26/12/2024

Người Việt bạo chi dịp tết

Khảo sát do Công ty TNS tiến hành trong tháng đầu năm 2016 cho thấy mức chi tiêu trung bình của người VN trong dịp tết khoảng 14,2 triệu đồng, bằng 4 tháng thu nhập trung bình.

 

Người Việt bạo chi dịp tết

 

Khảo sát do Công ty TNS tiến hành trong tháng đầu năm 2016 cho thấy mức chi tiêu trung bình của người VN trong dịp tết khoảng 14,2 triệu đồng, bằng 4 tháng thu nhập trung bình.





Thị trường bánh mứt sôi động trong dịp tết - Ảnh: D.Đ.M

Thị trường bánh mứt sôi động trong dịp tết – Ảnh: D.Đ.M


Con số này còn gây nhiều tranh cãi nhưng cũng cho thấy tết luôn là kỳ nghỉ đặc biệt nhất trong năm của người dân VN và rất nhiều người sẵn sàng “vung tay” trong dịp này.
Tàu xe kẹt cứng, bánh kẹo tăng sản lượng
Theo TNS, đa số người tiêu dùng đều có kế hoạch nâng mức chi tiêu vào dịp tết vừa qua. Các chi phí chủ yếu trong chi tiêu dịp tết của người VN là giá vé tàu xe. Bên cạnh đó, chi phí dành cho mua sắm các vật dụng gia đình như thực phẩm, đồ uống và quần áo mới dành cho các thành viên trong gia đình cũng tăng mạnh. Tết cũng là dịp nhu cầu tiền mặt tăng mạnh, do phong tục lì xì gia đình và bạn bè.
Theo ước tính không đầy đủ, tết là dịp để hàng chục triệu người Việt khắp nơi trên đất nước di chuyển về các vùng miền để sum họp gia đình. Vì vậy nhu cầu đi lại tăng vọt và cứ năm sau lại tăng hơn năm trước.
Từ hàng không đến đường sắt, đường bộ đều tăng chuyến tối đa. Điều này khiến vé xe tăng từ 20 – 60%. Riêng ngành đường sắt đợt cao điểm vừa qua cũng phục vụ cho gần 1 triệu lượt hành khách và đạt doanh thu gần 393 tỉ đồng, tăng 18,35% so với cùng kỳ năm trước đó.
Tương tự, Cục Hàng không VN cho biết chỉ trong 9 ngày cao điểm đã có gần 2 triệu hành khách đi máy bay thông qua các cảng hàng không VN, tăng 21,2% so với năm trước đó. Còn trong lĩnh vực tiêu dùng, thực phẩm, các đơn vị sản xuất kinh doanh bánh kẹo đều cho biết tăng khoảng 20% sản lượng so với tết năm 2015. Ước tính TP.HCM tiêu thụ khoảng 18.000 tấn bánh kẹo.
Sở Công thương Hà Nội thì dự kiến tổng lượng hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 15.000 tỉ đồng. Riêng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bánh mứt kẹo đưa ra thị trường khoảng trên 30.000 tấn hàng hoá, tương đương khoảng 2.500 tỉ đồng… Thậm chí, theo trưởng phòng thẻ một ngân hàng, chủ thẻ tín dụng VN chi tiêu bình quân trong năm 2015 cũng bạo tay hơn. Trong khi chủ thẻ người nước ngoài trung bình chỉ tiêu 40 – 50 USD/lần thì chủ thẻ VN chi tiêu đến 130 USD/lần. “Người VN xài sang hơn nhiều”, vị trưởng phòng này nhận xét.
Theo Tổng cục Thống kê, tháng đầu năm 2016 vừa qua là tháng giáp Tết Nguyên đán nên nhu cầu mua sắm hàng hoá và tiêu dùng của người dân tăng lên. Tổng mức bán lẻ hàng hoá tháng 1.2016 đạt 226.600 tỉ đồng, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó sản phẩm may mặc có mức tăng cao nhất là 6,2% so với tháng trước; lương thực, thực phẩm tăng 5,6%. Bên cạnh đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong tháng cũng đạt 35.100 tỉ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Bằng 4 tháng thu nhập bình quân
Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người của VN trong năm 2015 đạt khoảng 45,7 triệu đồng/năm, tương đương 3,8 triệu đồng/tháng. Như vậy theo khảo sát của TNS thì mỗi người Việt đã chi cho cái tết gần bằng 4 tháng thu nhập bình quân. Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn nhận xét, mức chi tiêu bình quân 14 triệu đồng cho dịp tết là không cao và cũng không xa xỉ. Bởi sau một năm chắt bóp, tiết kiệm, người dân VN có thói quen mua sắm, chi tiêu nhiều thứ cho năm mới. Từ sắm quần áo mới, đồ dùng cá nhân, quà cáp cho người thân, bạn bè, trang hoàng nhà cửa, đi lại thăm viếng… hầu như tất tần tật chỉ trong một dịp lễ. Đó là chưa kể có những người chi tiêu cho những chuyến du lịch ngoài nước, ít thì trong khu vực Đông Nam Á, châu Á, sang hơn thì nghỉ dưỡng ở châu Âu, Bắc Mỹ…
“Chẳng hạn một chuyến đi chơi gần 4 – 5 ngày đến Thái Lan ở khách sạn 5 sao đã tốn 10 triệu đồng/người, mà người dân VN có truyền thống đi cùng chồng con, bố mẹ, thì cũng đã chi tiêu ít nhất 50 triệu đồng, đó là chưa kể chi phí mua sắm, vui chơi. Hơn nữa, người Việt được cho là mạnh tay chi tiêu nên số tiền theo thống kê cũng không lạ”, chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn nói.
Tuy nhiên, với chuyên gia Cao Sỹ Kiêm, mức chi tiêu hơn 14 triệu đồng là hơi quá mức cho nhiều người dân, nhất là so với GDP bình quân đầu người 2015 ở mức 2.110 USD của VN. “Thật ra, tiết kiệm quá thì không ra một cái tết. Số tiền chi tiêu đó nếu so với đời sống thực tế thì cũng chưa phải là lãng phí, nhưng mức chi tiêu này sẽ khiến nhiều gia đình giật gấu vá vai sau tết chứ không phải đùa”, ông Cao Sỹ Kiêm nhận định.
Xu hướng tiết kiệm nhất thế giới
Trong khi đó, theo Báo cáo nghiên cứu về hành vi tiêu dùng quý 4/2015 do Công ty nghiên cứu Nielsen vừa công bố, 79% người Việt được khảo sát cho biết sẽ dùng tiền nhàn rỗi để tiết kiệm, cao hơn nhiều so với các nước khác như Thái Lan (60%), Singapore (64%).
Tinh thần tiết kiệm của người Việt cũng cao hơn hẳn so với châu Âu và Bắc Mỹ với kết quả khảo sát cho thấy con số lần lượt là 36% và 45%. Ngoài tiết kiệm, người tiêu dùng VN thường dùng tiền nhàn rỗi để mua sắm và giải trí, trong khi hành vi phổ biến ở nhiều nước là để trả nợ hoặc mang đi đầu tư.
Cụ thể, có tới 44% người Việt được khảo sát dùng tiền nhàn rỗi vào việc đi du lịch và mua sắm quần áo mới, 38% mua sắm các sản phẩm công nghệ mới. Tỷ lệ dùng vào trang trí nhà cửa đạt 40%, trong khi chi tiêu cho các hoạt động giải trí là 37%.

M.Phương – H.Sương