26/12/2024

Lãng phí do xét nghiệm trùng lặp

Ngày 1-3, viện phí sẽ tăng cao. Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội VN, chi phí xét nghiệm và chụp chiếu chẩn đoán đang chiếm xấp xỉ 20%/tổng chi phí khám chữa bệnh.

Ngày 1-3, viện phí sẽ tăng cao. Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội VN, chi phí xét nghiệm và chụp chiếu chẩn đoán đang chiếm xấp xỉ 20%/tổng chi phí khám chữa bệnh. 

 

 

 

Lãng phí do xét nghiệm trùng lặp
Khi chuyển mẹ từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận (tỉnh Bình Thuận) vào Bệnh viện Chợ Rẫy, bà Lê Thị Tư phải đưa mẹ đi khám và xét nghiệm lại toàn bộ theo hướng dẫn của bác sĩ – Ảnh: Tiến Long

 

 

Chi phí xét nghiệm và chụp chiếu chẩn đoán đang chiếm xấp xỉ 20%/tổng chi phí khám chữa bệnh, nhưng trên thực tế có nhiều bệnh viện không công nhận kết quả của nhau, dẫn tới tốn kém cho cả người bệnh lẫn xã hội.

Cách đây hơn một tháng, ông Lê Văn Chúc (72 tuổi) đến khám lần 2 tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội). Ông Chúc bị đau xương, hôm 
31-12-2015 đã khám và làm đủ xét nghiệm tại Bệnh viện Xanh Pôn, được bác sĩ kê thuốc điều trị nhưng bệnh tình không giảm. Khi tới khám lần 2, ông Chúc vẫn bị bệnh viện yêu cầu xét nghiệm, chụp chiếu lại từ đầu.

Đúng lúc gặp đoàn kiểm tra do ông Phạm Văn Tác, vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), dẫn đầu đến kiểm tra tại Bệnh viện Xanh Pôn, ông Chúc phàn nàn.

Theo ông Phạm Văn Tác, yêu cầu bệnh nhân mới làm đủ xét nghiệm và chụp chiếu nửa tháng trước nay làm lại đầy đủ xét nghiệm tại cùng bệnh viện là cứng nhắc, gây tốn kém tiền bạc và thời gian cho bệnh nhân. Việc này không phải chỉ có ở Bệnh viện Xanh Pôn mà đang diễn ra khá phổ biến ở rất nhiều bệnh viện khác.

Làm lại toàn bộ

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy 
(TP.HCM) hầu hết bệnh nhân cho biết khi chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên họ đều phải khám lại toàn bộ. Sáng 2-2, bà Lê Thị Tư (quê Bình Thuận) làm thủ tục thanh toán tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Trước đó bà đưa mẹ vào khám tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận (tỉnh Bình Thuận). Bác sĩ ở đây cho mẹ bà Tư chụp XQ, siêu âm, xét nghiệm máu và nước tiểu. Kết quả bác sĩ chẩn đoán mẹ bà bị sỏi thận trái, thận bị ứ nước nhiễm trùng và chuyển ngay vào Bệnh viện Chợ Rẫy.

Trước khi mổ, bác sĩ lại hướng dẫn bà Tư đưa mẹ đi khám lại toàn bộ, bao gồm chụp CT, điện tâm đồ, xét nghiệm máu, chụp XQ bụng và phổi. Khám ngoài quê, mẹ bà Tư có bảo hiểm y tế nên không tốn tiền.

Khi vào Chợ Rẫy thì do bảo hiểm viết sai năm sinh nên bà Tư phải đóng toàn bộ chi phí hết gần 10 triệu đồng. “Vào bệnh viện bác sĩ hướng dẫn sao làm vậy. Tốn tiền hai ba lần khám nhưng bịnh thì phải chịu chứ sao” – bà Tư chia sẻ.

