24/12/2024

Kẹt xe vì ‘cầu trên giấy’

Sau hơn chục năm phát triển, đến nay khu Nam TP.HCM gồm các quận, huyện: 4, 7, Nhà Bè, Cần Giờ, một phần Q.8 và H.Bình Chánh số lượng khu đô thị, dự án bất động sản mọc lên dày đặc.

 

Kẹt xe vì ‘cầu trên giấy’

 

Sau hơn chục năm phát triển, đến nay khu Nam TP.HCM gồm các quận, huyện: 4, 7, Nhà Bè, Cần Giờ, một phần Q.8 và H.Bình Chánh số lượng khu đô thị, dự án bất động sản mọc lên dày đặc.





Xe nối đuôi nhau trên cầu Kênh Tẻ - Ảnh: D.Đ.M

Xe nối đuôi nhau trên cầu Kênh Tẻ – Ảnh: D.Đ.M


Cảnh hàng ngàn phương tiện rồng rắn kéo dài 3 – 4 km, chờ đợi cả giờ trên đường Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) và Khánh Hội (Q.4, TP.HCM) để qua cầu Kênh Tẻ xảy ra hằng ngày khiến các cư dân phải lưu thông qua đoạn đường này khiếp hãi.
Nguyên nhân là hàng loạt khu đô thị mới mọc lên như nấm ở phía nam TP.HCM, rồi thêm cảng biển, khu chế xuất, khu công nghiệp… nhưng giao thông kết nối giữa trung tâm TP với Q.7, H.Nhà Bè, H.Cần Giờ hiện chỉ có 2 cây cầu và 2 trục đường chật hẹp.
Lo xây nhà, quên bắc cầu
Sau hơn chục năm phát triển, đến nay khu Nam TP.HCM gồm các quận, huyện: 4, 7, Nhà Bè, Cần Giờ, một phần Q.8 và H.Bình Chánh số lượng khu đô thị, dự án bất động sản mọc lên dày đặc.
Chỉ một đoạn ngắn chừng 4km trên đường Nguyễn Hữu Thọ qua địa bàn Q.7 và H.Nhà Bè, dự án mọc lên chi chít, gần như bít hai bên đường. Ngay đầu đường phía bên cầu Kênh Tẻ là hàng chục block chung cư cao tầng của Him Lam, Hoàng Anh Gia Lai, Novaland, Hưng Thịnh với hàng chục ngàn căn hộ, chưa tính nhà phố biệt thự. Ngay cạnh đó là 3 trường đại học đã đi vào hoạt động (ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Cảnh sát và ĐH RMIT) với hàng chục ngàn sinh viên. Phía đối diện, hai trung tâm thương mại cực lớn phục vụ cho cả khu Nam là Lotte, Vivo City kéo theo một lượng người lớn thường xuyên đi lại, mua sắm, vui chơi giải trí. Đi thêm một đoạn, khu đô thị Dragon City nằm dọc trục đường Nguyễn Hữu Thọ kéo dài nhiều ki lô mét gồm cả căn hộ chung cư, biệt thự, cao ốc văn phòng đã đi vào hoạt động. Ngoài ra, khu chế xuất Tân Thuận, khu công nghiệp Hiệp Phước, cảng Hiệp Phước với hàng triệu công nhân càng làm gia tăng áp lực giao thông trên khu vực này.


Kẹt xe vì 'cầu trên giấy' - ảnh 1
Mặt đường thì quá tải, còn mặt cầu thì quá nhỏ. Giá như cầu Kênh Tẻ khi xây dựng Sở GTVT làm việc với UBND Q.4, UBND Q.7, giải toả thêm mặt bằng để xây dựng mặt cầu rộng hơn thì nay đỡ kẹt xe

Kẹt xe vì 'cầu trên giấy' - ảnh 2

Tiến sĩ Phạm Sanh

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản đang có dự án tại khu Nam Sài Gòn so sánh: nếu bất động sản khu vực này được đánh giá là phát triển và sôi động nhất TP thì hạ tầng giao thông ở khu vực này gần như bị bỏ rơi. Ngoài trục đường Nguyễn Văn Linh được đầu tư cách đây khá lâu (nhưng lại nối khu Nam với khu Tây chứ không kết nối với khu trung tâm) thì chỉ làm thêm được trục Bắc – Nam (đường Nguyễn Hữu Thọ) cùng 2 cây cầu nhỏ là cầu Tân Thuận và cầu Kênh Tẻ. Nhưng do thiếu tầm nên mặt cầu quá hẹp. Như cầu Kênh Tẻ mỗi bên chỉ cho một làn ô tô và 1 làn xe gắn máy lưu thông khiến nơi đây trở thành “nút cổ chai”. Cục diện quá chênh lệch giữa giao thông và đô thị khiến tình trạng kẹt xe khu vực này ngày càng nghiêm trọng.

