Tỉ phú nuôi vịt đẻ
16 tuổi phải tự kiếm sống, ông chọn đúng cái nghề mạt hạng nuôi vịt chạy đồng. Đã có lần ông định nhảy sông tự tử vì trắng tay, nhiều năm lùa vịt ra tận biên giới để tránh mặt chủ nợ.
Tỉ phú nuôi vịt đẻ
16 tuổi phải tự kiếm sống, ông chọn đúng cái nghề mạt hạng nuôi vịt chạy đồng. Đã có lần ông định nhảy sông tự tử vì trắng tay, nhiều năm lùa vịt ra tận biên giới để tránh mặt chủ nợ.
Ông Út Mới kiểm tra sức khoẻ đàn vịt đẻ của mình – Ảnh: V.TR. |
“Hôm đó tôi ra sông định nhảy xuống chết cho rồi, nhưng nghĩ lại nếu chết thì cũng còn mang nợ nên nghĩ phải cố gắng sống làm trả nợ. Cầm chén cơm cố nuốt lấy sức để sống nhưng nó cứ nghèn nghẹn ở cổ. Nước mắt cứ chảy ra, ướt cả chén cơm |
Chuyển sang nuôi vịt đẻ, ông thành tỉ phú, vẫn mê nuôi vịt chứ không sắm xe hơi hay nhà lầu.
Ông là Lê Ngọc Mới (Út Mới, 53 tuổi) ở ấp 3, xã Mỹ Hoà, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Lúc chúng tôi hỏi thăm đường, nhiều người dân địa phương còn nói thêm rằng họ rất nể phục người đàn ông nhỏ nhắn nhưng lại có nghị lực vượt khó rất phi thường này.
Nước mắt chan cơm
Đang lùa bầy vịt đẻ 5.000 con trên cánh đồng gần nhà đến bãi ăn, bất chợt ông Út Mới quay sang hỏi tôi: “Em có biết ông bà xưa nói về nghề nuôi vịt như thế nào không?”. Rồi ông trả lời luôn: “Muốn giàu nuôi cá. Muốn khá nuôi heo. Còn muốn nghèo thì nuôi vịt. Nhưng không hiểu sao hồi đó tôi chọn nghề nuôi vịt và gắn bó với nó suốt 37 năm nay. Con cái khuyên tôi bỏ nghề nhưng tôi quyết định vẫn nuôi vịt cho tới khi nào nhắm mắt xuôi tay mới thôi”.
Một thời… trốn nợ Năm 27 tuổi ông cưới cô gái quê ở huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) làm vợ. Cưới xong, vợ chồng phải dắt díu nhau nuôi vịt xa nhà, cũng là để… trốn nợ. Khi đã có được hai đứa con trai, cái nghèo vẫn chưa buông tha hai vợ chồng chăn vịt. Ông gửi chị ruột nuôi giùm đứa lớn, vợ chồng ông dắt theo đứa kế mới 4 tuổi đầu. Được một thời gian, ông bảo vợ dắt con về nhà vì không chịu nổi khi nhìn cảnh thằng nhỏ đen thui, tóc cháy nắng vàng quạch. Một mình ông rong ruổi cùng bầy vịt hết tỉnh này qua tỉnh khác. “Mấy năm trời tôi đi biền biệt, sáu tháng hoặc cả năm mới ló đầu về thăm vợ con một lần. Hồi đó đâu có điện thoại. Lâu lâu có người quen về thì nhắn gửi hoặc hỏi thăm tin tức. Mỗi lần nhớ lại cảnh đó, ruột gan tôi đau thắt”. Đôi mắt của ông đã đỏ hoe… |
Ông Út Mới kể gia đình ông rất nghèo. Mới 15-16 tuổi ông phải đi làm mướn kiếm sống. Nhưng chẳng được bao lâu thì chẳng ai mướn nữa vì “thằng nhóc nặng 42kg chẳng làm được trò trống gì”.
Ông cười: “Đúng là hồi đó tôi nhỏ con, ốm yếu lắm, không đào đất được, cũng không vác nổi bao lúa ướt”. Rồi ông vay mượn tiền để mua vịt con.
Lúc đó ông vừa tròn 16 tuổi, một mình chăn đàn vịt 500 con. Ở đâu thu hoạch lúa thì lùa vịt vào ăn lúa rụng không phải tốn tiền mua thức ăn.
Ông nói nghề của mình giống như nuôi cừu du mục trên các thảo nguyên: “Hôm nay che bạt ngủ ở Đồng Tháp nhưng vài hôm sau đã có mặt tại Long An, rồi tuần tới đã ở tận Sóc Trăng, Bạc Liêu. Nơi nào thu hoạch lúa là mình phải lùa vịt tới ăn chứ không bao giờ suy nghĩ đường sá xa xôi quá mà không đi. Trong suốt những năm nuôi vịt chạy đồng, dấu chân tôi đã in ở hầu hết các tỉnh tại miền Nam”.
