26/12/2024

Bẻ được chân “cò” nhờ trồng lúa theo hợp đồng

Bước vào đầu năm mới, hàng ngàn nông dân tham gia “cánh đồng lớn” ở Tiền Giang rất yên tâm khi sản phẩm của mình làm ra đã được mua hết theo hợp đồng đã ký.

 

Bẻ được chân “cò” nhờ trồng lúa theo hợp đồng

Bước vào đầu năm mới, hàng ngàn nông dân tham gia “cánh đồng lớn” ở Tiền Giang rất yên tâm khi sản phẩm của mình làm ra đã được mua hết theo hợp đồng đã ký.

 

Bẻ được chân "cò" nhờ trồng lúa theo hợp đồng
Thu hoạch lúa thơm trên cánh đồng lớn ở xã Hậu Mỹ Trinh – Ảnh: Thanh Tú

Dù mô hình “cánh đồng lớn” không phải là mới nhưng đây là năm đầu tiên Tiền Giang triển khai một cách dài hơi – doanh nghiệp xuất khẩu gạo ký hợp đồng mua lúa với nông dân đến năm năm 
(2016-2020) – chứ không phải theo mùa như các địa phương khác.

Vắng bóng “cò”

Ngay sau mấy ngày nghỉ tết, nhiều nông dân trồng lúa hợp đồng cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo theo mô hình “cánh đồng lớn” ở xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè (Tiền Giang) bắt đầu thu 
hoạch lúa.

Cho dù năm nay sản lượng lúa thu hoạch không trúng bằng năm rồi, nhưng nhờ có ký hợp đồng bao tiêu với Công ty Lương thực Tiền Giang nên toàn bộ lúa thu hoạch đã được bán hết ngay bờ ruộng. Nỗi lo bị “cò” và thương lái ép giá đã không còn nên người dân 
rất vui.

Ông Sáu Đoàn – xã viên Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Mỹ Trinh, xã Hậu Mỹ Trinh – hồ hởi:

“Hàng năm cứ vào thời điểm thu hoạch lúa, nông dân chúng tôi nháo nhào tìm thương lái để bán. Đến sát ngày thu hoạch mới thấy “cò” lúa xuất hiện. Họ muốn mua bao nhiêu thì bán bấy nhiêu chứ đâu có đòi hỏi gì được. Năm nay nhờ tham gia “cánh đồng lớn” nên bán lúa được ngay với giá 4.750 đồng/kg. Thiệt là mừng quá”.

Ông Lê Văn Tèo, phó giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Trinh, cho biết năm nay HTX tham gia mô hình “cánh đồng lớn” gần 500ha. Toàn bộ diện tích lúa này đều sử dụng giống Jasmine 85 do HTX ứng trước không tính lãi. Với năng suất bình quân khoảng 9 tấn/ha thì năm nay HTX cung ứng cho đơn vị đối tác là Công ty Lương thực Tiền Giang hơn 4.000 tấn lúa hàng hóa.

“Việc tham gia “cánh đồng lớn” trước mắt là giải quyết được tình trạng “được mùa mất giá hay lúa đầy đồng không ai mua” nên bà con nông dân rất vui” – ông Tèo nói.

Phương thức hợp tác làm theo mô hình cánh đồng lớn tại Tiền Giang là HTX mua giống xác nhận theo yêu cầu của doanh nghiệp thu mua lúa. Nông dân trồng lúa theo hướng dẫn kỹ thuật của doanh nghiệp, doanh nghiệp mua toàn bộ lúa cho nông dân. Còn về lâu dài, HTX sẽ cùng xã viên hướng tới phương thức canh tác lúa sạch để bán được giá cao hơn.

Tương tự, trên các “cánh đồng lớn” khác của huyện Cai Lậy như Phú Cường, Phú Nhuận nhiều nông dân cũng rất phấn khởi khi toàn bộ sản lượng lúa thơm vừa thu hoạch đã bán được ngay.