Tương tự, anh Đào Phương Bình (H.Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) cho biết tháng 9-2015 anh đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tháp Mười. Bác sĩ cho anh siêu âm và chẩn đoán anh bị hở van tim rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp.

Tại đây, anh lại được các bác sĩ cho siêu âm, đo điện tim, chụp XQ. Kết quả giống với chẩn đoán của bệnh viện huyện. Tiếp tục chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy, anh Bình lại được yêu cầu khám lại từ đầu. “Trước giờ đi khám, bệnh viện nào cũng thấy người ta khám lại từ đầu chứ có sử dụng kết quả khám trước đâu” – anh Bình nói.

Cuối tháng 1 vừa qua, chị L.T.H. ở Thái Bình được chuyển tuyến đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Chị được tuyến dưới chẩn đoán bị áp xe gan, tràn dịch màng phổi và điều trị tại bệnh viện tỉnh được 11 ngày, nhưng khi lên tới Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ vẫn chỉ định làm lại tất cả các xét nghiệm như ban đầu, bao gồm: xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm, chụp X-quang…

Kết quả chẩn đoán cho biết chị H. bị tràn dịch màng phổi, trong khi kết luận của tuyến dưới là chị H. bị áp xe gan. Chỉ đến khi chị H. kêu đau nhiều, yêu cầu bác sĩ khám kỹ vùng gan, chị H. mới được cho chụp cộng hưởng từ, từ đó mới kết luận chị H. bị áp xe gan, y như kết quả ban đầu tại bệnh viện tuyến tỉnh.

Chị H. cho biết khi lên bệnh viện tuyến trên, ngoài việc làm đủ các xét nghiệm như ở bệnh viện tỉnh, chị còn được yêu cầu chụp vú và nội soi thực quản, dù chị H. kêu đau ở vùng gan. “Tôi thấy không cần thiết, không đồng ý làm thêm các dịch vụ này”, chị H. nói.

Vì không làm theo chỉ định, phía bệnh viện buộc chị H. phải ký vào giấy cam kết tự chịu trách nhiệm nếu như có xảy ra vấn đề liên quan đến kết quả chẩn đoán.

Chị H. bộc bạch: “Đành rằng xét nghiệm, tầm soát là không thừa nhưng trong lúc tôi bị đau vùng gan, có kết quả bị áp xe gan mà bác sĩ lại không khám kỹ cho tôi lại yêu cầu làm các xét nghiệm khác thì thật sự lãng phí”.

Chưa tin tưởng nhau

Theo ông Tạ Thành Văn – phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội kiêm trưởng khoa xét nghiệm Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, tuy không có quy định công nhận hay không công nhận xét nghiệm của bệnh viện nào, nhưng Bệnh viện ĐH Y Hà Nội có một “quy định bất thành văn” là bác sĩ nhìn kết quả xét nghiệm, so sánh với tình trạng lâm sàng của bệnh nhân, xem có gì nghi ngờ hay không và có nghi ngờ thì cho làm lại.

Với những xét nghiệm là của các bệnh viện uy tín, thương hiệu như Bạch Mai, Việt Đức, hay các phòng xét nghiệm đã được kiểm chuẩn rất tin tưởng, nhưng ông Văn cũng cho rằng rất khó để quy định cứng nhắc bệnh viện nào thì công nhận xét nghiệm, bệnh viện nào thì không.

Trong cuộc kiểm tra của Bộ Y tế tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư gần đây, các sản phụ cho biết thời gian chờ đến lượt siêu âm thường từ hai giờ trở lên, xét nghiệm chờ thêm hai giờ nữa. Muốn lấy được đơn thuốc và nghe được chẩn đoán dặn dò của bác sĩ, thường phải đến bệnh viện từ sáng sớm và mất nguyên ngày để chờ đợi.

“Bộ Y tế nên sớm đánh giá, kiểm chuẩn chất lượng phòng xét nghiệm và có quy định bệnh viện tuyến nào thì công nhận xét nghiệm lẫn nhau, loại bệnh lý nào thì khi chuyển tuyến không phải làm lại loại xét nghiệm cụ thể trong danh mục xét nghiệm, chụp chiếu nói chung” – chị Linh, một sản phụ, đề nghị.

