25/12/2024

Trung Quốc cấp tập quân sự hoá Hoàng Sa

Không chỉ triển khai tên lửa, Trung Quốc còn bị cho là đang xây nhà chứa máy bay và kho vũ khí phi pháp ở Hoàng Sa.

 

Trung Quốc cấp tập quân sự hoá Hoàng Sa

 

Không chỉ triển khai tên lửa, Trung Quốc còn bị cho là đang xây nhà chứa máy bay và kho vũ khí phi pháp ở Hoàng Sa.


 



Hình ảnh các cơ sở phi pháp của Trung Quốc ở Phú Lâm - Ảnh: Stratfor.com

 

Hình ảnh các cơ sở phi pháp của Trung Quốc ở Phú Lâm – Ảnh: Stratfor.com


Kyodo News ngày 20.2 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook khẳng định Trung Quốc đã tiến hành diễn tập tên lửa ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trước khi triển khai hệ thống phòng không HQ-9. Trước đó, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Scott Swift cũng khẳng định Trung Quốc đã 3 lần đưa tên lửa HQ-9 đến đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa.
Theo chuyên trang Military.com, 2 lần trước để phục vụ tập trận phi pháp, có một lần Trung Quốc đã dùng HQ-9 bắn hạ máy bay không người lái. Ngoài ra, Công ty phân tích chiến lược Stratfor (Mỹ) vừa đăng tải trên website Stratfor.com hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc có thể đang xây 16 nhà chứa máy bay dọc đường băng trên đảo Phú Lâm, nhiều khả năng dành cho chiến đấu cơ J-11 sau khi Trung Quốc đã triển khai loại chiến đấu cơ này tới Phú Lâm hồi tháng 11.2015. Cũng theo Stratfor, Trung Quốc còn đang cấp tập xây dựng nhiều toà nhà lớn để làm kho chứa vũ khí và xe hậu cần lớn chở đạn dược cho chiến đấu cơ hoặc tên lửa phòng không.
Ngày 19.2, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc phản đối những hành động nguy hiểm, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa cũng như đe doạ hoà bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Trong bài bình luận đăng trên Reuters hôm qua, Giáo sư James Holmes của Trường chiến tranh hải quân Mỹ chỉ ra 16 quả tên lửa ở Hoàng Sa nằm trong hệ thống phòng thủ nhiều lớp dày đặc do Bắc Kinh xây dựng ở những khu vực họ tự nhận là lãnh thổ của mình. Một khi hệ thống này được hoàn chỉnh, máy bay, tàu chiến nước ngoài tiến vào khu vực sẽ phải đối mặt với nguy cơ từ nhiều hướng, buộc các chỉ huy quân sự phải đắn đo trước khi muốn điều khí tài hiện đại, đắt tiền tới Đông Nam Á.
Dần dà, theo ông Holmes, Trung Quốc sẽ kiểm soát Biển Đông mà không cần phải giao chiến và có cớ tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi”, bất chấp luật pháp và thông lệ quốc tế. Giáo sư Holmes còn cảnh báo một khi đã thành công với chiêu bài phô trương sức mạnh để khiến các bên khác chùn chân, Trung Quốc có thể “tự đề ra luật lệ”, thậm chí phong toả tuyến hàng hải ở Biển Đông. Để ứng phó, chuyên gia này cho rằng các bên phải chứng tỏ không bị Trung Quốc đe doạ và vẫn sẵn sàng duy trì các hoạt động bảo đảm tự do hàng hải, hàng không.
Chuyên gia Trung Quốc kích động tấn công tàu Mỹ
Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 20.2 dẫn lại bài bình luận do Nhân Dân nhật báo đăng tải kêu gọi Trung Quốc hành động cứng rắn để “dạy cho Mỹ một bài học” ở Biển Đông. Tác giả Hồ Ba, chuyên gia thuộc Viên Nghiên cứu hải dương Trung Quốc, cho rằng lực lượng nước này có thể bắn cảnh cáo hoặc thậm chí đâm va vào tàu chiến Mỹ hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa. Ông này cũng dự đoán rằng Washington sẽ tập trung hành động ở Hoàng Sa trong thời gian tới, theo SCMP.

Văn Khoa