24/01/2025

“Ông lớn” nước ngoài tràn vào, nhà bán lẻ nội làm sao?

Thị trường bán lẻ VN được dự báo sẽ cạnh tranh gay gắt hơn trong năm 2016, với sự tham gia của nhiều “ông lớn” nước ngoài cùng với sự tràn vào của hàng ngoại…

 

“Ông lớn” nước ngoài tràn vào, nhà bán lẻ nội làm sao? 

 

 

Thị trường bán lẻ VN được dự báo sẽ cạnh tranh gay gắt hơn trong năm 2016, với sự tham gia của nhiều “ông lớn” nước ngoài cùng với sự tràn vào của hàng ngoại…

 

 

 

 

"Ông lớn" nước ngoài tràn vào, nhà bán lẻ nội làm sao? 
Người dân chọn mua bánh kẹo cho ngày tết tại siêu thị Co.op Mart trên đường Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM tối 2-2 – Ảnh: Quang Định

Các nhà bán lẻ nội sẽ ứng phó ra sao với tình hình nhiều “ông lớn” nước ngoài  tràn vào này?

Trao đổi với chúng tôi, ông Diệp Dũng, chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, thừa nhận có những lo lắng nhất định nhưng các nhà bán lẻ VN vẫn có những lợi thế cạnh tranh riêng. Ông Dũng nói:

– Cạnh tranh là tốt vì người tiêu dùng được hưởng lợi, bản thân các nhà bán lẻ phải tự thay đổi để cung cấp dịch vụ tốt hơn. Riêng Hợp tác xã (HTX) thương mại Saigon Co.op, với 82 siêu thị trên toàn quốc, hơn 300 điểm bán cũng sẽ có nhiều giải pháp để ứng phó với tình hình mới, đảm bảo cho việc thực hiện các chương trình vận động hàng VN hay chương trình bình ổn giá.

* Thị trường bán lẻ khởi động năm 2016 bằng những vụ sáp nhập mua bán (M&A) khá đình đám của các thương hiệu bán lẻ nước ngoài, ông nhận định như thế nào về những diễn biến này?

– Thị trường bán lẻ VN đang chuyển mình hội nhập mạnh mẽ hơn bao giờ hết và cần có những nhân tố mới.

Để tạo vị thế cạnh tranh, các doanh nghiệp bán lẻ buộc phải hoặc cùng liên kết tạo mạng lưới chung hoặc phải tự tạo lập mạng lưới quy mô lớn độc lập để tránh “cá lớn nuốt cá bé”. Do đó, xu hướng M&A là không thể tránh khỏi, đây là bước chuẩn bị cần thiết để doanh nghiệp bán lẻ chuẩn bị cho việc hội nhập sâu rộng.

Vấn đề đáng quan tâm là một đơn vị bán lẻ hàng đầu của VN như Saigon Co.op lại hầu như bị loại ra khỏi cuộc chơi do bị hạn chế về luật và thủ tục quản lý nhà nước, không thể chủ động tham gia M&A để tăng năng lực cạnh tranh.

"Ông lớn" nước ngoài tràn vào, nhà bán lẻ nội làm sao? 
Ông Diệp Dũng – Ảnh: T.Tùng

* Những rào cản đó là gì, thưa ông?

– Từ lúc thành lập cho đến nay, Saigon Co.op vẫn hoạt động theo mô hình HTX và nó đã chứng minh được sự hiệu quả và dẫn đầu thị trường bán lẻ. Tuy nhiên, với những ràng buộc của Luật HTX, mô hình HTX đang là chiếc áo quá chật với sự phát triển của Saigon Co.op.

Cụ thể, Luật HTX chỉ cho phép các HTX đầu tư ra bên ngoài không được quá 50% vốn điều lệ, trong khi muốn thành lập pháp nhân khác cũng bị hạn chế huy động vốn đầu tư xã hội khiến việc đầu tư mở rộng hệ thống gặp nhiều khó khăn. Saigon Co.op chưa thể đẩy mạnh việc dùng vốn pháp định để đầu tư vượt hạn mức quy định dù là HTX quy mô lớn nhất cả nước.