TS.BS Nguyễn Trường Sơn – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM – cho biết bệnh nhân xét nghiệm từ các bệnh viện khác đến Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn phải làm lại vì một số xét nghiệm chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định.

Ngoài ra, hệ thống kiểm chuẩn trong nước chưa đánh giá, phân loại được tất cả các phòng xét nghiệm của các bệnh viện (theo loại A, B, C, D, E) như ở nước ngoài, nên chưa thể tin tưởng vào những kết quả xét nghiệm từ bệnh viện khác.

Theo ông Sơn, tại Việt Nam những phòng xét nghiệm đạt ISO15189 là đáng tin cậy nhất. Riêng Bệnh viện Chợ Rẫy có bốn labour đạt được tiêu chuẩn này nên chỉ khi bệnh nhân từng xét nghiệm tại các cơ sở y tế có phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn tương đương bệnh viện thì bệnh viện mới có thể chấp nhận kết quả.

Với những kết quả chụp X-quang, CT scanner, MRI… từ những bệnh viện khác trong TP, Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn chấp nhận với điều kiện những dữ liệu đó phải đáp ứng được đúng với chẩn đoán của bệnh viện.

Theo TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh – phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cơ bản là Bệnh viện Ung bướu sẽ không phải làm lại những xét nghiệm hình ảnh như CT scanner, MRI mà những nơi khác làm rồi. Nhưng có thể có những bệnh nhân phải làm lại xét nghiệm máu nếu thấy cần thiết.

Cụ thể, có những bệnh nhân được làm xét nghiệm máu kiểm tra chức năng thận, gan trước đó hai tuần tại một cơ sở y tế nào đó thì các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân làm lại, nhất là đối với bệnh nhân cần phẫu thuật. Đây là chỉ định về mặt chuyên môn chứ không phải bệnh viện không tin xét nghiệm của các cơ sở khác.

TS Quốc Thịnh cũng thừa nhận trong thực tế có những bác sĩ dù bệnh nhân đã có những kết quả xét nghiệm đáng tin cậy trước đó, nhưng theo thói quen vẫn tiếp tục chỉ định những xét nghiệm.

Trong các cuộc họp giao ban của Bệnh viện Ung bướu, ban giám đốc bệnh viện thường xuyên nhắc các bác sĩ đừng bắt bệnh nhân phải làm lại những xét nghiệm từng làm trước đó nhưng có bác sĩ lý luận kết quả xét nghiệm trước đó không rõ nên phải cho bệnh nhân làm lại, ban giám đốc cũng không thể đưa những trường hợp đó ra để phân giải ai đúng ai sai.

TS.BS Quốc Thịnh cho rằng tình trạng không công nhận xét nghiệm của bệnh viện trước đó không chỉ khó cho người dân mà cả Nhà nước (BHYT phải chi trả). Ngành y tế nên đưa ra một chuẩn hoá về những cơ sở y tế nào được công nhận xét nghiệm của nhau.

Lãng phí do xét nghiệm trùng lặp
Chị Huỳnh Thị Mai (trái, quê Bình Phước) cho biết dù đã có kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện Bình Phước nhưng khi khám ở Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM, các bác sĩ vẫn yêu cầu làm xét nghiệm lại và phải chờ rất lâu mới có kết quả – Ảnh: Hữu Khoa

Không thể nói là làm ngay được

Ông Nguyễn Trọng Khoa – phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế – cho biết nếu muốn công nhận xét nghiệm giữa các bệnh viện thì phòng xét nghiệm phải chính xác, đạt chứng chỉ, có cơ sở chuẩn đánh giá và công nhận.

