23/01/2025

Doanh nghiệp khó khăn tham tán phải thấy có lỗi

‘Tham tán không chỉ xúc tiến bán hàng, thấy các nước làm thế nào để thủ tục nhanh thì mình phải kiến nghị sửa. Phải hết sức trách nhiệm với đất nước, với người dân…’, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

 

Doanh nghiệp khó khăn tham tán phải thấy có lỗi

 

‘Tham tán không chỉ xúc tiến bán hàng, thấy các nước làm thế nào để thủ tục nhanh thì mình phải kiến nghị sửa. Phải hết sức trách nhiệm với đất nước, với người dân…’, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói. 





Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị sáng 26.2 - Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị sáng 26.2 – Ảnh: TTXVN



Chia sẻ tại Hội nghị tham tán thương mại 2016 do Bộ Công thương tổ chức sáng qua 26.2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các tham tán, thương vụ nước ngoài phải là cầu nối cho doanh nghiệp, Chính phủ mở cánh cửa thị trường các nước trong bối cảnh hội nhập sâu với nhiều thách thức hiện nay.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, xu hướng áp dụng rào cản kỹ thuật, phòng vệ thương mại sẽ ngày càng phổ biến, dẫn đến khó tăng thị phần, nhất là trong bối cảnh sản phẩm VN chậm được cải thiện về chất lượng, đặc biệt an toàn thực phẩm và các quy chuẩn kỹ thuật, khó phát triển thị trường mới.
Đặt hàng “radar kinh tế”
Ông Tuấn Anh cho hay, mục tiêu tới đây xuất khẩu phải tập trung nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả, đầu tư vào chế biến sâu, đặc biệt cần quan tâm đến phát triển thị trường, tận dụng các FTA mới. Có hệ thống cảnh báo sớm, chủ động phòng tránh có hiệu quả các vụ kiện, các vụ phòng vệ thương mại với hàng hoá xuất khẩu.
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng “đặt hàng” cho đội ngũ tham tán thương mại tại các nước phải đổi mới trong công tác thông tin thị trường, phân tích làm rõ các vướng mắc, đặc biệt là tranh chấp thương mại ở từng thị trường. Thương vụ cần chủ động kiến tạo mối liên hệ chặt chẽ hơn nữa với các bộ ngành địa phương và doanh nghiệp (DN).
 
 
Doanh nghiệp khó khăn tham tán phải thấy có lỗi - ảnh 1

Tham tán phải là nhà ngoại giao giỏi trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, có trách nhiệm cao. Đất nước nghèo, các đồng chí đi nước ngoài không nói cũng biết chi phí thế nào. Phải làm hết sức, đặt chỉ tiêu cụ thể, đấu tranh với những luận điệu không lành mạnh hay rào cản không phù hợp cam kết

Doanh nghiệp khó khăn tham tán phải thấy có lỗi - ảnh 2
 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

 

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI), thương vụ, tham tán phải là tai mắt và cánh tay nối dài của Chính phủ và DN, là “radar kinh tế” cho Chính phủ các chính sách, quy định… của các nước, đặc biệt là các nước trong khuôn khổ TPP, các FTA để đón bắt cơ hội gia nhập chuỗi giá trị, xác lập quan hệ bạn hàng.

