23/12/2024

Trung Quốc ngang ngược so sánh đảo ở biển Đông với Hawaii

Bộ ngoại giao Trung Quốc ngang ngược khi nói rằng việc họ đưa vũ khí ra biển Đông không khác gì việc Mỹ điều động quân sự để bảo vệ Hawaii.

 

Trung Quốc ngang ngược so sánh đảo ở biển Đông với Hawaii

Bộ ngoại giao Trung Quốc ngang ngược khi nói rằng việc họ đưa vũ khí ra biển Đông không khác gì việc Mỹ điều động quân sự để bảo vệ Hawaii.

 

Trung Quốc ngang ngược so sánh đảo ở biển Đông với Hawaii
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại một cuộc gặp song phương hồi tháng 8 năm ngoái ở Kuala Lumpur – Ảnh: Reuters

Theo Reuters, tuyên bố này do Bộ ngoại giao Trung Quốc đưa ra ngày 22-2, ngay trước chuyến công du của bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị tới Mỹ ngày 23-2.

Tuần trước Mỹ cáo buộc Trung Quốc gây gia tăng căng thẳng tại biển Đông khi đưa tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, một động thái mà tới nay Trung Quốc không xác nhận mà cũng không bác bỏ.

Khi được hỏi vấn đề biển Đông và tên lửa có được đề cập trong cuộc hội đàm giữa ông Vương Nghị và ngoại trưởng Mỹ John Kerry hay không, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng, Washington không nên lôi vấn đề vũ khí quân sự trên các đảo ra làm “cái cớ để gây tranh cãi”.

Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Hoa nói: “Mỹ không liên quan tới tranh chấp tại biển Đông và đây không nên là vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ”.

Tuy nhiên người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Mark Toner lại cho biết, Mỹ sẽ “gây áp lực để Trung Quốc phải giảm bớt và chấm dứt quá trình quân sự hoá của nước này” tại biển Đông.

Ông Toner cho rằng “hành vi quân sự hoá” của Trung Quốc chỉ làm gia tăng căng thẳng và nói thêm “cần có một cơ chế ngoại giao được áp dụng để tất cả những tuyên bố chủ quyền phải được đồng thuận một cách hoà bình”.

Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ gặp ông Kerry ngày thứ ba, 23-2 theo giờ Mỹ. Theo ông Toner, nội dung các cuộc nghị sự của họ sẽ liên quan tới phản ứng quốc tế về vụ thử bom hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và vụ phóng tên lửa gần đây, vấn đề an ninh mạng và biến đổi khí hậu.

Cũng tại buổi họp báo, bà Hoa Xuân Oánh còn nói, Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ không tham gia vào cuộc tranh chấp và ngừng “đổ thêm dầu vào lửa”, nhất là về những cơ sở quân sự của Trung Quốc trên biển Đông mà bà này cho là ở mức “hạn chế”.

Bà Hoa nói: “Việc Trung Quốc đang điều động các trang thiết bị quốc phòng ở mức hạn chế, cần thiết trên các phần lãnh thổ của mình nhìn chung cũng không khác gì việc Mỹ bảo vệ Hawaii”.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc thậm chí còn tố ngược rằng chính việc tàu và máy bay Mỹ thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra và do thám trong những năm qua đã làm tăng căng thẳng trong khu vực.

Bà Hoa Xuân Oánh nói: “Đó chính là nguyên nhân lớn nhất của việc quân sự hoá trên biển Đông. Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ không làm rối ren về chuyện đúng sai trong vấn đề này cũng như không thực thi cơ chế tiêu chuẩn kép (về biển Đông)”.

Ngày 22-2, một quan chức hải quân cao cấp Mỹ cho biết Úc và các nước khác theo sự điều hành của Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện những hoạt động tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý (18 km) quanh các đảo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái phép trên biển Đông.  

Theo kế hoạch ông Vương Nghị sẽ làm việc tại Mỹ từ thứ ba tới thứ năm tuần này, 23-25/2.

Cũng theo bà Hoa Xuân Oánh, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc dự kiến sẽ trao đổi về vấn đề CHDCND Triều Tiên và lặp lại quan điểm Trung Quốc phản đối việc Mỹ có thể điều động hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân sau vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên gần đây.