Nghề nuôi vịt chạy đồng cực khổ trăm bề. Không chỉ đi bộ đến cuồng chân mà còn phải mang vác lỉnh kỉnh mền chiếu, quần áo, xoong nồi, dầu lửa, nước mắm, nước tương…
Vịt ăn ở đồng nào thì ông giăng võng, tìm ba cục gạch bắc làm bếp nấu ăn tại đó. Nói là nấu ăn cho bảnh chứ một tuần hết sáu bữa ăn cơm với nước tương.
Hôm nào may mắn thì có thêm nắm rau luộc hái vội trên bờ ruộng. Tối chẳng đêm nào được ngủ ngon. Mỗi khi bầy vịt kêu oang oác là phải thức luôn tới sáng.
“Nuôi vịt cực khổ nhưng đi đâu cũng mất trộm hoặc bị mấy “đại ca” tới quơ làm mồi nhậu không cần xin. Mỗi lứa hao hụt kiểu này hết vài chục con là bình thường. Nhưng điều đó không đau bằng mấy lúc bán vịt không ai mua, có người mua thì ra giá rẻ như bèo” – ông Út Mới buông giọng buồn buồn.
Lùa bầy vịt vào tới góc ruộng xong, ông Út Mới kể tiếp ông không bao giờ quên thời điểm tuyệt vọng cùng cực khi mới 24 tuổi. Lúc đó ông lùa vịt tới huyện Vĩnh Hưng (Long An), giáp biên giới Campuchia để cho ăn. Vịt cũng đủ ký để bán nên ông kêu lái tới xem. Họ chê ỏng chê eo rồi ra giá rất thấp.
Ở xứ lạ quê người không quen biết ai mà cũng không thể kéo dài thời gian nuôi nên phải chấp nhận bán. Cầm tiền trong tay, ông thất thần đứng không vững bởi vì số tiền đó không đủ mua vịt con nuôi tiếp thì lấy gì trả nợ.
Đổi đời nhờ vịt đẻ
Ông Út Mới bảo rằng trời cao có mắt, thấy ông chí thú làm ăn mà thương nên xui khiến ông từ bỏ vịt thịt chuyển sang nuôi vịt đẻ khi ông sắp bước qua tuổi 30.
“Người ta ngủ một đêm sáng thức dậy lượm trứng bán có tiền, còn tôi nuôi vịt thịt ba bốn tháng ròng cực khổ có khi bán không được. Vì thế tôi chuyển sang nuôi vịt đẻ với hi vọng trả được nợ là giải nghệ luôn” – ông kể.
Từ khi nuôi vịt đẻ, công việc làm ăn của ông thuận buồm xuôi gió hẳn. Vịt ít khi bị bệnh, tỉ lệ đẻ trứng đạt cao. Đàn vịt đẻ 1.000 con đầu tiên theo ông đi khắp các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Long An, An Giang…
Đến đâu cũng cho nhiều trứng. Tiền bắt đầu rủng rỉnh trong túi của người đàn ông nghèo nợ nần tứ giăng mà mê nuôi vịt đến phát cuồng. Có tiền, ông mua thêm vịt để tăng đàn lên 4.000 con, rồi 5.000 con. Ông kể: “Có đêm vịt đẻ mấy ngàn trứng, bán xong mua được mấy chỉ vàng thấy ham lắm. Có lúc đàn lên tới 20.000 con và phải thuê người phụ coi chứ một mình làm không xuể”.
Trả hết nợ, ông Út Mới trở về nhà với vợ con chứ không còn trốn chui, trốn nhủi nữa. Vịt vẫn đẻ ra tiền hằng ngày, ông nghĩ đến việc mua đất đai để sau này con cái có mà làm, không theo nghề nuôi vịt chạy đồng như cha mẹ của chúng.
Năm 35 tuổi ông mua được miếng đất đầu tiên rộng 10 công (1ha) với giá 12 cây vàng khiến nhiều người trong xóm mắt tròn mắt dẹt. Sau hơn 15 năm khánh kiệt với nghề nuôi vịt chạy đồng nhưng ông vẫn kiên trì gắn bó nên tay nghề, kinh nghiệm ngày càng “thâm hậu”. Vịt ông nuôi lớn nhanh, ít bệnh, đẻ sai.
Cứ thế sáng nào ông cũng ôm thúng đi quanh ruộng nhặt trứng mỏi tay. Chiều thương lái tới lấy trứng, túi của ông lại rủng rỉnh tiền. Dành dụm một thời gian thì ông lại đi hỏi mua đất ruộng. Nhiều người thấy ông đổi đời nên hét giá 18 cây vàng/ha, ông cũng mua luôn.
Gần đây người ta không bán đất lấy vàng nữa mà quy ra tiền, trung bình từ 700-900 triệu đồng/ha. Lâu lâu ông lại mang về cái sổ đỏ 1ha đất đưa vợ cất. Ông có ba đứa con, hai đứa lớn học hết cấp III thì ở nhà phụ ông làm ruộng. Đứa út mê học hơn nuôi vịt nên giờ đã học đại học năm 3.