Để có được “cơ ngơi” ngày hôm nay, Saigon Co.op túc tắc để dành hơn mấy chục năm nay nhưng các nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần bỏ vài trăm triệu USD hay tỉ USD là mua được cả chuỗi. Nếu muốn mô hình này phát triển thì cần có những điều chỉnh. Saigon Co.op cần huy động được nguồn vốn xã hội lớn chứ không thể cậy mãi vào nguồn vốn nội lực của mình để cạnh tranh và phát triển lớn mạnh.

* Bản thân Saigon Co.op thay đổi như thế nào để duy trì vai trò của mình?

– Khách quan mà nói, những thách thức vừa nêu sẽ ảnh hưởng trực tiếp và tạo áp lực lớn đến vai trò định hướng tiêu dùng, ưu tiên hàng Việt của Saigon Co.op trong thời gian tới. Do đó, Saigon Co.op sẽ tái cấu trúc hệ thống, chủ yếu là tái cơ cấu nguồn vốn.

Saigon Co.op cũng sẽ thành lập HTX tiêu dùng, trong đó khách hàng VIP và thân thiết tham gia góp vốn và trở thành xã viên, người chủ của HTX, được hưởng các quyền lợi về vật chất và tinh thần cao hơn từ giao dịch giữa xã viên và HTX. Chúng tôi cũng sẽ có những chương trình khuyến mãi chỉ dành riêng cho các xã viên này, và trong tương lai họ sẽ còn được hưởng một số phúc lợi xã hội mà HTX mang lại.

Ngoài ra, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng sẽ là ưu tiên hàng đầu. Công tác kiểm soát chất lượng hàng hoá sẽ được Saigon Co.op tập trung đầu tư ngân sách lớn, áp dụng các phương pháp, tiêu chuẩn tiên tiến nhất để đảm bảo chất lượng đầu ra.

Áp dụng công nghệ tiên tiến từ quản trị đến thương mại và cuối cùng là liên kết tạo nguồn nguyên liệu sạch tập trung để kiểm soát tốt cả chất lẫn lượng. Đồng thời sẽ có biện pháp chế tài mạnh đối với đơn vị cung cấp hàng hoá vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Saigon Co.op sẽ có siêu thị cao cấp

Trong năm 2016, ngoài việc phát triển nhanh các mô hình bán lẻ hiện hữu như Co.op Mart, Co.opFood, Co.opXtra, Sense City… tại các thị trường trọng điểm, Saigon Co.op cũng sẽ phát triển mới các mô hình thương mại điện tử và phân khúc cao cấp để có thể phủ kín hầu hết tất cả phân khúc tiêu dùng trong nước.

Về xây dựng nguồn hàng, không chỉ dừng ở mức độ liên kết với các nhà sản xuất, nông dân và nhà cung cấp, mà hệ thống này còn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu để có được chân nguồn hàng thật tốt, chất lượng và đảm bảo kiểm soát thật đầy đủ các quy trình để phục vụ khách hàng.

Bán lẻ trong nước còn ai?

Sau ba thương vụ mua đứt Oceanmart, Vintexmart và Maximart của Tập đoàn Vingroup trong chiến lược mở rộng phát triển mạng lưới bán lẻ, thị trường bán lẻ VN mất dần nhiều thương hiệu quen thuộc, gắn bó với người tiêu dùng VN một thời. Trong đó, thị trường phía Nam chỉ còn lại một số cái tên bán lẻ trong nước như Co.op Mart, Satramart, VinMart…

Tuy nhiên, thị trường ghi nhận sự tăng tốc vượt bậc của gương mặt mới VinMart. Chính thức tham gia thị trường bán lẻ VN vào cuối tháng 11-2014 với hệ thống siêu thị VinMart và cửa hàng tiện ích VinMart+, tính tới tháng 2-2016, toàn hệ thống này đã phát triển lên đến 560 cơ sở, bao gồm hơn 500 cửa hàng tiện ích VinMart+ và 50 siêu thị VinMart tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Như vậy, VinMart được xem là hệ thống bán lẻ tiêu dùng hiện đại có tốc độ phát triển nhanh nhất, có quy mô lớn nhất và mức độ hiện diện rộng nhất tại VN. Theo đại diện Vingroup, trong năm 2016, hệ thống dự kiến sẽ đạt tới con số 70 VinMart và 3.000 VinMart+ trên cả nước.

NHƯ BÌNH thực hiện ([email protected])