Một lãnh đạo UBND H.Nhà Bè cho biết, hiện TP đang tập trung xây dựng nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ. Tuy nhiên, ngay cả khi nút giao thông này làm xong cũng không giải quyết được gì nhiều bởi thực tế kẹt xe nằm ở khúc đường chuyển tiếp giữa Q.4 và Q.7 trên đường Nguyễn Hữu Thọ và Nguyễn Tất Thành. Vì vậy, theo vị này, nếu làm giao thông không kịp thì phải chậm các dự án bất động sản lại để không tiếp tục áp lực lên hạ tầng giao thông.
“Quy hoạch cũng chỉ là định hướng”
Ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết chính quyền TP đã có kế hoạch xây dựng thêm cầu Kênh Tẻ 2 trong dự án đường trục Bắc – Nam (song song với cầu Kênh Tẻ hiện hữu). Ngoài ra, trong đồ án quy hoạch còn có thêm cầu qua Q.7 từ hướng đường Nguyễn Tất Thành, hướng đường Nguyễn Khoái (Q.4). Quy hoạch là như vậy, nhưng ông Tám cũng thừa nhận “giờ chưa tìm được vốn nên quy hoạch cũng chỉ là định hướng”.
Chuyên gia giao thông, tiến sĩ Phạm Sanh cho rằng hiện lưu lượng xe từ Q.7, Nhà Bè xuyên tâm qua nội thành hoặc vào nội thành rất lớn nên thường xuyên kẹt xe, nhất là vào các giờ cao điểm. Nguyên nhân chính là 2 trục đường Nguyễn Tất Thành – Huỳnh Tấn Phát, Khánh Hội – Nguyễn Hữu Thọ đã quá tải trầm trọng. Hai bên các trục đường, nhiều khu dân cư, siêu thị đua nhau mọc lên. “Mặt đường thì quá tải, còn mặt cầu thì quá nhỏ. Giá như cầu Kênh Tẻ khi xây dựng Sở GTVT làm việc với UBND Q.4, UBND Q.7, giải tỏa thêm mặt bằng để xây dựng mặt cầu rộng hơn thì nay đỡ kẹt xe”, ông Sanh phân tích. Về lâu dài, ông Sanh đề nghị UBND TP, Sở GTVT nên tính toán cụ thể việc mở thêm đường, xây thêm cầu thì mới hy vọng kéo giảm kẹt xe.
Theo ông Phạm Sanh, biện pháp căn cơ để giải bài toán kẹt xe về lâu dài là Sở GTVT phải dự báo, khảo sát nhu cầu đi lại của khu vực (Q.4, Q.7, Nhà Bè, Cần Giờ, khu đô thị Hiệp Phước). Sau đó mới tính đến việc xây cầu, làm đường, rồi cân nhắc có nên đưa các phương tiện giao thông công cộng như mở tuyến metro xuống hay không? Còn như hiện nay, hầu hết giải pháp chỉ mang tính chữa cháy, chắp vá, nên không giải quyết được vấn nạn kẹt xe đang ngày càng nghiêm trọng.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc xây thêm cầu bắc qua vùng Nam Sài Gòn là cần thiết nhưng đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, nhất là chi phí giải phóng mặt bằng. Vì vậy, trước mắt, để giải quyết sớm vấn đề kẹt xe, TP cần mở giao thông công cộng đến khu vực này. Dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh hiện nay có dãy cây xanh ở giữa rất rộng, phù hợp việc xây dựng các tuyến như metro, monorail, tramway… Nếu chưa đủ điều kiện để thực hiện ngay thì có thể mở tuyến xe buýt nhanh nối Nam Sài Gòn với trung tâm TP. Thậm chí, tuyến xe buýt nhanh này có thể kết nối với khu đô thị Sala và các khu dân cư đang hình thành tại bán đảo Thủ Thiêm rồi kết thúc tại ga Bến Thành. Với xe buýt nhanh từ Nam Sài Gòn đi trung tâm TP chỉ mất 10 – 15 phút.
Giải pháp xe buýt nhanh
Đầu tư một tuyến metro tốn cả tỉ USD nhưng xe buýt nhanh chỉ mất vài chục triệu, cao nhất khoảng trăm triệu USD. Dọc tuyến chỉ cần bố trí các điểm dừng đón, trả khách. Nên bố trí điểm dừng tại các khu dân cư, trung tâm thương mại như dọc tuyến Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ, Thủ Thiêm… Người dân từ các đô thị dọc đường chỉ cần mất 5 phút để đi bộ từ nhà ra trạm xe buýt, rất tiện lợi. Khi đó, họ sẽ chuyển sang sử dụng giao thông công cộng nhiều hơn, kẹt xe chắc chắn sẽ giảm.
Chưa kể, hiện nay TP đang chuẩn bị xây dựng tuyến xe buýt nhanh BRT dọc đại lộ Võ Văn Kiệt (có nối với Thủ Thiêm), chỉ cần kết nối với Nguyễn Văn Linh – Nam Sài Gòn sẽ rất thuận tiện.

Đình Mười – Đình Sơn