Giàu có nhưng ông Út Mới sống rất giản dị. Có trong tay hơn 10 tỉ đồng nhưng gia đình ông vẫn ở trong căn nhà nhỏ cất từ nhiều năm trước, rất nóng nực. Hằng ngày ông vẫn lội ruộng chăn vịt dù đã thuê thêm vài người phụ giúp.
Giúp người nghèo
Sau một thời gian thử nghiệm đạt hiệu quả cao, cuối năm ngoái ông Út Mới quyết định giã từ kiểu nuôi chạy đồng liên tỉnh để chuyển sang nuôi rọ (nuôi nhốt tại ruộng nhà). Ông nói: “Nuôi vịt chạy đồng quá cực khổ, chồng xa vợ, cha xa con biền biệt mấy tháng trời. Tình cảm gia đình ít nhiều cũng lợt lạt. Tôi nghĩ ra cách nuôi rọ hiệu quả cao, vịt đẻ sai, ít bệnh mà hằng ngày mình vẫn ở nhà chăm sóc, nuôi dạy con được”. Hay tin ông Út Mới có sáng kiến hay, ngành nông nghiệp và thú y đến tìm hiểu và đánh giá đây là bước đột phá mới trong nghề nuôi vịt chạy đồng, giúp giải phóng sức lao động mà lại dễ chích ngừa, quản lý dịch bệnh. Ngành nông nghiệp đã đề nghị ông đứng ra thành lập tổ hợp tác nuôi vịt đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp, đồng thời gánh vác nhiệm vụ làm tổ trưởng để hướng dẫn, truyền kinh nghiệm cho những người nuôi vịt chạy đồng khác vươn lên khá giả và làm giàu. Ông Út Mới gật đầu ngay lập tức mà không đắn đo suy nghĩ. Ông giải thích: “Hơn ai hết tôi hiểu nghề này khổ như thế nào nên luôn muốn truyền kinh nghiệm cho bà con nông dân. Tôi sẽ rất hạnh phúc nếu thấy ngày càng có nhiều người giàu lên nhờ nuôi vịt và cũng muốn thay đổi câu nói của ông bà xưa, không phải muốn nghèo nuôi vịt mà là muốn giàu thì nuôi vịt”. Tổ hợp tác nuôi vịt Tháp Mười được thành lập đầu năm nay. Hiện đã có 13 hộ nuôi vịt đẻ ở các xã Mỹ Hoà, Mỹ Đông, Tân Kiều và thị trấn Mỹ An của huyện Tháp Mười đăng ký tham gia và nuôi theo mô hình ông Út Mới chỉ dẫn. Hôm chúng tôi đến, ông Út Mới đang mướn thợ xây hai cái hồ chứa nước và thức ăn trên khu đất rộng 5.000m2. Xung quanh thì rào lại. Vịt chỉ quanh quẩn trong ruộng, khi đói, khát thì vào hồ ăn uống. Ông cho biết tổ hợp tác được Công ty Cỏ May ở Sa Đéc cung cấp thức ăn cho vịt đẻ với cam kết đảm bảo không có kháng sinh, còn Công ty Vĩnh Nghiệp ở Vĩnh Long bao tiêu trứng mỗi ngày. Nhà nước hỗ trợ văcxin phòng bệnh cúm gia cầm, tả, tụ huyết trùng trị giá 5.000 đồng/con. Ngân hàng cho vay ưu đãi lãi suất 0,7%/năm để đầu tư xây dựng hạ tầng nuôi vịt an toàn sinh học. Anh Lê Thanh Tâm ở xã Tân Kiều là một trong những người đầu tiên xin vào tổ hợp tác này. Anh nói: “Xưa giờ nuôi vịt chạy đồng rất khổ cực. Được ông Út Mới chỉ dẫn kinh nghiệm là may mắn lắm rồi, nhưng vào tổ hợp tác còn được hỗ trợ nhiều thứ nữa, được mua thức ăn giá gốc, được bao tiêu trứng nên quá sướng. Tôi hình dung một ngày không xa tôi sẽ trả hết nợ, có nhiều tiền để mua đất như ông Út Mới”. Anh Lê Văn Hòa ở xã Mỹ Hoà nuôi 5.000 con vịt đẻ và cũng đăng ký vào tổ hợp tác ngay từ đầu. Anh cũng nói kể từ sau Tết Nguyên đán mình không còn ngủ bờ ngủ bụi khi lùa vịt chạy đồng nữa, cũng không còn lo thua lỗ nữa vì ông Út Mới luôn hướng dẫn tận tình về kỹ thuật và lo hết từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Ông Út Mới bảo rằng tổ hợp tác của ông luôn rộng cửa đón những người nuôi vịt đẻ chạy đồng để cùng nhau làm giàu và nhất là làm thay đổi câu nói của người xưa “muốn nghèo nuôi vịt” thành “muốn giàu thì nuôi vịt”. |