Ông Lộc đề nghị các thương vụ tìm kiếm đối tác là các DN nhỏ và vừa ở các nước, “vừa sức” với DN VN, từ đó tiếp cận với các tập đoàn đa quốc gia qua các mắt xích này. “Hai năm tới là cơ hội rất lớn cho các DN tìm bạn hàng, cơ hội đầu tư để chuẩn bị cho TPP. VCCI đã đặt hàng rất nhiều thông tin về cảnh báo, trợ giúp phòng vệ thương mại, giải quyết tranh chấp, trợ giúp xác minh và cảnh báo đối tác… DN và các hiệp hội trong nước sẵn sàng chi trả phí dịch vụ cho thương vụ để cung cấp các thông tin chuyên sâu”, ông Lộc cho hay.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết xuất khẩu nông thuỷ sản thường phải qua khâu trung gian do các thương vụ chưa thực sự làm tròn vai trò kết nối thị trường. Ông Hùng đề nghị Chính phủ tăng kinh phí xúc tiến thương mại, nếu không cơ hội sẽ trôi qua. Các thương vụ và tham tán thương mại hiện nay nguồn lực chỉ đủ duy trì sự có mặt tại các nước, không đủ để hoạt động tìm kiếm thông tin.
“Tiếc khi tôi cũng quan liêu”
Chia sẻ từ thực tế ngành thuỷ sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản VN (VASEP), cho biết cạnh tranh với thủy sản hiện nay rất gay gắt. “Các nước bảo hộ sản xuất trong nước bằng cách lách quy định của WTO, đưa ra rất nhiều rào cản khó khăn hơn về kỹ thuật như danh mục kháng sinh bị cấm dài hơn. Đặc biệt, hiệp hội thống kê thấy hơn 10 nước sử dụng truyền thông để “bôi nhọ” hàng xuất khẩu VN không khách quan như ô nhiễm, biến đổi gien… tác động tiêu cực đến tâm lý tiêu dùng của người dân chưa từng biết đến VN” – ông Nam nói và dẫn chứng Nhật Bản mỗi năm nhập khẩu 1,3 – 1,5 tỉ USD thuỷ sản, nhưng thị trường này hiện đang kiểm tra kháng sinh nghiêm ngặt gấp 10 lần so với tiêu chuẩn tương tự do châu Âu áp dụng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hỏi: “Bộ NN-PTNT có ý kiến gì về việc này, đã làm việc ở cấp cao với phía Nhật chưa?”. Ông Nam cho biết sự việc đã kéo dài khoảng 1 năm nay, VN, Ấn Độ cũng bị kiểm soát chung, trong khi Thái Lan lại không bị kiểm soát. VN và Ấn Độ đang đấu tranh nhưng Nhật Bản nói rằng để đánh giá rủi ro họ cần có thời gian.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ cảm thấy tiếc khi “tôi cũng quan liêu, nếu nghe được ý kiến cụ thể của các đồng chí sẽ giải quyết được sớm”. Thủ tướng ví von: “Kinh tế mà không phát triển đừng nói chuyện khác, nghèo khó nói chuyện lắm, nợ nần người ta đòi đủ thứ. Kinh tế tăng trưởng cao, làm ăn tốt, tướng đi cũng khác, nợ nần tướng đi co ro lắm”. Theo Thủ tướng, tham tán không chỉ xúc tiến bán hàng, thấy các nước làm thế nào để thủ tục nhanh thì mình phải kiến nghị sửa. Phải hết sức trách nhiệm với đất nước, với người dân. Chừng nào DN còn bị khó khăn thì phải thấy còn lỗi.
Kiện toàn cơ quan thương vụ
“Chính tôi đi gặp Tổng thống Bush nói chuyện thanh long, gặp Obama nói chuyện luật nông trại của ông ảnh hưởng đến cá basa, gặp Thủ tướng Hàn Quốc nói trái dừa, Úc nói trái vải, Nhật nói trái xoài… Kinh tế là chính trị”, Thủ tướng chia sẻ và cho rằng, tham tán phải chen chân vào được từ quan hệ giới chức tới DN, hiệp hội ngành hàng. Xuất khẩu càng nhiều càng có tăng trưởng, công ăn việc làm. Nông thuỷ sản xuất khẩu hơn 30 tỉ USD, nếu giảm xuống thì nông dân khổ không biết đến thế nào.
Theo Thủ tướng, phải theo sát, đấu tranh với bạn những rào cản không hợp lý, như khi đàm phán TPP, chính ông đã trực tiếp đấu tranh, yêu cầu tăng thêm để có lợi hơn cho VN. “Bộ Công thương rà soát, kiện toàn cơ quan thương vụ trong thời kỳ mới. Tham tán phải là nhà ngoại giao giỏi trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, có trách nhiệm cao. Đất nước nghèo, các đồng chí đi nước ngoài không nói cũng biết chi phí thế nào. Phải làm hết sức, đặt chỉ tiêu cụ thể, đấu tranh với những luận điệu không lành mạnh hay rào cản không phù hợp cam kết”, Thủ tướng yêu cầu.


Mai Hà