Ông Đặng Văn Hùng, nông dân xã Phú Cường, vui vẻ cho biết nhờ tham gia “cánh đồng lớn” nên chẳng phải lo đầu ra như những năm trước. Lúa thơm 7347 của ông vừa cắt đã được Công ty TNHH Việt Hưng mua đúng với cam kết. Với ông, “vậy thì không có gì bằng”.

Việc các doanh nghiệp mua lúa của nông dân đúng với cam kết đã dẹp được nạn “cò” và thương lái nhỏ mua lúa ép giá nông dân gần như không còn đất sống tại các “cánh đồng lớn” này.

Cam kết lâu dài

Ông Lê Thanh Khiêm, phó giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, cho biết doanh nghiệp là đơn vị đầu tiên ở ĐBSCL thực hiện cam kết ký hợp đồng mua lúa dài hơi năm năm (2016-2020) trong việc triển khai “cánh đồng lớn” cho nông dân.

Cam kết này được UBND tỉnh ra quyết định, do đó công ty đã chuẩn bị đầy đủ các phương án linh hoạt, giải pháp hiệu quả để ứng dụng, ứng phó, xử lý các tình huống sao cho mô hình này được thực hiện lâu dài chứ không phải một ngày một bữa.

Trong phương án của mình, vụ đông xuân 2015-2016 công ty đã ký hợp đồng sản xuất và bao tiêu với nông dân trên diện tích 2.566ha.

Đến năm 2020 sẽ tăng lên 66.200ha. Ngoài việc phối hợp với các công ty, tập đoàn sản xuất lớn, có uy tín để cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu… và hướng dẫn quy trình canh tác như Công ty cổ phần tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH hóa nông Hợp Trí, Công ty TNHH Bayer Việt Nam, Công ty CP Khử trùng Việt Nam, 
Viện Lúa ĐBSCL…

Cũng theo ông Khiêm, ngoài các nhóm giải pháp nêu trên, công ty cũng đã đầu tư từng bước với mô hình sản xuất lúa có kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu nhằm đón đầu các thị trường khó tính trong khối TPP.

Đây cũng là một hướng mở mới nhằm tiếp cận với thị trường đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao và dĩ nhiên giá bán cũng cao, từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân.

Riêng vụ đông xuân này, công ty đã triển khai thí điểm 606ha lúa thơm Jasmine có kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu. Nông dân tham gia mô hình này ngoài chuyện được hỗ trợ kỹ thuật, phân, thuốc… khi thu hoạch sẽ được trả thêm 
100 đồng/kg lúa.

“Ngoài các chính sách đã cam kết, hỗ trợ nông dân sản xuất – bao tiêu, Công ty Lương thực Tiền Giang còn thực hiện chính sách bảo hiểm về giá cho nông dân tham gia “cánh đồng lớn”.

Theo đó, mỗi vụ công ty sẽ lấy giá thành sản xuất (do cơ quan chức năng công bố) cộng với 30% để thành giá lúa cơ sở. Nếu giá thị trường thấp hơn giá cơ sở thì công ty vẫn mua bằng với giá cơ sở. Trong trường hợp giá lúa thị trường cao hơn giá cơ sở thì công ty sẽ mua theo giá thị trường” – ông Khiêm cho biết.

Ngoài Công ty Lương thực Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Đôn – giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng – cho biết năm nay công ty của ông cũng cam kết bao tiêu lúa cho 650ha ở ba xã Mỹ Trung (Cái Bè), Phú Nhuận và Phú Cường (Cai Lậy).

Tới đây, công ty sẽ tiếp tục cam kết hợp tác lâu dài với nông dân theo hướng nâng dần diện tích lúa thơm để phục vụ xuất khẩu nhằm giúp nông dân an tâm sản xuất, doanh nghiệp có lượng lúa ổn định để chế biến, xuất khẩu.

Ký hợp đồng liên kết 3.200ha

Theo ông Cao Văn Hóa – phó giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, vụ đông xuân 2015-2016 các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tham gia ký kết hợp đồng liên kết sản xuất với nông dân trên tổng diện tích hơn 3.200ha.

Trong đó nhiều nhất là Công ty Lương thực Tiền Giang với tổng diện tích 2.566ha, kế đến là Công ty TNHH Việt Hưng 650ha…