23/12/2024

Trung Quốc điều chiến đấu cơ đến Hoàng Sa

Trung Quốc lại vừa điều máy bay chiến đấu đến Hoàng Sa, vi phạm chủ quyền của Việt Nam và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

 

Trung Quốc điều chiến đấu cơ đến Hoàng Sa

 

Trung Quốc lại vừa điều máy bay chiến đấu đến Hoàng Sa, vi phạm chủ quyền của Việt Nam và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.



 


Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc triển khai phi pháp đến đảo Phú Lâm (thuộc Hoàng Sa của VN) - Ảnh: 81.cn

 

Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc triển khai phi pháp đến đảo Phú Lâm (thuộc Hoàng Sa của VN) – Ảnh: 81.cn


Đài Fox News ngày 24.2 dẫn lời 2 quan chức Mỹ cho biết trong mấy ngày qua, khoảng 10 máy bay Shenyang J-11 và Xian JH-7 của Trung Quốc đã xuất hiện trên đảo Phú Lâm, nơi nước này vừa triển khai phi pháp nhiều khẩu đội tên lửa đối không.
Hồi tháng 11.2015, truyền thông Trung Quốc từng ngang nhiên đăng tải hình ảnh cho thấy sự hiện diện của các máy bay J-11 trên đảo này. Tuy nhiên, đây là lần triển khai chiến đấu cơ phi pháp đầu tiên ở Biển Đông kể từ khi Trung Quốc điều máy bay thương mại thử nghiệm đường băng trên một trong các đảo nhân tạo phi pháp tại Trường Sa.
Cùng ngày, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris tố cáo Trung Quốc đang ra sức quân sự hoá Biển Đông nhằm mục đích “thống trị khu vực” và “chỉ những ai tin trái đất phẳng mới suy nghĩ theo hướng khác”. Theo Reuters, Trong phiên điều trần trước Uỷ ban Quân vụ Thượng viện, Đô đốc Harris cho biết ông tin việc Trung Quốc triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm, lắp đặt radar mới trên đá Châu Viên và xây dựng đường băng phi pháp là những hành động cho thấy Bắc Kinh “rõ ràng đang thay đổi bối cảnh ở Biển Đông”.
Phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Darryn James cũng cho rằng hành động điều chiến đấu cơ ra Phú Lâm là sự tiếp nối xu hướng đáng lo ngại của Trung Quốc. “Những hành động gây bất ổn này không phù hợp cam kết của Trung Quốc và tất cả các bên về kiềm chế những động thái có thể làm leo thang căng thẳng”, Reuters dẫn lời ông James nhấn mạnh.
Theo tờ U.S News & World Report, cũng trong phiên điều trần nói trên, Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain chỉ trích Trung Quốc đang hành xử như một “kẻ bắt nạt” và kêu gọi chính quyền Tổng thống Barack Obama cần hành động cứng rắn hơn. Theo vị thượng nghị sĩ này, Washington nên cân nhắc trừng phạt các công ty tham gia hoạt động cải tạo, bồi đắp gây bất ổn và huỷ hoại môi trường tại Biển Đông. Tương tự, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jack Reed nhận định Trung Quốc không hề có ý định là “một bên có trách nhiệm” tại châu Á – Thái Bình Dương.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ở Washington D.C, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngang nhiên tuyên bố “không có vấn đề gì với tự do hàng hải” và Trung Quốc hy vọng không phải thấy Mỹ và một số nước tiến hành hoạt động trinh sát quân sự, điều tàu khu trục và oanh tạc cơ chiến lược đến khu vực, theo Reuters.
Đáp lại, Ngoại trưởng Kerry khẳng định các hành động của Trung Quốc đã tạo ra “một vòng leo thang căng thẳng”. “Đáng tiếc là lại có tên lửa và chiến đấu cơ, rồi súng và những thứ khác được bố trí tại Biển Đông. Đây là mối lo ngại lớn cho những ai quá cảnh và phụ thuộc vào Biển Đông để thực hiện hoạt động giao thương hoà bình”, ông Kerry nhấn mạnh.
Đô đốc Mỹ kêu gọi mở “nút thắt” bán vũ khí cho VN
Theo tờ The Washington Times, trong cuộc điều trần hôm qua tại thượng viện, Đô đốc Harry Harris đề nghị sớm dỡ bỏ hết mọi rào cản trong việc bán vũ khí cho Việt Nam. “Tôi tin chúng ta nên cải thiện quan hệ với Việt Nam. Tôi nghĩ đó là một cơ hội chiến lược tốt cho chúng ta và tôi cũng nghĩ rằng người Việt Nam sẽ chào đón cơ hội làm việc chặt chẽ hơn với chúng ta như một đối tác an ninh có chọn lọc”, ông Harris nói.

Washington cân nhắc triển khai pháo đến Biển Đông
Trang Business Insider dẫn lời một số quan chức giấu tên của Lầu Năm Góc cho biết tình hình căng thẳng ở Biển Đông khiến Mỹ phải xem xét lại các kế hoạch triển khai lực lượng đến khu vực này. Tuy chưa có quyết định cụ thể nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ được cho là đang cân nhắc việc triển khai các đơn vị pháo tự hành đến một số khu vực ở Biển Đông để hoạt động như vũ khí phòng không. Theo các chuyên gia, những vũ khí như pháo tự hành M109 Paladin có thể là công cụ hiệu quả để đối phó các loại rốc két và tên lửa hành trình. Tuy nhiên, động thái này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương và chưa chắc sẽ được dư luận trong khu vực chào đón.

Trùng Quang