Phải hiểu vào TPP, nhưng Mỹ không phải là “sọt rác” để hàng nào của ta họ cũng lấy. Trước khi muốn mua bán với người Mỹ, cần tìm hiểu phong tục tập quán của họ.
Doanh nghiệp ‘đặt hàng’ tham tán thương mại
Phải hiểu vào TPP, nhưng Mỹ không phải là “sọt rác” để hàng nào của ta họ cũng lấy. Trước khi muốn mua bán với người Mỹ, cần tìm hiểu phong tục tập quán của họ.
65 tham tán thương mại từ nước ngoài đã tham dự Hội nghị Tham tán thương mại 2016 về “Đổi mới phương thức hoạt động thương vụ và công tác thị trường trong bối cảnh mới về hội nhập kinh tế quốc tế” do Bộ Công thương phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức hôm qua 22.2.
Đại diện Bộ Công thương, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh: “Vai trò của tham tán thương mại tại các nước là cực kỳ quan trọng, ngoài việc hỗ trợ thông tin thị trường cho doanh nghiệp (DN), còn là tác nhân đóng vai trò lớn hỗ trợ DN VN trong những tranh chấp thương mại, bị kiện chống bán phá giá… đặc biệt tại các thị trường lớn trong hội nhập sâu rộng này”.
Cần hỗ trợ thông tin
Có doanh nghiệp của tỉnh gửi cả 30 email đến thương vụ để hỏi thông tin thị trường nhưng không thấy hồi âm
Ông Trương Quang Hoài Nam,Phó chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ, phản ánh: Có DN của tỉnh gửi cả 30 email đến thương vụ để hỏi thông tin thị trường nhưng không thấy hồi âm. Nếu hệ thống tham tán mỗi nước chỉ có 1 người như hiện nay thì thật sự khó và DN rất khó tiếp cận khi cần. Ông Trương Quang Hoài Nam cũng nêu những bất cập về hệ thống thông tin công khai trên website của Bộ hiện chưa đáp ứng thông tin tối thiểu cho DN. Bộ cần xem xét công khai thông tin nhằm cảnh báo cho DN trong trường hợp hàng hóa bị trả về. Nguyên nhân thế nào để DN rút kinh nghiệm cho những lô hàng sau, hoặc DN làm thị trường đó lưu ý, chứ lần nào DN Việt vào thị trường đó cũng mắc đúng lỗi đó thì không còn là lỗi của DN nữa mà từ thông tin tuyên truyền của cơ quan quản lý, tham tán chưa hiệu quả hoặc chưa được cập nhật tốt.
Ông Phạm Hoàng Lâm, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Hưng Lâm chuyên xuất khẩu gạo sang châu Phi, cho biết từng mất 800.000 USD tại thị trường này do thiếu thông tin, áp phương thức thanh toán hàng giao trước. Đến phát hiện bị mất hàng, “cầu cứu” tham tán tại nước sở tại cũng khó can thiệp. Nên tốt nhất tham vấn tham tán tại thị trường này trước khi ký kết mua bán.
Còn bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, đại diện Công ty Phước Thành Bảy Mập chuyên xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ, cho rằng gần đây Mỹ đã có nhiều chính sách thay đổi liên quan đến chất cấm trong gạo mà DN không được cập nhật để biết cho đến khi hải quan Mỹ yêu cầu tìm kho đưa gạo về đó, chờ lấy mẫu đi kiểm định, đạt chuẩn mới cho thông quan vào thị trường Mỹ. Nếu không đạt những chuẩn mới khắt khe này, phải xuất ngược gạo về lại VN.
Doanh nghiệp lưu ý là thường email thông tin hỏi chung chung, không rõ ràng cụ thể một mặt hàng nào nên hiệu quả trả lời chắc chắn sẽ không đạt như mong muốn
Ông Phạm Trung Nghĩa, Tham tán thương mại VN tại UAE
“Nên chăng tham tán thương mại tại Mỹ cập nhật và phối hợp với cơ quan quản lý trong nước hướng dẫn cụ thể cho DN biết chất cấm nào phía Mỹ đang quy định. Các giấy kiểm định trong nước không được phía Mỹ chấp nhận thì cũng nên bỏ đi tránh mất công, tiền của, thời gian đi lại của DN trước khi xuất một lô hàng”, bà Nhung đề nghị.
