23/01/2025

Anh cảnh báo nguy cơ khi rời EU

Thủ tướng Anh bắt đầu chạy đua thuyết phục người dân bỏ phiếu ở lại Liên minh châu Âu (EU). Các phân tích, cảnh báo đến nay nghiêng về phía ông David Cameron nhưng nguy cơ chia tay vẫn rất lớn.

 

Anh cảnh báo nguy cơ khi rời EU

 

 

Thủ tướng Anh bắt đầu chạy đua thuyết phục người dân bỏ phiếu ở lại Liên minh châu Âu (EU). Các phân tích, cảnh báo đến nay nghiêng về phía ông David Cameron nhưng nguy cơ chia tay vẫn rất lớn.

 

 

 

 

Anh cảnh báo nguy cơ khi rời EU
Nhiều chính trị gia Anh tham gia chiến dịch Vote Leave ở London vận động rời khỏi EU – Ảnh: Reuters
“Doanh nghiệp cần tiếp cận không giới hạn vào thị trường 500 triệu người của châu Âu để phát triển, đầu tư và tạo việc làm. Chúng tôi tin rằng việc rời EU sẽ cản trở đầu tư và đe doạ việc làm
Tờ Times đăng bức thư chung của 36 doanh nghiệp lớn của Anh

Không giống như giai đoạn đàm phán “quy chế đặc biệt” cho Anh trong EU mấy ngày trước, giờ đây nỗi lo lắng về việc người dân chọn cách rời EU đang được cân đo một cách nghiêm túc.

Nỗi lo có thật ấy đã đẩy đồng bảng Anh trong phiên giao dịch ngày 22-2 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3-2009, còn 1,41 USD đổi 1 bảng, sau khi thị trưởng London Boris Johnson tuyên bố ủng hộ nhóm vận động Anh rời khỏi EU.

Hàng chục doanh nghiệp lớn của Anh đã phải cùng nhau viết “tâm thư” ngăn cản.

Nguy cơ kinh tế 
và an ninh

Thủ tướng Cameron cảnh báo nguy cơ “Brexit” (Anh rời EU) sẽ đe doạ kinh tế và an ninh quốc gia của Anh, việc ở lại liên minh là điều quan trọng hơn bao giờ hết.

Lãnh đạo Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol) Rob Wainwright cũng tuyên bố Anh sẽ dễ trở thành mục tiêu của các nhóm khủng bố nếu rời EU vì London sẽ không còn được “tiếp cận trực tiếp vào cơ sở dữ liệu của khối, tham gia các dự án tình báo chung và các lĩnh vực khác”, theo AFP.

Một số chính trị gia như cựu thủ tướng Tony Blair nhắc nhở nguy cơ đổ vỡ nội bộ bởi việc rời khỏi EU có thể kích động một cuộc bỏ phiếu đòi độc lập cho Scotland.

Về kinh tế, giới phân tích lo ngại việc rời khỏi EU sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế và đầu tư, cản trở nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách của chính phủ. Đời sống người dân cũng bị ảnh hưởng bởi chi phí nhập khẩu tăng.

“Cước điện thoại và vé máy bay cũng sẽ tăng” – tờ Daily Mail viết.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được dự báo sẽ yếu đi và điều kiện xuất khẩu khó khăn hơn có thể tác động bất lợi đến một số lĩnh vực như tài chính, xuất khẩu, bán lẻ và bất động sản.

Việc hàng loạt quy chế bị thay đổi cũng không phải là một viễn cảnh dễ chịu cho các ngân hàng Anh vốn đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, theo Wall Street Journal.

Hãng xếp hạng tín dụng cũng cảnh báo London sẽ đối mặt với nhiều rủi ro lớn về dài hạn, trong khi Moody’s dọa sẽ hạ mức đánh giá triển vọng tín nhiệm của Anh xuống mức tiêu cực nếu nước này bỏ phiếu rời khỏi EU.

Giới phân tích cho biết sự chia rẽ sẽ tiếp tục làm đồng bảng rớt giá trong thời gian tới.

“Sự suy yếu của đồng bảng phản ánh khả năng Brexit tăng cao sau khi phản ứng chính trị về thoả thuận mới với EU cho thấy nhiều chia rẽ hơn mong đợi” – BBC dẫn lời nhà kinh tế Sam Hill của RBC Capital Markets. 


Nhà kinh tế David Page thuộc AXA Investment Managers cảnh báo nếu Brexit xảy ra, đồng tiền của Anh có thể rớt giá mạnh, ít nhất 10%.

Anh có thể tự đứng 
trên hai chân

Tuy nhiên, chiến dịch vận động của ông Cameron sẽ phải đối mặt với sự bất đồng trong nội bộ Đảng Bảo thủ, trong đó bất đồng lớn nhất là với thị trưởng London Boris Johnson.

“Nhiều người không cho rằng Anh có thể tự đứng trên hai chân. Tôi phải nói rằng điều này hoàn toàn sai lầm” – Reuters dẫn lời ông Johnson.

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người dân nước này đã bị chia rẽ và tuyên bố của thị trưởng London, người có khả năng lên làm thủ tướng sắp tới, ủng hộ rời khỏi EU ngay lập tức khiến tỉ lệ ủng hộ Brexit tăng từ 29% lên 33%.

Nhóm vận động như Leave.EU cho rằng việc rời khối sẽ giúp Anh cắt giảm các chi phí, bỏ những quy định không cần thiết và những chi phí này có thể được đầu tư vào việc làm.

“Còn nhiều yếu tố thương mại khác quyết định sự thành công của doanh nghiệp trong đầu tư và phát triển” – nhà sáng lập Richard Tice của Leave.EU phản bác.

“Ai cũng nói về Brexit nhưng không ai nói về chuyện sẽ xảy ra sau đó” – nhà phân tích chính trị Dieter Freiburghaus nói.

Ông Freiburghaus lấy ví dụ việc Thuỵ Sĩ từng từ chối gia nhập Khu vực kinh tế châu Âu năm 1992 để trở thành thành viên đầy đủ của EU nhưng vẫn phát triển mạnh mẽ nhờ vô số hiệp ước song phương với Brussels.

“Thuỵ Sĩ có 120 thoả thuận. Liệu Anh sẽ đàm phán 120 thoả thuận như vậy? Điều này rất khó nói” – ông Freiburghaus nhận định.

Trong khi đó, tờ Guardian nhắc nhở: “Dù chúng ta có nghĩ gì thì đây là một cuộc chiến quốc gia mà chúng ta phải đối mặt, không phải của riêng một phe, và vì nước Anh chúng ta cần chọn đúng. Với những ai không ủng hộ chính sách của thủ tướng, vì những công nhân Anh, chúng ta không nên đánh cược với kinh tế đất nước bằng việc rời châu Âu và trượt vào vô định”.


TRẦN PHƯƠNG ([email protected])