25/12/2024

Philippines sẵn sàng cho ‘kịch bản xấu nhất’ ở Biển Đông

Quân đội Philippines tuyên bố đã chuẩn bị sẵn sàng cho “kịch bản xấu nhất” trên Biển Đông và đang theo dõi việc Trung Quốc đưa tên lửa ra quần đảo Hoàng Sa.

 

Philippines sẵn sàng cho ‘kịch bản xấu nhất’ ở Biển Đông

 

 

Quân đội Philippines tuyên bố đã chuẩn bị sẵn sàng cho “kịch bản xấu nhất” trên Biển Đông và đang theo dõi việc Trung Quốc đưa tên lửa ra quần đảo Hoàng Sa.





Một cuộc tập trận của các tàu chiến Mỹ và Philippines - Ảnh: Hải quân Mỹ

 

Một cuộc tập trận của các tàu chiến Mỹ và Philippines – Ảnh: Hải quân Mỹ


Tờ Philippine Daily Inquirer ngày 21.2 dẫn lời Phó đô đốc Alexander Lopez, chỉ huy Bộ Tư lệnh miền Tây (WesCom) của quân đội Philippines, cho biết mức độ báo động chưa được nâng lên nhưng các lực lượng vũ trang nước này “đang liên tục theo dõi các diễn biến”.
Phát biểu bên lề một cuộc họp tại Học viện Quân sự Philippines ở thành phố Baguio, thuộc tỉnh Benguet, ông Lopez nói rằng quân đội Philippines đã “lên kế hoạch cho trường hợp xấu nhất trong những tình huống cụ thể, và các binh sĩ trong biên chế WesCom đã sẵn sàng cho những trường hợp như thế”. WesCom có đại bản doanh ở thành phố Puerto Princesa, thủ phủ của tỉnh Palawan, chịu trách nhiệm bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của Philippines ở Biển Đông.
Phó đô đốc Lopez cũng nhắc lại lo ngại của chính phủ Philippines về việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không HQ-9 và radar đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN. “Đây là mối đe doạ nghiêm trọng cho an ninh khu vực”, ông Lopez nói, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh “đang quân sự hoá khu vực”.
Thông tin về việc Trung Quốc triển khai tên lửa đến Hoàng Sa được đưa ra không lâu sau khi Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands, thuộc bang California (Mỹ) kết thúc tuần qua với lời kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp tại Biển Đông.
Trong bài phỏng vấn độc quyền bên lề hội nghị vừa được Hãng Channel News Asia đăng tải ngày 20.2, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ trích mạnh mẽ việc Bắc Kinh sử dụng chiến thuật ỷ mạnh hiếp yếu tại Biển Đông. “Chúng tôi nghĩ Trung Quốc đang xoay sang chiêu trò xưa cũ là chân lý thuộc về kẻ mạnh, thay vì vận dụng luật pháp và các chuẩn mực quốc tế nhằm thiết lập chủ quyền và giải quyết tranh chấp”, chủ nhân Nhà Trắng nhấn mạnh.
Ông Obama nhận định khả năng xảy ra xung đột giữa các bên tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông “vẫn rất đáng kể”. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu Mỹ có đi đến chiến tranh với Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp tại vùng biển chiến lược này hay không, Tổng thống Mỹ từ chối đưa ra giả thuyết về điều đó mà chỉ nói rằng giữa Mỹ và Trung Quốc có mối quan hệ “mang tính xây dựng”, và Washington tin tưởng ở sự trỗi dậy hoà bình của Bắc Kinh.
Chủ nhân Nhà Trắng cũng nhắc lại cam kết không quân sự hoá các khu vực tranh chấp ở Biển Đông do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra khi thăm Mỹ hồi tháng 9 năm ngoái. “Chúng tôi sẽ tiếp tục thử xem Trung Quốc có thành thật hay không”, ông nói.
Trên thực tế, những gì Trung Quốc đang làm ở Hoàng Sa đã đi ngược lại cam kết của ông Tập cũng như bất chấp luật pháp và những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế.
Tờ Interaksyon ngày 21.2 dẫn lời các chuyên gia phân tích nói rằng trừ khi có một giải pháp tức thời cho các cuộc tranh chấp tại Biển Đông, tình hình căng thẳng hiện tại “hoàn toàn có thể dẫn đến một cuộc xung đột quân sự toàn diện”.

Trùng Quang