16/11/2024

Sài Gòn chuyện đời của phố: Tủ sách Tuổi Hoa

Hoa Đỏ, Hoa Tím, Hoa Xanh, những từ giản dị, không phải nói về những loại hoa nào đó mà là về một tủ sách, khi vang lên luôn nhắc nhớ về kỷ niệm hồi mới lớn của cả một thế hệ sống ở miền Nam trước 1975.

 

Sài Gòn chuyện đời của phố: Tủ sách Tuổi Hoa

 

Hoa Đỏ, Hoa Tím, Hoa Xanh, những từ giản dị, không phải nói về những loại hoa nào đó mà là về một tủ sách, khi vang lên luôn nhắc nhớ về kỷ niệm hồi mới lớn của cả một thế hệ sống ở miền Nam trước 1975.





Bìa tác phẩm trong tủ sách Tuổi Hoa

 

Bìa tác phẩm trong tủ sách Tuổi Hoa


Lớp độc giả miền Nam yêu thích tủ sách này, nay đã bước sang tuổi 50, 60 vẫn còn nhớ những cái tựa gợi cảm, mang đầy âm hưởng gây háo hức. Đó là Mật lệnh U đỏ, Chiếc lá thuộc bài, Khúc Nam Ai, Thiên Hương, Lữ quán giết người... và tên những tác giả Hoàng Đăng Cấp, Minh Quân, Bích Thuỷ, Kim Hài, Thuỳ An, Nguyễn Thái Hải… Khi tình cờ thấy lại được một cuốn sách cũ của tủ sách này, tất cả kỷ niệm đẹp đẽ như ùa về, cái thuở trong sáng đầy mơ ước hướng thiện.
Nhà xuất bản Tuổi Hoa với tủ sách Tuổi Hoa, chủ biên là ông Nguyễn Trường Sơn khai sinh, nuôi dưỡng và phát triển tủ sách này. Bước ban đầu, tủ sách này in vài quyển, “hình thức cố cho sạch sẽ, nội dung là để giải trí lành mạnh, các em tuổi 14 đến 16” (trả lời phỏng vấn của báo Bách Khoa).
Lúc đầu là sách của nhà văn Nguyễn Trường Sơn, cuốn Con tàu bí mật và sách của vài người bạn thân. Sau khi in được tám quyển đầu, tủ sách nhận được nhiều thư của các bậc phụ huynh khích lệ và được các độc giả nhỏ tuổi rất thích. Đến năm 1962, bán nguyệt san Tuổi Hoa được phép phát hành và sau đó Tủ sách Tuổi Hoa ra đời.
Tuy nhiên, lúc đầu tủ sách chỉ đủ sức cho ra rải rác một số quyển. Theo nhà văn Nguyễn Trường Sơn trả lời trên báo Bách Khoa, đến năm 1966 – 1967, được sự hỗ trợ và khuyến khích của nhà văn Minh Quân, tủ sách ra sách đều đặn hơn, trung bình mỗi tháng một cuốn. Lúc đầu, mỗi cuốn in 3.000 bản bán không hết, sau in tới 5.000 bản/cuốn và bán ngon lành. Giá bán từ 30 đồng, cao nhất là 60 đồng. Nhiều người lấy làm lạ vì số trang nhiều, in đẹp, bìa offsette tươi rói mà sao bán giá rẻ vậy. Tuy vậy, người hưởng lợi nhiều nhất là nhà phát hành hưởng chiết khấu tới 45%, không khác chi hiện nay.
Sài Gòn chuyện đời của phố: Tủ sách Tuổi Hoa - ảnh 1

