25/12/2024

Điểm mới trong tuyển sinh ĐH, CĐ 2016

Chiều 18.2, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy 2016. Theo đó, kỳ tuyển sinh năm nay sẽ có 12 quy định khác với năm ngoái.

 

Điểm mới trong tuyển sinh ĐH, CĐ 2016

 

Chiều 18.2, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy 2016. Theo đó, kỳ tuyển sinh năm nay sẽ có 12 quy định khác với năm ngoái.





Thầy trò lớp 12 Trường THPT Lương Văn Can (TP.HCM) ráo riết ôn tập - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Thầy trò lớp 12 Trường THPT Lương Văn Can (TP.HCM) ráo riết ôn tập – Ảnh: Đào Ngọc Thạch



Thu hẹp đối tượng và khu vực ưu tiên
Các quy định liên quan tới chính sách ưu tiên được sửa đổi nhiều nhất. Theo đó, đối tượng ưu tiên 01 thu hẹp hơn so với trước. Thay vì mọi công dân VN là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại khu vực (KV) 1 thì năm nay diện này chỉ dành cho những người có hộ khẩu KV đó trong thời gian học THPT và phải trên 18 tháng.
Thí sinh học liên tục và tốt nghiệp THPT tại KV nào thì hưởng ưu tiên theo KV đó. Nếu trong 3 năm học THPT có chuyển trường thì thời gian học ở đâu lâu hơn được hưởng ưu tiên theo KV đó, nếu mỗi năm học một trường thuộc các KV có mức ưu tiên khác nhau hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở KV nào, hưởng ưu tiên theo KV đó. Trong số những trường hợp được ưu tiên theo hộ khẩu thường trú, quy định mới bỏ diện học sinh có hộ khẩu tại các xã 1, 2 thuộc vùng dân tộc và miền núi mà chỉ học sinh các xã KV3 vùng này, và cũng phải có hộ khẩu trên 18 tháng.
KV2 được quy định lại, gồm: Các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã, huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc KV1).
50% chỉ tiêu xét tuyển theo khối thi truyền thống
Năm nay các trường vẫn phải duy trì tổ hợp các môn thi tương ứng với khối thi và trường đã sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy từ năm 2014 trở về trước. Những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cho một ngành cần dành ít nhất 50% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi truyền thống.
Các trường khi xét tuyển với những thí sinh (TS) đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia phải căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ quy định, đồng thời công bố quy định xét tuyển vào các ngành của trường và tổ chức xét tuyển theo lịch của Bộ. Điểm xét tuyển là tổng điểm các môn thi theo từng tổ hợp xét tuyển và được làm tròn đến 0,25.
Không đăng ký xét tuyển tại trường
Theo dự thảo quy chế, TS nộp phiếu đăng ký xét tuyển (và lệ phí) cho trường qua đường bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh hoặc đăng ký trực tuyến. Như vậy, năm nay không còn hình thức TS đến trực tiếp các trường nộp hồ sơ xét tuyển.
Khi đăng ký xét tuyển đợt 1, mỗi TS chỉ được đăng ký tối đa vào 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành. TS không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong đợt xét tuyển (nguyên tắc này áp dụng với cả các đợt bổ sung). Ở các đợt bổ sung, TS được đăng ký tối đa vào 3 trường, mỗi trường không quá 2 ngành.
Nếu TS đăng ký xét tuyển vào các trường xét tuyển theo nhóm trường thì số ngành đăng ký tối đa trong mỗi đợt cũng giống như vào một trường (tức không quá 2 ngành).
Vì không đến đăng ký trực tiếp tại trường nên TS chỉ phải nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi (có chữ ký của chủ tịch hội đồng thi và đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi) sau khi đã biết trúng tuyển, và nộp cho trường mà TS có nguyện vọng học. TS phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ đăng ký dự thi. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu TS không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ đăng ký dự thi với hồ sơ gốc.
Thời gian đăng ký xét tuyển bắt đầu từ ngày 1.8 đến hết ngày 20.10 đối với bậc ĐH và hết ngày 15.11 đối với bậc CĐ.
Mức “sàn” của CĐ là tốt nghiệp THPT
Căn cứ kết quả thi của TS dự thi lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển. Đối với trường CĐ, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là tốt nghiệp THPT. Đối với trường sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, Bộ cũng bỏ quy định điểm “sàn” với bậc CĐ.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết theo quy trình ban hành văn bản, sau 30 ngày đưa dự thảo thông tư lên website của Bộ, thông tư mới sẽ được ban hành chính thức.
Các địa phương vẫn muốn có cụm thi riêng
Một trong những điểm thay đổi trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay là Bộ quy định mỗi tỉnh/thành đều có ít nhất một cụm thi do trường ĐH chủ trì và các địa phương không nhất thiết phải tổ chức cụm thi do địa phương chủ trì (dành cho học sinh chỉ có nguyện vọng thi để xét tốt nghiệp THPT).
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Thanh Niên, đại diện sở GD-ĐT các tỉnh dự kiến vẫn duy trì cả 2 loại cụm thi trên địa bàn tỉnh mình. Ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết dù lãnh đạo Sở chưa bàn đến việc này, nhưng có thể Hà Nội vẫn duy trì cụm thi địa phương vì địa bàn của Hà Nội quá rộng, không thể bắt học sinh ở các huyện ngoại thành phải di chuyển đến quận nội thành để dự thi với mục đích xét tốt nghiệp THPT.
Tương tự, ông Nguyễn Quang Vinh, Sở GD-ĐT Hòa Bình cho rằng số lượng học sinh của tỉnh dự thi với mục đích xét tuyển sinh ĐH chỉ khoảng 50 – 60% nên phải có cụm thi do địa phương chủ trì để phục vụ số học sinh thi tốt nghiệp THPT. Còn đại diện Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cũng có mong muốn tiếp tục duy trì cụm thi do địa phương chủ trì…
Tuệ Nguyễn


Quý Hiên