ASEAN – Mỹ phản đối quân sự hoá Biển Đông
Các nhà lãnh đạo ASEAN – Mỹ đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh lịch sử với lời kêu gọi đưa ra những giải pháp nhằm giảm căng thẳng tại Biển Đông.
ASEAN – Mỹ phản đối quân sự hoá Biển Đông
Các nhà lãnh đạo ASEAN – Mỹ đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh lịch sử với lời kêu gọi đưa ra những giải pháp nhằm giảm căng thẳng tại Biển Đông.
Những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, bao gồm những hành vi đi ngược lại luật pháp quốc tế cũng như quân sự hoá ở khu vực, là chủ đề quan trọng được các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ đưa ra thảo luận với sự quan ngại sâu sắc tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ.
Cần có giải pháp thiết thực
Trong cuộc họp báo sau khi kết thúc hội nghị tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands ở bang California vào ngày 17.2 (giờ VN), Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết các lãnh đạo đã “thảo luận về nhu cầu đưa ra các biện pháp hữu hiệu để giảm căng thẳng, bao gồm việc ngưng ngay các hoạt động bồi đắp, xây mới và quân sự hoá tại Biển Đông”. Chủ nhân Nhà Trắng cũng tái khẳng định rằng Mỹ kiên quyết bảo vệ các quyền tự do lưu thông trong khu vực. “Một lần nữa tôi xin nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tiếp tục bay, triển khai tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép, và chúng tôi sẽ ủng hộ quyền tương tự của mọi quốc gia”, ông Obama nói.
Trước đó, phát biểu tại các phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp vừa qua tại Biển Đông, đặc biệt là những hành động làm thay đổi nguyên trạng, tăng cường quân sự hoá, đe doạ hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh các quốc gia cần ưu tiên xây dựng lòng tin chiến lược, tăng cường đối thoại và hợp tác, đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982; phát huy vai trò của các thể chế đa phương, và ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN trong việc duy trì môi trường hoà bình và an ninh ở khu vực.
Nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược của quan hệ ASEAN – Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh sự ủng hộ tích cực, xây dựng của Mỹ và các đối tác nói chung đối với lập trường của ASEAN trong xử lý các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Thủ tướng đánh giá tích cực những tiến triển và kết quả quan trọng đạt được trong quan hệ đối tác ASEAN – Mỹ thời gian qua, mong muốn hai bên phối hợp triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động ASEAN – Mỹ giai đoạn 2016 – 2020, góp phần thúc đẩy quan hệ ASEAN – Mỹ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Dù không chính thức nêu tên “Biển Đông”, tuyên bố chung được các lãnh đạo thông qua sau khi kết thúc hội nghị thể hiện khá rõ ràng quan ngại của ASEAN và Mỹ trước các động thái leo thang quân sự tại khu vực. Đa phần nội dung của Tuyên bố Sunnylands đều đề cập đến các vấn đề tranh chấp trên biển, chiếm hơn 1/3 thông điệp chung của ASEAN và Mỹ. Cụ thể, điều 1 của tuyên bố nêu rõ: “Tôn trọng chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và độc lập chính trị của mọi quốc gia bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc và mục đích của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Hiến chương ASEAN và luật quốc tế”. Kế đến, điều 6 yêu cầu tôn trọng triệt để trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật lệ nhằm duy trì và bảo vệ các quyền và đặc quyền của mọi quốc gia.
Điều 7 khẳng định các bên cùng cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm tôn trọng hoàn toàn các tiến trình pháp lý và ngoại giao, mà không viện dẫn đến các hành động đe doạ hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận rộng rãi của luật quốc tế và UNCLOS. Đồng thời, ASEAN – Mỹ cùng cam kết duy trì hoà bình, an ninh và ổn định trong khu vực, đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải, bao gồm quyền tự do hàng hải, hàng không và các hoạt động sử dụng hợp pháp các vùng biển, và không cản trở thương mại hàng hải hợp pháp như đã nêu trong UNCLOS, cũng như phi quân sự hoá và tự kiềm chế trong các hoạt động.