Sách Tuổi Hoa chia làm ba loại: Hoa Đỏ, Hoa Xanh và Hoa Tím. Hoa Đỏ là loại sách trinh thám, phiêu lưu, mạo hiểm. Hoa Xanh thuộc loại tình cảm nhẹ nhàng. Hoa Tím đã xuất hiện tình cảm giữa nam nữ một cách trong sáng dành cho tuổi từ 16 đến 18. Biểu trưng của tủ sách là bông hoa tám cánh do hoạ sĩ Vi Vi vẽ. Nhà văn Nguyễn Trường Sơn tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, nên rất chú ý đến tính mỹ thuật của các ấn bản. Với “bút lực” của hoạ sĩ Vi Vi ngày càng phát triển, bìa các cuốn sách Tuổi Hoa ngày càng đẹp rực rỡ. Về nội dung, có sự hỗ trợ rất lớn của nhà văn Minh Quân từ việc quan trọng nhất là khai thác bản thảo, như giới thiệu nhà văn Nguyễn Hiến Lê viết cho tủ sách này (cuốn Bí mật dầu lửa) và mời một nhà phê bình kiếm hiệp viết truyện kiếm hiệp để “đả” loại kiếm hiệp hoang đường đang hoành hành lúc đó.
Lúc đầu, Tủ sách Tuổi Hoa có một số cuốn được viết theo dạng “phóng tác”, tức là dựa vào một cuốn tiểu thuyết nước ngoài và Việt hóa từ nhân vật cho đến bối cảnh trong truyện (Phải chăng đó là cách thức để hình thành những bản thảo khi đội ngũ viết cho tủ sách ban đầu hầu như không phải là nhà văn chuyên nghiệp?). Ví dụ như truyện Thiên Hương phỏng theo truyệnTombée du Ciel của Henry Winterfell, truyện Pho tượng rồng vàng phóng tác theo một truyện trinh thám của nước ngoài.
Sài Gòn chuyện đời của phố: Tủ sách Tuổi Hoa - ảnh 2

Nhà văn Kim Hài và nhà văn Thuỳ An (học chung một lớp tại Trường trung học Phan Chu Trinh, Đà Nẵng, sau đó cùng Khoa Địa chất, Đại học Khoa học Huế) cùng bắt đầu cộng tác với Tuổi Hoa cũng từ khâu “phóng tác” một tác phẩm của nước ngoài. Cuốn sách đầu tiên của hai chị ra đời mang tên Nắng lụa, ký tên Dạ Thanh, với bối cảnh xảy ra ở Huế. Nhuận bút cuốn đó trị giá ngang một lượng vàng. Sau đó, chị Kim Hài tiếp tục viết cuốnKhúc Nam Ai, lấy cảm hứng sau khi đọc một cuốn truyện dịch của chủ bút Nguyễn Trường Sơn đưa xem. Đó là lúc chị bắt đầu muốn viết những điều mình ấp ủ và trải nghiệm. Từ đó, ông Nguyễn Trường Sơn không đưa cho chị phóng tác bất cứ truyện dịch nào nữa mà chỉ nói “Kim Hài viết đi!”.
Nhà văn Thuỳ An trong năm 1970 viết cuốn truyện đầu tay làVùng biển lặng (Tủ sách Hoa Xanh) và Hoa bâng khuâng (Hoa Tím). Từ đó, chị viết tất cả 9 cuốn sách cho tủ sách này cho đến năm 1975 như: Mây trên đỉnh núi, Hoa nắng (Hoa Xanh), Hoa bâng khuâng, Con đường lá me, Chân dung hạnh phúc, Như nắng xuân phai, Vườn cau nước dâng, Tiếng dương cầm. Nhà văn Kim Hài viết tổng cộng 7 cuốn cho tủ sách này, từ cuốn Khúc Nam Ai(1971), sau đó là Người dưng khác họ (Hoa Xanh), Cánh gió, Gợn sóng (Hoa Tím)…
Khoảng đầu thập niên 1970, nhờ các tác giả trẻ xuất hiện trong tủ sách và có sự đóng góp của một số nhà văn nổi tiếng, uy tín tủ sách ngày càng vững vàng. Tủ sách như một sân chơi tâm huyết cho những nhà văn, nhà giáo muốn dẫn dắt lứa độc giả nhỏ tuổi bước vào cuộc sống với lòng yêu thương dành cho cuộc sống, người thân, bạn bè và lớn hơn cả là tình yêu quê hương đang trong khói lửa chiến tranh.
Mùa hè 2015, nhà văn Nguyễn Trường Sơn, người anh cả sáng lập, điều hành và cũng là tác giả Tủ sách Tuổi Hoa đã từ trần tại Hoa Kỳ, hưởng thọ 98 tuổi.
Sài Gòn chuyện đời của phố: Tủ sách Tuổi Hoa - ảnh 3

Tác giả Thuỳ An năm 17 tuổi (trái) và nhà văn Nguyễn Trường Sơn – Ảnh: T.L


Phạm Công Luận 
(trích Sài Gòn, chuyện đời của phố tập 3)