23/01/2025

5 kg dưa hấu = 1 ly trà đá

Giá dưa hấu bán tại đồng ở các huyện, thị phía đông tỉnh Gia Lai xuống đến mức ngoài tưởng tượng, từ 300 – 1.700 đồng/kg, khiến nhiều hộ nông dân đổ cho bò ăn, thậm chí bỏ thối ngoài đồng.

 

5 kg dưa hấu = 1 ly trà đá

 

Giá dưa hấu bán tại đồng ở các huyện, thị phía đông tỉnh Gia Lai xuống đến mức ngoài tưởng tượng, từ 300 – 1.700 đồng/kg, khiến nhiều hộ nông dân đổ cho bò ăn, thậm chí bỏ thối ngoài đồng.





Anh Phạm Văn Luận ở H.Kon Chro đón một mùa dưa đắng - Ảnh: Trần Hiếu

 

Anh Phạm Văn Luận ở H.Kon Chro đón một mùa dưa đắng – Ảnh: Trần Hiếu


Nhìn đống dưa hàng chục tấn, anh Phạm Văn Luận, người trồng dưa ở xã An Trung, H.Kon Chro, ngao ngán: “Tôi trồng 2 ha dưa, đầu tư vào đây tổng cộng hơn 300 triệu đồng. Năm nay thời tiết thất thường nên dưa mất mùa, thay vì thu khoảng 50 tấn/ha, giờ chỉ còn một nửa. Gió to, lá dưa đập vào khiến quả dưa bị lỗi. Cả ruộng dưa của tôi chỉ lựa được hơn 40 tấn, bán với giá 1.700 đồng/kg. Chừng 60 tấn còn lại ai tới mua thì bán. Thương lái ép giá nên chừng đó dưa chỉ bán được độ hơn chục triệu bạc. Xót quá!”.
Tương tự, ông Nguyễn Phú Hiệp ở thị xã An Khê theo nghề trồng dưa hơn 13 năm nay lắc đầu “mùa dưa năm nay đắng quá”. Ông Hiệp đầu tư trồng 2 ha dưa hết hơn 300 triệu đồng, nhưng năng suất giảm một nửa, chỉ được 50 tấn. Bán được hơn 25 tấn dưa xuất khẩu với giá 1.000 đồng/kg. Số còn lại mỏi mắt chờ thương lái đến hỏi mua với giá chỉ 300 đồng/kg trở xuống, tính ra bán 5 kg dưa mới mua được ly trà đá.
Dù bán giá rẻ mạt như vậy nhưng anh Luận hay ông Hiệp còn may hơn nhiều nông dân khác khi ruộng dưa của họ không ai ngó ngàng đến. Họ chỉ còn cách thu hoạch, tự chở đi các nơi bán đổ bán tháo. Số còn lại đưa về cho gia súc, gia cầm ăn, nhưng chúng cũng… ngán dưa vì lượng dưa quá nhiều. Vì vậy, nông dân đành bỏ dưa thối ngoài đồng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, các huyện, thị phía đông Gia Lai trồng hơn 400 ha dưa hấu trong niên vụ này. Khoảng hơn nửa diện tích dưa hấu chín vào dịp Tết Nguyên đán nên bán được giá từ 5.000 – 7.000 đồng/kg. Nhưng với năng suất giảm hơn 50%, số tiền thu được cũng như lấy công làm lãi. Hiện hàng ngàn tấn dưa đang tồn lại, không tìm được đường ra khiến nông dân như ngồi trên lửa.
Nguyên nhân giá dưa hấu xuống quá thấp, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Bí thư Thị uỷ An Khê, cho rằng: “Nông dân không nghe theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, trồng dưa ào ạt. Giá thì do bên mua áp đặt. Nhiều gia đình lâm vào cảnh túng quẫn vì gặp phải một vụ dưa đắng chát như thế này…”.
Còn chị Hoàng Thị Thanh, một thương lái chở dưa xuất qua Trung Quốc nhiều năm nay, nói: “Tôi cũng muốn giá dưa lên và bán thuận lợi để mua cho nông dân. Nhưng thời điểm này, hàng trăm xe chở dưa hấu từ các nơi ùn tắc tại cửa khẩu quốc tế Tân Thanh (Lạng Sơn). Dưa ế lắm, giá lại xuống thấp kỷ lục nữa”. Theo chị Thanh, dưa xuất sang Trung Quốc phải đạt trọng lượng 5 kg trở lên và không được tì vết. Do vậy, số dưa bị loại ra phải đến 2/3. Trung bình mỗi héc ta dưa nông dân đầu tư từ 130 – 150 triệu đồng. Theo tính toán, với giá dưa rẻ mạt như trên, nông dân chỉ thu lại chưa đến 20% số tiền đầu tư.
Giá xuống, thương lái mặc sức tuyển chọn càng khiến số dưa bị dập, thải nhiều hơn. Anh Thanh, một người trồng dưa ở thị xã An Khê, chua chát: “Tôi mới bán hơn 10 tấn dưa bị loại với giá… 1,5 triệu đồng”.

Trần Hiếu