Sau hội nghị tại Mỹ, thử thách kế tiếp cho các cam kết ASEAN – Mỹ sẽ rơi vào tháng 4 hoặc 5, khi Toà trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) ra phán quyết quan trọng về giá trị pháp lý của các yêu sách chủ quyền mà Trung Quốc tuyên bố một cách phi lý tại Biển Đông. Theo AFP, lãnh đạo ASEAN – Mỹ đã tiến hành thảo luận về việc đưa ra quyết định công nhận tập thể đối với phán quyết của toà án, bất kể kết quả như thế nào.
Kết nối ASEAN – Mỹ
Bên cạnh an ninh biển, thương mại và liên kết kinh tế cũng là những chủ đề quan trọng của hội nghị thượng đỉnh tại California, và ông Obama đã công bố một số sáng kiến mới trong ngày thứ hai và cũng là ngày cuối cùng của hội nghị. Trong số này có chương trình được Tổng thống Mỹ đặt tên là “Kết nối ASEAN – Mỹ”, theo đó Washington sẽ thiết lập các “trung tâm” xuyên suốt khu vực nhằm nối kết giới khởi nghiệp và các doanh nhân trong khu vực. Cụ thể, Washington sẽ thành lập 3 văn phòng kinh tế khu vực, đặt tại Jakarta, Bangkok và Singapore, nhằm điều phối tốt hơn các cam kết về kinh tế và tạo kết nối sâu rộng hơn nữa trong cộng đồng giới doanh nhân khởi nghiệp, các nhà đầu tư và kinh doanh trong khu vực.
Theo thống kê của Nhà Trắng, thương mại song phương về hàng hoá và dịch vụ đã tăng gấp 3 kể từ thập niên 1990, lên mức 254 tỉ USD vào năm 2014, góp phần hỗ trợ khoảng nửa triệu việc làm tại Mỹ. Để thúc đẩy hơn nữa sức mạnh nội tại của nước thành viên ASEAN, chương trình “Kết nối ASEAN – Mỹ” sẽ bao gồm các tư vấn về khía cạnh kỹ thuật mà các quốc gia như Indonesia và Philippines có thể chuẩn bị để gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). “Chúng tôi triển khai nỗ lực mới nhằm hỗ trợ mọi nước thành viên ASEAN hiểu thêm về những điểm then chốt của TPP, cũng như những cải cách cần thiết để họ có thể gia nhập theo thời gian”, theo AFP dẫn lời ông Obama.
Các biện pháp khác tập trung vào việc cải thiện quan hệ thương mại thông qua lĩnh vực viễn thông và cơ sở hạ tầng, giúp triển khai tốt hơn những chương trình hiện tại của các chính phủ. Sáng kiến mới của Washington cũng đồng thời đề cập đến mảng năng lượng, lĩnh vực Trung Quốc đặc biệt hoạt động mạnh với việc xây dựng hàng loạt đập khổng lồ dọc theo thượng nguồn sông Mê Kông.
Kết thúc hội nghị, ông Obama nhấn mạnh: “Tôi tự tin rằng dù tổng thống Mỹ kế tiếp là ai thì nhà lãnh đạo mới của Mỹ cũng sẽ xây dựng dựa trên nền tảng mà chúng ta đã thiết lập, bởi vì cam kết của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ lưỡng đảng”.
Viễn cảnh “kinh tế kỹ thuật số”
Theo tờ The Star của Malaysia vào ngày 17.2, các giám đốc điều hành (CEO) của 3 tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ đã trình bày về viễn cảnh xây dựng “nền kinh tế kỹ thuật số” trước các lãnh đạo ASEAN và chủ nhà là Tổng thống Obama.
Các CEO của Microsoft, IBM và Cisco cho rằng đây là cơ hội để ASEAN có bước tiến nhảy vọt, không những lên tầm cỡ của kinh tế kỹ thuật số và xa hơn nữa, mà còn sử dụng được trí thông minh nhân tạo (AI).
Các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực IT cũng đề xuất rằng hệ sinh thái kỹ thuật số nên được phát triển trong các trường học, ở bậc đại học và tại các công ty khởi nghiệp.
|
Thụy Miên – TTXVN