24/12/2024

Úc, New Zealand cũng bực Trung Quốc

Việc Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida bỏ kế hoạch sang Bắc Kinh vào tháng 4 tới như là một phản ứng mạnh mẽ của Tokyo đối với Bắc Kinh.

 

Úc, New Zealand cũng bực Trung Quốc

 

 

Việc Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida bỏ kế hoạch sang Bắc Kinh vào tháng 4 tới như là một phản ứng mạnh mẽ của Tokyo đối với Bắc Kinh.

 

 

 

 

 

 

Úc, New Zealand cũng bực Trung Quốc

Tàu hải giám của Trung Quốc chặn mũi tàu cảnh sát biển Việt Nam trên Biển Đông hồi tháng 5-2014 – Ảnh: Reuters

Dù việc có tiến hành chiến dịch tuần tra trên biển và trên không hay không là tùy ở mỗi quốc gia, nhưng tôi cho rằng giữ cho các đường biên giới trên biển luôn mở là lợi ích tốt nhất cho chúng ta. Thế thôi

Phó đô đốc Joseph Aucoin, tư lệnh hạm đội 7 của hải quân Mỹ, phát biểu trong chuyến thăm Úc ngày 22-2

Nhật báo Japan Times, trích nguồn từ Chính phủ Nhật, giải thích quyết định của Tokyo: “Gần đây Tokyo đã khiến Bắc Kinh điên tiết qua phản ứng cứng rắn của mình đối với các dự án bồi đắp hàng loạt của Trung Quốc trên Biển Đông đang tranh chấp và bằng những lời chỉ trích rằng Bắc Kinh đã phản ứng thiếu nghiêm khắc đối với việc phóng tên lửa tầm xa mới nhất của CHDCND Triều Tiên”.

Việc Tokyo bất bình trước việc bồi đắp hàng loạt trên Biển Đông cho thấy đây không phải là phản ứng đối với vụ việc mới nhất là Bắc Kinh đưa tên lửa đối không HQ-9 có tầm bắn 200km đến đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, mà là phản ứng đối với cả quá trình lấn chiếm, bồi đắp, quân sự hoá cả ở khu vực quần đảo Hoàng Sa lẫn khu vực quần đảo Trường Sa.

Thật vậy, việc đưa tên lửa HQ-9 tới đảo Phú Lâm chỉ là một chặng nữa trong quá trình quân sự hoá đảo này, sau khi đã tôn tạo sân bay với một đường băng dài 2,5km có thể đón mọi máy bay chiến đấu thế hệ thứ 3 của không quân Trung Quốc, từ J-8II, J-10A đến Sukhoi Su-30MKK, và đã xây xong doanh trại đủ chỗ cho khoảng 1.000 binh sĩ, như Hãng tin UPI đã cảnh báo từ ngày 29-6-2008.

Cùng với việc cải tạo sân bay trên đảo Phú Lâm, Trung Quốc còn xây dựng các đài kiểm thính có khả năng bắt được mọi liên lạc vô tuyến của Việt Nam và Philippines, thậm chí của Malaysia cũng như các đài rađa theo dõi, và xây dựng cầu cảng có thể đón từ tuần dương hạm đến khu trục hạm.

Trước đó, hôm 19-2, tức chỉ một ngày sau khi rộ tin Trung Quốc bố trí tên lửa trên đảo Phú Lâm, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull và thủ tướng New Zealand từ Sydney đã cùng lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế việc quân sự hóa Biển Đông.

Thủ tướng Úc Turnbull phát biểu rằng nếu như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nghiêm túc khi nói đến việc nên tránh điều gọi là “bẫy Thucydides”, tức việc leo thang dẫn đến chiến tranh do cường quốc “cũ” sợ cường quốc “đang nổi lên” lật đổ mình, thì ông Tập phải giải quyết các tranh chấp bằng luật pháp quốc tế.

Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cũng đã trực tiếp nêu vấn đề này khi đến Bắc Kinh vào tuần qua. Bà thuật lại với báo chí việc can ngăn của bà với đối tác: “Quan điểm của tôi là khi có tên lửa đối không trong một khu vực mà máy bay thương mại vẫn bay thì có nguy cơ nhầm lẫn trong tính toán, cân nhắc”.

Có thể thấy tại sao Nhật, Úc và New Zealand, những quốc gia không tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông, đang ngày càng quan ngại hơn trước thực tế rõ rệt là Trung Quốc đã hầu như quân sự hóa xong “trung tâm” của Biển Đông, cả một dải từ khu vực quần đảo Hoàng Sa xuống đến khu vực quần đảo Trường Sa.

Với việc đưa tên lửa đối không đến đảo Phú Lâm, tiếp nối đợt xây dựng trước đó hai sân bay ở các đá Chữ Thập, Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã hình thành một khu vực “chống xâm nhập/chống tiếp cận” (A2/AD) khống chế hầu như toàn bộ Biển Đông.

Song song với việc quân sự hoá để khống chế Biển Đông một cách dai dẳng như thế, ít nhất trên quy mô lớn cũng từ năm 2008 như đã nêu trên, Bắc Kinh đang ra sức “nhân bản” về mặt truyền thông luận điệu “cái bẫy Thucydides” mà ông Tập Cận Bình đã đưa ra trong chuyến thăm Mỹ tháng 9 năm ngoái.

Từ đó, Bắc Kinh đổ thừa rằng tại Mỹ leo thang chặn đầu Trung Quốc không cho Trung Quốc “nổi lên”, tại Mỹ khiêu khích bằng các chuyến “tuần tra tự do hàng hải, hàng không” nên Trung Quốc mới tăng cường phòng thủ, và rằng thế chiến thứ ba sẽ nổ ra ở Biển Đông là không tránh khỏi…!

Thế nhưng, cần nhìn vào cả một quá trình dốc sức của Trung Quốc biến các đảo, đá Phú Lâm, Chữ Thập, Gạc Ma thành những căn cứ bất khả tiếp cận.

Cả quá trình tiêu tốn tiền của và nhân lực đó là để làm gì, nếu không phải là để chiếm, và trong thực tế đã chiếm cả khu vực Hoàng Sa và Trường Sa – vài đảo còn sót lại kia để đó cũng chẳng gấp gáp gì? Đó là một thực tế có thể “sờ” thấy được


HỮU NGHỊ