Doanh nghiệp chưa chủ động ?
Trước những phản ứng và cả kỳ vọng của DN, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cũng thừa nhận thông tin thị trường chuyển tải đến DN chưa được tốt, cần sự hỗ trợ phối hợp từ các hiệp hội và DN nhiều hơn nữa. Phản hồi về chất lượng thông tin và hiện tượng không phản hồi trước những thắc mắc của DN, ông Phạm Trung Nghĩa, Tham tán thương mại VN tại UAE cho biết năm qua, cơ quan tham tán VN tại UAE đã nhận được 300.000 email từ DN, hiệp hội và theo đánh giá của ông Nghĩa là thông tin phản hồi đạt 7,5 điểm. “Có vấn đề DN lưu ý là thường email thông tin hỏi chung chung, không rõ ràng cụ thể một mặt hàng nào nên hiệu quả trả lời chắc chắn sẽ không đạt như mong muốn. Thứ nữa, chúng tôi cần sự liên kết phối hợp chặt chẽ hơn giữa các hiệp hội, DN với thương vụ. Hiện chỉ có Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản VN và Hiệp hội Da giày là có gửi thông tin hằng tháng cho chúng tôi, còn các hiệp hội khác chúng tôi không có bất kỳ thông tin cập nhật nào. Đặc biệt ở nước ngoài thường quan tâm thông tin về cà phê, tiêu, điều… mùa vụ thế nào, giá bán trong nước ra sao…”, ông Nghĩa chia sẻ.
Trước những phản hồi sự hỗ trợ từ phía tham tán còn thờ ơ, ông Nghĩa cũng “phản pháo” bằng thông tin năm qua, tham tán tại UAE đã can thiệp giải quyết 8 trường hợp thu về số tiền 4 triệu USD cho DN xuất khẩu mà trước đó tưởng đã mất trắng. “DN Việt nếu đã vi phạm hợp đồng, nên đền bù cho họ bởi hiện tại chúng tôi đang giải quyết có 3 DN tại VN xuất hàng bị vi phạm hợp đồng, DN cũng thừa nhận lỗi hoàn toàn, nhưng liên lạc để giải quyết lại không nghe máy, không trả lời mail, trong khi phía đối tác lại cứ đến “níu” mấy ông tham tán Việt để đòi nợ”- vị này nói.
Ông Đào Trần Nhân, tham tán VN tại Mỹ, lại cho rằng: “DN Việt đang khá bàng quan, thờ ơ trước cơ hội và thách thức mà TPP mang lại, đó là sự thật. Qua trao đổi, gặp gỡ tham vấn các DN Việt muốn đưa hàng vào Mỹ, tôi thấy, họ còn mơ hồ với thị trường Mỹ quá. Phải hiểu vào TPP, nhưng Mỹ không phải là “sọt rác” để hàng nào của ta họ cũng lấy. Trước khi muốn mua bán với người Mỹ, cần tìm hiểu phong tục tập quán của họ. Với DN làm hàng thực phẩm, bắt buộc phải có văn phòng đại diện tại Mỹ nếu muốn đưa hàng vào Mỹ”.
Ông Đào Trần Nhân cũng đưa ra cảnh báo DN ngay từ bây giờ, DN làm hàng xuất khẩu phải luôn trong tâm thế lưu trữ hồ sơ bởi Mỹ sẽ truy hồ sơ gốc một sản phẩm chế biến bất cứ lúc nào, từ hạt giống, đất trồng cho đến phân bón… “Họ yêu cầu xem nhà máy, phải đáp ứng ngay, nếu từ chối mở cửa nhà máy cho họ xem trước khi mua hàng hoặc mua rồi từ chối hợp tác thăm viếng nhà máy, đồng nghĩa với việc từ chối thị trường Mỹ”, ông Nhân cảnh báo.