23/01/2025

Nạn nhân của tập đoàn đa cấp lừa đảo lên tới hơn 60.000 người

Đó là khẳng định của đại tá Trần Quang Huy, Trưởng phòng Hướng dẫn điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng, Cục Cảnh sát kinh tế (C46) Bộ Công an – cơ quan đang điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam do Lê Xuân Giang cầm đầu.

 

Nạn nhân của tập đoàn đa cấp lừa đảo lên tới hơn 60.000 người

 

 

Đó là khẳng định của đại tá Trần Quang Huy, Trưởng phòng Hướng dẫn điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng, Cục Cảnh sát kinh tế (C46) Bộ Công an – cơ quan đang điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam do Lê Xuân Giang cầm đầu.






Lê Xuân Giang (mặc quân phục) trắng trợn làm giả cả lễ đón nhận Bằng khen của Thủ tướng nhằm mục đích lừa đảo	- Ảnh chụp lại từ hồ sơ của công an

 

Lê Xuân Giang (mặc quân phục) trắng trợn làm giả cả lễ đón nhận Bằng khen của Thủ tướng nhằm mục đích lừa đảo – Ảnh chụp lại từ hồ sơ của công an


“Khi khởi tố vụ án, chúng tôi xác định có khoảng 45.000 nạn nhân nhưng sau đó con số tăng lên rất nhanh, tới 52.000 nạn nhân, còn bây giờ đã là 60.000 nạn nhân và chưa dừng lại ở đó, số tiền chiếm đoạt cũng không dừng lại ở 1.900 tỉ đồng”, đại tá Huy nói.
Nhiều người bị lừa 5 – 6 tỉ đồng
Theo đại tá Huy, số nạn nhân trong vụ án ở khoảng 27 tỉnh, thành phố. Người bị lừa ít nhất là 8,5 triệu đồng, không ít người bị lừa lên tới 5 – 6 tỉ đồng.
“Những người này do hám lợi đã huy động tiền bạc của bạn bè, người thân để gửi vào Công ty Liên kết Việt hoặc các chi nhánh để hưởng tiền hoa hồng. Trong sáng nay, chúng tôi vừa tiếp nhận 1 trường hợp nộp vào Liên kết Việt 3 tỉ đồng qua các chi nhánh ở Hải Phòng, Hà Nội và Bắc Ninh”, đại tá Huy nói.
Cũng theo đại tá Huy, con số bị hại đến nay mới chỉ ước tính, chưa phải con số cuối cùng vì cơ quan công an vẫn đang kêu gọi các nạn nhân đến trình báo. Do số bị hại quá lớn nên Cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã ra quyết định ủy thác điều tra cho 27 cơ quan CSĐT tại các tỉnh thành nơi Liên kết Việt mở chi nhánh và văn phòng đại diện.
“Việc ủy thác này nhằm đáp ứng hai yêu cầu, thứ nhất là để các nạn nhân đỡ phải đi lại tốn kém, họ đã nộp tiền cho Liên kết Việt tại Hải Dương hay Hải Phòng thì chỉ cần liên hệ với công an các địa phương này để trình báo là đủ, không cần phải lên Hà Nội. Thứ hai, cả đơn vị chúng tôi có mấy chục người, không thể tiếp và nhận trình báo của 60.000 nạn nhân”.
Cũng theo C46, hoạt động lừa đảo của Công ty Liên kết Việt xảy ra trong thời gian ngắn, khoảng 1 năm nhưng tính chất rất phức tạp. Những kẻ cầm đầu trong vụ án hoạt động trắng trợn, liều lĩnh, dùng nhiều thủ đoạn tinh vi nên hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
“Con số 1.900 tỉ đồng thiệt hại chỉ mang tính sơ bộ, bởi đây là tiền do các bị hại nộp vào Liên kết Việt qua tài khoản mở tại các ngân hàng. Còn rất nhiều người nộp tiền mặt hiện vẫn chưa được thống kê”, đại tá Huy cho biết.
Đề cập đến số tiền 1.900 tỉ đồng đã huy động nhưng đến nay chỉ còn hơn 134 tỉ đồng, đại tá Huy cho biết Giang và đồng phạm đã sử dụng khoảng hơn 100 tỉ đồng để trả hoa hồng cho người tham gia vào hệ thống nhằm lôi kéo người khác tham gia, số còn lại sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân.
Hồ sơ của Cơ quan CSĐT thể hiện Liên kết Việt đã ban hành các quy tắc hoạt động, chương trình trả thưởng, soạn thảo ký khống 2 loại hợp đồng gồm: Hợp đồng bán hàng đa cấp và Hợp đồng phân phối để yêu cầu người tham gia nộp tiền vào công ty.
“Quản lý kinh doanh đa cấp đang có vấn đề”
“Một doanh nghiệp đa cấp lừa đảo hơn 60.000 người tại 27 tỉnh, thành phố nhưng Bộ Công thương, Sở Công thương không hay biết, có biện pháp ngăn chặn, phải chăng quản lý nhà nước đang có vấn đề?”.
Trả lời câu hỏi này của PV Thanh Niên, đại tá Trần Quang Huy nói: “Việc quản lý doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đang có vấn đề, chưa có trách nhiệm cụ thể. Một doanh nghiệp kinh doanh đa cấp này bán bao nhiêu hàng hoá, khai thế nào thì biết thế, không khai thì cơ quan chức năng không biết. Thứ hai, hàng sản xuất ra có đúng như đăng ký không cũng không ai kiểm soát được, không biết hay dở ra sao”.
Việc quản lý các doanh nghiệp hoạt động đa cấp hiện nay thuộc thẩm quyền của Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương, đây cũng là đơn vị đã cấp phép cho Công ty Liên kết Việt được hoạt động vào cuối năm 2014. Một nguồn tin cho biết, trước thời điểm bị khởi tố, Công ty Liên kết Việt từng bị Cục Quản lý cạnh tranh xử phạt hành chính với số tiền 500 triệu đồng vì để xảy ra nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp.
Theo Cơ quan CSĐT, cầm đầu vụ án lừa đảo 60.000 người tại Công ty Liên kết Việt là Lê Xuân Giang (tức Lê Xuân Hà, 45 tuổi, quê Văn Giang, Hưng Yên). Năm 1991, Giang nhập ngũ, sau đó đi học Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật và dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng. Năm 2011, Giang xuất ngũ với cấp bậc chuẩn uý, đi làm cho nhiều công ty tư nhân. Đáng chú ý, trong quá trình thực hiện hành vi lừa đảo, Lê Xuân Giang và đồng phạm thường xuyên diện quân phục đeo cấp hàm trung tá hoặc đại tá. Trên thực tế, Giang đã lôi kéo một số cán bộ quân đội đã nghỉ hưu tham gia vào các hoạt động bán hàng nhằm tạo lòng tin lôi kéo người dân tham gia.
Nạn nhân Liên kết Việt trình báo ở đâu ?
Theo C46, trong một năm, Công ty Liên kết Việt đã thành lập trụ sở chính, chi nhánh, đại lý ở 27 tỉnh, thành, gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Cao Bằng, Thanh Hoá, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Hoà Bình, Đà Nẵng, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Ninh, Đắk Lắk, Quảng Nam, Kon Tum, Lạng Sơn, Nam Định, Ninh Bình. Hiện phòng cảnh sát kinh tế thuộc công an các địa phương này là đơn vị tiếp nhận các thông tin trình báo của nạn nhân trong vụ lừa đảo liên quan đến Liên kết Việt.


Thái Sơn