽ được phân kỳ trả nợ dần nếu được ngân hàng bảo lãnh hiện đang không khả thi, không thực tế. “Ngân hàng họ nói thẳng chẳng có ai đứng ra bảo lãnh cho các ông nợ thuế. Vì vậy nên giao lại quyền cho Tổng cục Thuế được phép cho một số DN được nộp thuế phân kỳ theo các tiêu chí rõ ràng”, ông Hải đề nghị và phân tích thêm, nếu không làm như vậy sẽ có nhiều DN làm ăn chính đáng, bài bản gặp khó khăn nhất thời sẽ bị cưỡng chế, phá sản kéo theo hàng trăm lao động ra đường.
Liên quan đến thủ tục hoàn thuế cho DN, ông Hải đề xuất: “Sớm xem xét lại thủ tục hoàn thuế. DN nói nộp thuế chậm 1 – 2 giờ thì bị phạt còn cơ quan thuế chậm hoàn thuế hàng chục ngày thì không thấy gì?”.
Với hơn 70% DN làm hàng xuất khẩu, số thuế phải hoàn cho DN hằng năm lớn nhất nhì cả nước, ông Nguyễn Văn Công, Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai chia sẻ, năm nào Đồng Nai cũng gặp tình trạng hồ sơ hoàn đã xong nhưng phải ngồi chờ… hạn mức. “Chúng tôi cũng đã kiến nghị với T.Ư nên cho hạn mức kịp thời hơn. Đối với bản thân Cục Thuế, chúng tôi công khai là hồ sơ đã xong và chỉ chờ hạn mức của ngành”, ông Công nói và cho biết Cục đã cố gắng chia nhỏ số tiền hoàn thuế nhằm đảm bảo công bằng giữa các DN. Tuy nhiên cách làm này lại không phù hợp với hướng dẫn của Tổng cục Thuế, do đó khi DN thắc mắc cũng khó ăn, khó nói.
Đối với vấn đề chuyển giá, lãnh đạo Cục Thuế Đồng Nai than phiền trên hệ thống chỉ có duy nhất dữ liệu của ngành dệt may, khi đối chiếu với bảng kê khai giao dịch liên kết của DN vô cùng khó khăn vì không có căn cứ để đấu tranh. Trong khi đó, pháp luật về chuyển giá hiện nay cao nhất chỉ dừng ở thông tư, không đủ để hướng dẫn cho DN. “Phải nhanh chóng luật hóa các quy định, xây dựng cơ sở dữ liệu tất cả các ngành nghề để Cục Thuế có cơ sở thanh tra chuyển giá. Nếu không, hiện tượng này rất dễ nhận diện nhưng lại không dễ truy thu, làm thất thu ngân sách”, ông Công đề xuất.
“Doanh nghiệp chết rồi, treo nợ làm gì ?”
“Hoàn thuế là quyền lợi của DN nhưng thông tư hướng dẫn chậm tới 9 tháng so với kế hoạch. Pháp luật chưa được chặt chẽ, chưa bảo đảm được quyền lợi. Đó là thiếu sót”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói.
Đối với chủ trương xóa tiền phạt chậm nộp thuế trường hợp không phải do lỗi của DN hay xóa nợ các trường hợp DN đã khai tử, ông Tuấn yêu cầu phải tập trung để giải quyết cho bằng được. “DN bỏ vốn tự có 100 triệu đồng, vay ngân hàng 100 triệu đồng để kinh doanh. 1 năm, 2 năm bị lỗ họ dừng để tìm cơ hội khác. Giả sử nợ thuế đó 30 triệu có xoá không? Tại sao mình cứ treo, treo mãi? Treo ở đó thì người ta khó kinh doanh, còn kinh doanh tiếp thì lại bảo người ta cố tình trốn nợ thuế. Chính sách của ta như vậy chỉ có triệt tiêu hết mà thôi”, ông Tuấn nhắc nhở.
Vẫn theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, thống kê cho thấy hiện cả nước còn khoảng 900 tỉ đồng tiền nợ thuế các trường hợp DN đã “khai tử”, bình quân 12 triệu/DN. Số tiền này quá nhỏ, có thu hồi cũng không khả thi. “Người ta chết rồi nợ có 2 đến 3 triệu đồng. Tài sản còn nhưng của vợ, con người ta. Chẳng lẽ ông cứ thế xông vào nhà 3 tầng để cưỡng chế, tháo lan can thì không được. Như thế là chúng ta tự làm khó chúng ta thôi”, ông Tuấn nói và đề nghị phải sớm thực hiện việc xoá nợ cho các đối tượng này theo đúng nghị quyết của Quốc hội.
Giải pháp đấu tranh chống chuyển giá thời gian tới, theo ông Tuấn phải xây dựng một “kho” cơ sở dữ liệu của tổng cục. Kho dữ liệu này của nhà nước và được công nhận, chứ không thể tuỳ tiện tập hợp số liệu rồi áp đặt chủ quan cho DN. Đồng thời phải có cơ quan chịu trách nhiệm về cơ sở dữ liệu đó, đảm bảo công khai, minh bạch, chính xác. “Như thế các cục thuế mới có công cụ đấu tranh, chứ làm sao bắt từng cục thuế xây dựng riêng lẻ. Đồng Nai làm sao có dữ liệu của nhà máy may tại Hải Phòng hay Vũng Tàu”, ông Tuấn lưu ý.
Chia sẻ câu chuyện Tổng công ty xăng dầu ứng dụng công nghệ thông tin, nối mạng toàn bộ các cửa hàng bán xăng dầu với nhau và kiến nghị lên Tổng cục Thuế, Chính phủ được kết nối với cơ quan thuế, tuy nhiên khi yêu cầu ngành thuế đi làm thì lãnh đạo bộ phải giục đi, giục lại. Đến khi nhận được tờ trình, hứa tháng 3.2016 mới đi khảo sát. “Bộ trưởng nói đọc mà thấy buồn cho quân của ông. DN họ bày cỗ sẵn cho mình ăn rồi mà không làm ngay. Cả nước có 12 DN đầu mối kinh doanh xăng dầu thì chỉ cần làm 1 tờ trình đề nghị, 11 ông còn lại làm theo rồi kết nối với họ. Như vậy vừa hiện đại, đơn giản thủ tục lại chống được nguy cơ buôn lậu xăng dầu. Phải có bước chuyển và cải cách ngay hóa đơn điện tử”, ông Tuấn yêu cầu.

Anh Vũ