23/12/2024

‘Căn bệnh’ lãng phí ngày càng nhờn thuốc

TS Cao Sĩ Kiêm – chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội khoá 13 đã cảnh báo như vậy khi trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên.

 

‘Căn bệnh’ lãng phí ngày càng nhờn thuốc

 

TS Cao Sĩ Kiêm – chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội khoá 13 đã cảnh báo như vậy khi trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên.

 

 

 

 

'Căn bệnh' lãng phí ngày càng nhờn thuốc - ảnh 1

TS Cao Sĩ Kiêm – Ảnh: Ngọc Thắng

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành một chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016 kèm theo các tiêu chí cụ thể như giảm 10% chi thường xuyên, cắt 100% dự án không nằm trong quy hoạch, cắt 100% lễ khởi công, động thổ công trình không quan trọng… Ông đánh giá như thế nào về chủ trương này?
Một quyết định rất mới và ban hành rất sớm, phù hợp với xu hướng lãng phí đang không có dấu hiệu thuyên giảm sau nhiều năm chúng ta hô hào khẩu hiệu. Tôi cho rằng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải được xác định rõ về mục tiêu, chỉ tiêu và có chương trình cụ thể cho từng giai đoạn song hành với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Điều này không những giúp cho việc định lượng mức độ tiết kiệm so với định mức, tiêu chuẩn, chế độ mà còn tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát nhằm ngăn ngừa tình trạng thất thoát, lãng phí.
Nhưng khi lãng phí, tham nhũng trở thành tệ nạn, căn bệnh nan y như ở nước ta thì ban hành chỉ tiêu, định mức chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ.
Theo ông, tại sao năm nào chúng ta cũng hô hào tiết kiệm, chống lãng phí nhưng tệ nạn này không hề giảm, thậm chí có dấu hiệu “tăng nhiệt”. Điển hình là cuộc đua xây trụ sở hoành tráng diễn ra ồ ạt, kể cả địa phương đang phải xin gạo cứu đói vẫn muốn xây trụ sở nghìn tỉ?
Nguyên nhân chủ yếu vẫn do điều hành, quản lý và thực thi với ý thức, tinh thần trách nhiệm quá kém. Theo tôi, luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cùng các văn bản dưới luật, quyết định chủ trương không phải ít, năm nào ta cũng “tung” ra rất sớm nhưng rõ ràng kết quả không như mong muốn. Căn bệnh vung tay quá trán, tiêu xài hoang phí ngân khố quốc gia, tiền thuế của dân đã “ngấm” vào máu của nhiều đơn vị, cá nhân và tổ chức được giao quản lý, chi tiêu. Nó đã trở nên quá đỗi phổ biến trong xã hội, diễn ra ở khắp mọi nơi nên không còn ai thấy điều đó có gì là bất bình thường. Trong khi đó, suốt các năm qua chúng ta chủ yếu hô hào khẩu hiệu, có phát hiện một số trường hợp lãng phí nhưng lại không nêu tên, không xử được ai. Thành thử căn bệnh nan y này ngày càng nhờn thuốc.
Xử nghiêm mới đủ sức răn đe
Có nhiều ý kiến đánh giá lãng phí ở đất nước ta tinh vi, để lại hậu quả nặng nề hơn tham nhũng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tham nhũng và lãng phí, theo tôi đều là những hành vi làm chậm sự phát triển kinh tế – xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với hoạt động quản lý của nhà nước và trực tiếp tác động tiêu cực đến sự ổn định chính trị, kinh tế – xã hội của đất nước, đều đáng bị lên án và bị trừng trị. Lãng phí là việc sử dụng nguồn lực vào những hoạt động vô ích, gây thất thoát, hư hại đến tài sản. Lãng phí bắt nguồn từ năng lực yếu kém, hay thái độ thờ ơ, thiếu tinh thần trách nhiệm.
Lãng phí hiện nay diễn ra ở từng cấp, từng bộ ngành và địa phương không kể to hay bé, lớn hay nhỏ. Tham nhũng đã khó phát hiện rồi, lãng phí càng tinh vi khó phát hiện hơn. Hậu quả của nó nặng nề hơn nhiều tham nhũng. Tôi lấy ví dụ, chỉ một quyết định, một chủ trương đầu tư sai sẽ chôn vùi cả trăm triệu USD như báo chí vừa qua đưa tin dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên vốn đầu tư hơn 8.000 tỉ đồng hay Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ (Hải Phòng) đầu tư 325 triệu USD đang “đắp chiếu”. Đó là những lãng phí hữu hình có thể tính toán, đong đếm được. Ngoài ra, lãng phí xảy ra với muôn hình vạn trạng. Khó tính được những lãng phí vô hình như lãng phí chất xám, lãng phí trong các đề tài nghiên cứu khoa học “cất trong ngăn kéo”…
Quay trở lại với điều kiện đủ như ông đã nói ở trên, theo ông ngoài chỉ tiêu, định mức, chúng ta phải làm gì để chống lãng phí?
Đất nước chúng ta không thể để tình trạng này tồn tại mãi với sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Cần phải lập lại trật tự, kỷ cương, kỷ luật tài chính, chi tiêu ngân sách.
Theo tôi, mấu chốt của chống thất thoát lãng phí ngoài nguyên nhân do cơ chế chính sách thì phải làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức và cá nhân để xử lý thật nghiêm mới đủ sức răn đe. Đặc biệt, trách nhiệm của người đứng đầu, bởi lợi ích của người đứng đầu cơ quan, tổ chức là rất lớn. Do vậy, muốn thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu quả thì cơ chế xử lý trách nhiệm người đứng đầu là rất quan trọng.
Các chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ trong năm 2016
– Tiết kiệm 10% chi thường xuyên. Cắt giảm tối thiểu 12% các khoản kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm… Tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào trong chi thường xuyên các chương trình mục tiêu quốc gia.
– Cắt giảm 100% dự án xây dựng cơ bản không nằm trong quy hoạch được phê duyệt.
– Cắt giảm 100% tổ chức lễ động thổ, khánh thành, khởi công các công trình cơ bản, trừ công trình có giá trị lớn và ý nghĩa quan trọng.
– Chống lãng phí, giảm tổn thất điện năng xuống còn 7,7%, tiết kiệm điện 1,5% tại miền Bắc, miền Trung và 2% tại miền Nam.
– Giữ ổn định biên chế của tổ chức xã hội, nghề nghiệp đến hết năm 2016.

 

Anh Vũ 
(thực hiện)