25/12/2024

Giới công nghệ Mỹ tuyên chiến với FBI

Các hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ như Google, Facebook, Twitter… mới đây lên tiếng ủng hộ Hãng Apple trong cuộc chiến “bảo mật hay không bảo mật” với Chính phủ Mỹ.

 

Giới công nghệ Mỹ tuyên chiến với FBI

 

 

Các hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ như Google, Facebook, Twitter… mới đây lên tiếng ủng hộ Hãng Apple trong cuộc chiến “bảo mật hay không bảo mật” với Chính phủ Mỹ.

 

 

 

 

Giới công nghệ Mỹ tuyên chiến với FBI
Cuộc đối đầu thú vị giữa giám đốc FBI James Comey với lãnh đạo Apple Tim Cook – Ảnh: Reuters

 

 

Sự tình bắt đầu từ việc một tòa án Mỹ ra phán quyết buộc Hãng Apple phải giúp các nhà điều tra xâm nhập chiếc điện thoại iPhone của một trong những kẻ tham gia vụ thảm sát ở San Bernardino (California).

Vấn đề là Apple và các hãng công nghệ Mỹ cho rằng hành động này sẽ tạo tiền lệ xấu cho việc xâm phạm quyền riêng tư của người dùng.

“Chúng tôi đứng về phía Tim Cook và Apple” – giám đốc điều hành Twitter, ông Jack Dorsey bày tỏ lập trường giữa các tiếng nói ủng hộ khác. Apple có thời hạn đến thứ ba tuần sau để kháng án. Giới quan sát nhận định trận chiến pháp lý này có thể quyết định ai – các hãng công nghệ hay Chính phủ Mỹ – sẽ là người có tiếng nói cuối cùng về mức độ bảo mật của các thiết bị như điện thoại thông minh.

Vụ kiện này sẽ ảnh hưởng đến sự riêng tư và an toàn của tất cả mọi người trên thế giới

LEE TIEN (luật sư 
về công nghệ tại 
San Francisco)

Bảo mật làm nên 
thương hiệu

Nhưng trước hết cần phải nhấn mạnh vụ việc này có ý nghĩa đối với Apple nhiều hơn các hãng công nghệ khác. Nhà điều hành Tim Cook đã bỏ công sức hai năm qua để biến “sự riêng tư” thành yếu tố cốt lõi của thương hiệu Apple.

Google hay Facebook thì ngược lại, các công nghệ như thực tế ảo, nhận diện gương mặt, xe tự hành (niềm tự hào của Google)… và đặc biệt là quảng cáo điện tử lại xoay quanh kỹ thuật “thu thập càng nhiều dữ liệu người dùng càng tốt” để nâng cao khả năng vận hành.

Không giỏi thu thập dữ liệu như Google, Apple biến điểm yếu này thành sức mạnh có tên gọi “bảo mật”.

Nếu Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) thành công trong việc buộc Apple phá khóa chiếc iPhone, đây sẽ là đòn giáng mạnh vào quân bài chủ lực của hãng.

Theo tạp chí Foreign Policy, Google gần như “không có gì để mất” từ cuộc chiến pháp lý trước mắt bởi hầu hết mẫu điện thoại Android không có tính bảo mật cao như iPhone, cũng đồng nghĩa FBI có thể tự xâm nhập mà chẳng cần đến sự giúp đỡ!

Trong khi Apple phản đối quyết liệt ngay khi có phán quyết của toà án, việc các hãng công nghệ khác “từ từ” suy nghĩ hoặc phản đối một cách “nhẹ nhàng” đã nói lên sự khác biệt về lợi ích. Bởi vậy, việc Google, Facebook, Twitter… lên tiếng vào thời điểm vài ngày trước hạn chót kháng án của Apple có lẽ mang tính “động viên” nhiều hơn.

Nói thêm về vụ án, chính quyền Mỹ thật ra không yêu cầu Apple giúp phá bộ mã hoá của điện thoại iPhone một cách trực tiếp. Họ yêu cầu hãng tắt một số biện pháp an ninh giúp ngăn chặn các nỗ lực phá mật khẩu từ bên ngoài.

Dù nhà chức trách “hứa” chỉ phá mỗi chiếc điện thoại của kẻ khủng bố, giám đốc Tim Cook tranh cãi rằng một khi công cụ đó được tạo ra, “nó có thể được tiếp tục sử dụng trên vô số thiết bị khác”.

Thế giới thật 
hay thế giới ảo?

Trong thông cáo đưa ra cuối ngày 18-2 (giờ Mỹ), Tập đoàn Facebook một mặt lên án chủ nghĩa khủng bố và ủng hộ cơ quan bảo vệ pháp luật, nhưng mặt khác hãng này tuyên bố sẽ “chiến đấu quyết liệt” chống lại yêu cầu (từ chính phủ) bắt các doanh nghiệp tự làm suy yếu an ninh các hệ thống của họ.

“Những đòi hỏi này sẽ tạo ra một tiền lệ xấu và ngăn chặn nỗ lực của các công ty giữ an toàn cho sản phẩm của mình”, thông cáo viết. “Thứ cần phải bảo vệ” bởi những hàng rào an ninh là thông tin cá nhân của người dùng. Câu hỏi đặt ra là ưu tiên nên được đặt vào đâu, chống tin tặc trong không gian ảo hay những kẻ cầm súng ngoài đời?

Có hai luồng ý kiến về vấn đề này tại Mỹ, một bên ra mặt phản đối hành động theo dõi của chính phủ, một bên cho rằng công tác chống khủng bố nên được ưu tiên.

Chính quyền Tổng thống Barack Obama gần đây phải viện đến sự trợ giúp từ giới công nghệ trong cuộc chiến thông tin với khủng bố. Một số đã hợp tác nhưng Apple không nằm trong số đó. FBI lo ngại những tên tội phạm và khủng bố có thể lợi dụng hàng rào bảo mật của Apple để che chắn các hoạt động của chúng.

Trung tâm Vì dân chủ và công nghệ có trụ sở tại Washington chỉ trích yêu sách của chính quyền: “Việc này chẳng khác nào yêu cầu một công ty đưa thiết kế lỗi vào sản phẩm của họ”.

Một số khác quan ngại chiến thắng của chính quyền Mỹ trong vụ kiện này sẽ khuyến khích nhiều nước khác, trong đó có Trung Quốc, đưa ra những yêu cầu tương tự. Apple bán được hàng triệu điện thoại iPhone tại Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai của hãng.

Người dân không thích bị theo dõi

Trong số những khách hàng của Apple cũng có những người xem trọng vấn đề an ninh quốc gia hơn dữ liệu cá nhân.

Một cuộc thăm dò gần đây của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy có 82% người trưởng thành tại Mỹ đánh giá việc chính phủ theo dõi những kẻ tình nghi khủng bố là “chấp nhận được”.

Nhưng đề cập chuyện công dân Mỹ bị theo dõi thì chỉ có 40% gật đầu, gần 75% cho rằng nhu cầu kiểm soát những ai thu thập thông tin cá nhân của họ là “rất quan trọng”.

MINH TRUNG