24/01/2025

‘Phải thấy nhục khi bị mắng chây ỳ’

Đó là phát biểu của ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN tại cuộc họp tìm biện pháp điều chỉnh giá cước vận tải phù hợp với mức giảm của giá xăng dầu sáng qua (22.2).

 

‘Phải thấy nhục khi bị mắng chây ỳ’

 

Đó là phát biểu của ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN tại cuộc họp tìm biện pháp điều chỉnh giá cướcvận tải phù hợp với mức giảm của giá xăng dầu sáng qua (22.2).





Bộ GTVT yêu cầu doanh nghiệp taxi, xe khách tuyến cố định giảm giá cước ngay - Ảnh: Ngọc Thắng

 

Bộ GTVT yêu cầu doanh nghiệp taxi, xe khách tuyến cố định giảm giá cước ngay – Ảnh: Ngọc Thắng


Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nhìn nhận giá cước vận tải thời gian qua giảm chưa tương xứng với mức giảm giá của xăng dầu.
Taxi đổ lỗi cho tài xế
Đại diện Ban Giá của Sở Tài chính Hà Nội cho biết đã có 21 doanh nghiệp (DN) taxi giảm giá, 25 DN taxi khác kê khai nhưng vẫn giữ nguyên giá. Lý do các DN này đưa ra là đã điều chỉnh giá cước giảm tại thời điểm tháng 1.2015 tương ứng với giá xăng là 15.670 đồng/lít. Rồi trong năm 2015 khi giá xăng tăng, các DN cũng tăng giá cước không đáng kể. Ngoài ra, chi phí đầu vào từ đầu năm 2016 như lương tối thiểu vùng, chi phí bảo hiểm, chi phí cầu đường… đều tăng cao hơn mức giảm của xăng dầu. Trong tháng 1.2016, Sở Tài chính Hà Nội đã kiểm tra việc kê khai giá cước tại 6 DN và lập biên bản xử phạt hành chính 4 DN vi phạm với tổng số tiền 160 triệu đồng.
Nghe lý do này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường bày tỏ: “Cả nước có khoảng 4.000 DN tham gia vận tải khách tuyến cố định, nhưng các sở ngành địa phương thống kê lên mới có khoảng 1.000 DN tham gia vào việc giảm giá. Tương tự, cả nước có khoảng 300.000 xe taxi DN vẫn đưa ra nhiều nhiều lý do khác nhau để tránh việc giảm giá. Như vậy là thiếu trách nhiệm với việc kê khai giá cước. Trong khi chỉ cần giá xăng tăng một cái là DN tăng cước vận tải ngay. Còn khi giá xăng giảm thì lại nại rất nhiều lý do để không giảm”.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, cho rằng: “Mấy ngày nay báo chí nói DN vận tải chây ỳ, móc túi người tiêu dùng khiến chúng tôi rất đau lòng. Sao các DN lại giống tội phạm như thế được. Có những DN làm ăn rất bậy bạ, còn đa số DN làm ăn nghiêm túc nhưng đang phải chịu chung một rọ. Phải phân loại, chỉ mặt đặt tên”.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, cho biết trước Tết Nguyên đán, các hãng taxi đã giảm giá thấp nhất là 300 – 500 đồng/km. “Chúng tôi cũng không muốn tăng hay giảm giá, vì phải điều chỉnh tốn kém rất nhiều. Nhiên liệu, hãng taxi đã khoán cho tài xế, nên khi xăng tăng thì tài xế làm cao không chạy, xăng xuống thì lái xe được lợi chứ DN không được lợi gì”, ông Hỷ cho biết.
Tiếp lời ông Hỷ, ông Thanh nói: “Cái dở nhất của các DN taxi là cơ chế khoán cho lái xe, nên xăng giảm thì lái xe có lợi còn xăng dầu tăng thì họ đình công. Để phục vụ người dân tốt hơn, DN phải thay đổi phương thức quản lý chứ không thể khoán trắng cho lái xe. Taxi kêu 50% chạy “rỗng” sao không đặt câu hỏi tại sao để chạy rỗng”. “Các anh phải thay đổi chứ cứ để báo chí nói chây ỳ, móc túi tôi thấy nhục lắm”, ông Thanh nhấn mạnh.
Phải giảm cước, miễn lý do
Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho biết hiệp hội địa phương nhiều khi phải “lạy, xin” các DN vận tải giảm giá cước. Ông Thanh đề xuất một số giải pháp như giảm thủ tục kê khai giá cước vốn rất phức tạp, nhiêu khê. Đặc biệt, phải có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các DN vi phạm, xử bằng pháp luật, có căn cứ rõ ràng chứ không phải “chỉ đạo mãi mà không giảm giá”. Ngoài ra, khi xăng dầu giảm giá 10%, DN phải kê khai giảm cước, thủ tục có thể đơn giản qua mail, không cần phải dấu má, rút gọn thời gian và thủ tục giảm giá. Đối với taxi, cần nghiên cứu để các DN chủ động tự điều chỉnh đồng hồ tính cước tránh chậm trễ, tốn kém, nếu DN làm bậy thì hậu kiểm, xử lý nghiêm…
Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, cước vận tải đang vận hành theo cơ chế thị trường, cơ quan quản lý không can thiệp, nhưng do tính chất có tác động lớn nên nhà nước vẫn tham gia điều tiết. Việc kê khai giá cước đã làm thường xuyên, thủ tục không có gì nhiêu khê. Hiện tại, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đang soạn thảo dự thảo Thông tư 152 theo hướng khi giá nhiên liệu giảm 20% thì buộc các DN phải tự động giảm, không phải có văn bản giục giảm nữa.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, chi phí nhiên liệu chiếm 25 – 35% cơ cấu giá thành thì dứt khoát giá xăng dầu giảm, giá cước cũng phải giảm theo, đừng vin lý do này kia. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hồng Trường nhận định DN đã kê khai giảm giá cước nhưng chưa đạt như kỳ vọng của người dân. Cho rằng đây là trách nhiệm chung của Bộ Tài chính và GTVT, ông Trường nhìn nhận hai bộ sẽ tính toán nghiên cứu lại trong Thông tư 152 sửa đổi để mỗi lần kê khai giảm giá cước không phức tạp và tốn kém cho DN.
Điện, nông dược, phân bón… phải giảm theo xăng
Không chỉ giá cước, theo các chuyên gia kinh tế, khi giá xăng dầu ở VN giảm, phân bón, nông dược, đặc biệt là giá điện cũng phải giảm theo.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, phân tích: “Qua bao lần giá xăng dầu giảm, ngành điện không có bất kỳ động thái nào để giảm giá tương ứng với giá xăng dầu. Trong khi nhiều năm trước, mỗi khi giá xăng dầu tăng thì đấy là cái cớ để ngành điện kêu ầm ĩ và đòi nhà nước cho tăng giá điện”. Ngoài ra, hàng loạt sản phẩm phụ thuộc vào giá xăng dầu, hoặc phụ phẩm của xăng dầu như sản phẩm hoá chất, sợi hoá học, phân bón… cũng phải giảm theo.
“Tại sao giá các sản phẩm nông dược cung ứng cho nông nghiệp không giảm giá được và nông dân vẫn phải khổ sở vì giá đầu vào cứ tăng mà giá bán hàng vẫn không tăng? Đấy là vấn đề vô lý. Rốt cuộc nhà nước vẫn muốn can thiệp vào những lĩnh vực của tư nhân hơn là những cái nằm trong quyền điều hành của mình, trong tay mình”, bà Lan nhấn mạnh. Theo bà Lan, đối với giá cước vận tải, bên cạnh việc buộc họ giảm giá, nhà nước cũng cần tính lại các loại thuế phí liên quan. “Bộ Tài chính có Cục Quản lý giá tại sao không nghiên cứu khi giá xăng dầu giảm tác động đến giá của các sản phẩm khác như thế nào, tỷ lệ tác động là bao nhiêu. Nhà nước phải đưa ra được cơ sở tính giá có căn cứ hẳn hoi, có phân tích đầy đủ thì DN mới chịu chứ đùng một cái kêu họ giảm giá sẽ dẫn tới chần chừ, chây ỳ”, bà Lan bình luận.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, ngành điện lý sự rằng dùng nhiều nguồn như thủy điện, nhiệt điện… nên không thể giảm giá nếu xăng dầu giảm giá. “Tuy nhiên, cần phải biết rằng, giá điện do chính phủ kiểm soát. Nếu Chính phủ ra lệnh ngành điện giảm giá thì ngành này mới giảm. Còn chính phủ không ra lệnh hà cớ gì phải giảm. Tương tự các mặt hàng như phân bón không giảm giá do giá trong nước không giảm thì giá nhập khẩu tội gì phải giảm”, ông Doanh nhận xét.
N.T.T

Mai Hà