Hiện nay nhiều phòng xét nghiệm ở VN đang áp dụng ISO 15189, coi như một “chuẩn” với phòng xét nghiệm, nhưng mới có trên 40/3.000 phòng xét nghiệm ở VN đạt tiêu chuẩn này.

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, hiện tại VN có ba trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm, một đặt tại Hà Nội và hai đặt tại TP.HCM. Theo báo cáo gần nhất (năm 2015), khảo sát tại 71 bệnh viện khu vực phía Bắc, vẫn còn 5% cơ sở xét nghiệm chỉ có 
40-60% kết quả “chấp nhận được”.

“Nếu yêu cầu tất cả các phòng xét nghiệm đều đạt ISO 15189 thì không khả thi, Bộ Y tế đang nghiên cứu bảng tiêu chuẩn xét nghiệm của Tổ chức Y tế thế giới, bảng này có 5 cấp và đạt mức càng cao thì độ tin cậy càng nhiều” – ông Khoa cho biết.

Trả lời Tuổi Trẻ về sự chậm trễ trong ban hành các quy định để bệnh viện có thể công nhận xét nghiệm lẫn nhau, ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết năm năm vừa qua, Bộ Y tế đã làm được nhiều việc để đến công nhận xét nghiệm lẫn nhau giữa các bệnh viện.

Bộ ra được thông tư 01 hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng xét nghiệm, thành lập được ba trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm triển khai chương trình ngoại kiểm cho các phòng xét nghiệm, triển khai đào tạo quản lý chất lượng xét nghiệm…

Những hoạt động này nâng cao chất lượng xét nghiệm. Tuy nhiên, hiện các bệnh viện cùng tuyến, kể cả tuyến T.Ư vẫn chưa công nhận xét nghiệm lẫn nhau. Điều này khiến người bệnh tốn nhiều thời gian và chịu tốn kém.

“Thật ra, nhiều hoạt động để tiến tới công nhận xét nghiệm được tiến hành từ lâu, nhưng không phải nói là làm được ngay, có nhiều cái phải làm từng bước. Chương trình hành động có rồi, kiểm soát được ngày càng nhiều hơn kết quả xét nghiệm và sẽ đến lúc nào đó kiểm soát được tất cả, không đơn thuần là chất lượng xét nghiệm mà còn xây dựng hướng dẫn chẩn đoán điều trị.

“Thời gian qua có hàng chục hướng dẫn chẩn đoán điều trị được xây dựng và công bố…” – ông Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh.

Ông Khoa còn cho biết Bộ Y tế đang có trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế Thái Lan để học hỏi kinh nghiệm của họ trong chuẩn hóa chất lượng xét nghiệm. Gần đây, phim cộng hưởng từ, CT scanner và những xét nghiệm nào phù hợp với tình trạng lâm sàng của bệnh nhân, xét nghiệm được thực hiện ở phòng xét nghiệm đã kiểm chuẩn đều được các bệnh viện công nhận lẫn nhau.

Thu nhập của bệnh viện

Bác sĩ Phan Thanh Hải – chủ tịch Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM – nhận xét từ lâu rồi vẫn xảy ra tình trạng bệnh nhân có kết quả xét nghiệm ở bệnh viện này nhưng đến bệnh viện khác khám lại không được chấp nhận. Đơn vị y tế này không tôn trọng kết quả xét nghiệm của những đơn vị khác bởi nhiều lý do như thói quen hoặc muốn chỉ định xét nghiệm lại cho bệnh viện có thu nhập…

Bác sĩ Phan Thanh Hải cho rằng ngành y tế phải ra những quy chế rõ ràng về việc các đơn vị công nhận những xét nghiệm của nhau. Quy chế này sẽ ngăn ngừa được thói quen của nhiều bác sĩ là khi khám bệnh cứ “rẹc rẹc” chỉ định xét nghiệm mà không cần tham khảo ý kiến của những kết quả trước đó. Nếu làm được việc đó sẽ tiết kiệm vô cùng.

Ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết đề án về cải thiện chất lượng xét nghiệm cũng đang được đệ trình Chính phủ xem xét. Hiện các bệnh viện đều đang công nhận phim chụp cộng hưởng từ của các trung tâm khác nhau, nhưng các xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm… thì hầu như đều phải làm lại.

So với các loại dịch vụ y tế khác thì dịch vụ xét nghiệm, chụp chiếu chẩn đoán thuộc nhóm dịch vụ có lãi, nhà đầu tư vào đặt máy, bán hoá chất rất nhiều, cả bệnh viện và nhà đầu tư đều trông chờ vào xét nghiệm, chụp chiếu để tăng nguồn thu.

Như ở Bệnh viện Bạch Mai, 100% máy xét nghiệm sinh hoá, máy chụp cộng hưởng từ… đều của các nhà đầu tư bên ngoài đặt và hợp tác kinh doanh với bệnh viện. Xu thế xã hội hoá sẽ còn tiếp tục mở rộng và sẽ rất khó hạn chế chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu nếu không có quy chế rõ về công nhận xét nghiệm lẫn nhau giữa các bệnh viện.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia nói: “Ở những quốc gia phát triển mà chúng tôi từng đến, mỗi thành phố chỉ có một số trung tâm xét nghiệm làm 24/24 giờ và phục vụ cho toàn bộ các bệnh viện.

Nước ta thì bệnh viện nào cũng có khoa xét nghiệm và khi kiểm tra đều có sai sót, chưa kể máy móc, hoá chất và nhân lực đều chưa đồng bộ, có nơi sử dụng y tá làm kỹ thuật viên xét nghiệm dẫn đến kết quả xét nghiệm có sai lệch.

Nhưng nếu tập trung lại thành trung tâm như ở nước ngoài thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều lãnh đạo bệnh viện, ảnh hưởng đến lợi nhuận từ dịch vụ xét nghiệm, bệnh viện sẽ không chịu”.

Tất cả các xét nghiệm tại Mỹ đều được bảo hiểm y tế chi trả. Các đơn vị đều có quyền cho xét nghiệm lại nhưng phải chứng minh xét nghiệm cho làm lại có kết quả hợp lý với quyết định làm lại. Kết quả làm lại đó phải khác so với kết quả trước đó thì mới được bảo hiểm y tế chi trả.

Còn tình trạng các bệnh viện hiện nay tại Việt Nam không công nhận các xét nghiệm của nhau sẽ gây ra một sự lãng phí rất lớn. Nhiều người bệnh khi được bác sĩ yêu cầu làm xét nghiệm lại cũng phải “bấm bụng” làm nhưng việc thực hiện xét nghiệm lại nếu không cần thiết sẽ vừa tốn máu, vừa tốn tiền, vừa tốn thời gian của người bệnh.

Nhờ xét nghiệm lại mà được cứu sống

Cũng có trường hợp nhờ xét nghiệm lại mới phát hiện đúng bệnh. Năm năm trôi qua nhưng ông Lâm Khải Hồ (Bạc Liêu) vẫn chưa quên lần suýt chết do bác sĩ chẩn đoán sai. Ông Khải Hồ cho biết đầu năm 2011 ông có triệu chứng đau quặn ở ruột.

Khi đến Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu để khám, bác sĩ ở đây nội soi và chẩn đoán ông bị bệnh bao tử. Nằm điều trị gần một tuần, thấy cơn đau ngày càng nặng nên gia đình quyết định chuyển ông lên ngay Bệnh viện Chợ Rẫy.

Sau khi chụp CT, X-quang, siêu âm và xét nghiệm máu, bác sĩ cho biết ông bị ung thư trực tràng giai đoạn cuối. Nhờ mổ gấp ông mới được cứu sống. Hiện ông Khải Hồ vẫn đều đặn hằng tháng lên TP.HCM để tái khám.


LAN ANH – QUỲNH LIÊN – THUỲ DƯƠNG – TIẾN LONG