27/12/2024

Nhiều đề nghị điều chỉnh ưu tiên tuyển sinh 2016

Sau bài viết “Điều chỉnh ưu tiên tuyển sinh 2016 như thế nào?” (Tuổi Trẻ ngày 16-2), nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải điều chỉnh chính sách ưu tiên trong tuyển sinh để tạo sự công bằng cho tất cả thí sinh.

 

Nhiều đề nghị điều chỉnh ưu tiên tuyển sinh 2016

 

 

Sau bài viết “Điều chỉnh ưu tiên tuyển sinh 2016 như thế nào?” (Tuổi Trẻ ngày 16-2), nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải điều chỉnh chính sách ưu tiên trong tuyển sinh để tạo sự công bằng cho tất cả thí sinh.

 

 

 

 

Nhiều đề nghị điều chỉnh ưu tiên tuyển sinh 2016
Nhiều thí sinh trúng tuyển vào Trường ĐH Y dược TP.HCM nhờ được cộng điểm ưu tiên. Trong ảnh: thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường này năm 2015 – Ảnh: Như Hùng

* PGS.TS Hoàng Minh Sơn (hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội):

Cần đánh giá sức học của sinh viên diện ưu tiên và không ưu tiên

Việc giảm điểm chuẩn cho các em ở vùng khó khăn, người dân tộc thiểu số, là một hướng nhân văn. Tuy nhiên cũng từ góc nhìn này, tôi thấy nếu ưu tiên để thí sinh được nhập học nhưng các em không có thực lực, không đáp ứng được yêu cầu đào tạo thì không phải giúp mà làm hại các em. Bởi vậy, khi đưa ra mức ưu tiên hay nói chính xác là mức giảm điểm chuẩn, cũng cần cân nhắc tới yếu tố này.

Muốn vậy, trước khi đưa ra quy định cần phải dựa vào dữ liệu trong vài năm gần nhất, so sánh tương quan kết quả học tập giữa những sinh viên được vào trường nhờ ưu tiên và sinh viên không được ưu tiên (khu vực 3). Nếu kết quả học tập của sinh viên vào trường theo diện ưu tiên quá thấp so với sinh viên khu vực 3 thì cũng cần phải xem xét lại mức điểm ưu tiên (mức giảm điểm chuẩn).

PGS.TS Đỗ Văn Dũng 
(hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):

Chỉ điều chỉnh 
chính sách ưu tiên theo khu vực

Số liệu từ Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho thấy trong số 4.611 thí sinh trúng tuyển năm 2015 có 2.941 thí sinh trúng tuyển nhờ cộng điểm ưu tiên, chiếm tỉ lệ 64%; trong đó ưu tiên theo đối tượng chỉ có 26 thí sinh, còn ưu tiên khu vực có đến 2.884 thí sinh! Trong số 26 em có 20 em vừa đối tượng vừa khu vực.

Tôi đề xuất chỉ điều chỉnh chính sách ưu tiên theo khu vực. Vùng Tây Nam bộ vẫn là vùng trũng về giáo dục, nên cần tăng số lượng các tỉnh vùng Tây Nam bộ, như một số huyện biên giới với Campuchia của tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang…

Nên bỏ chính sách ưu tiên cho các vùng bãi ngang ven biển, vì các vùng này phần lớn người dân đánh cá khá giàu. Đồng thời giảm thang điểm ưu tiên còn 1/2 so với trước, tức khu vực 1 còn 0,75 thay vì 1,5 điểm.

* TS Trần Đình Lý 
(trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM):

Nên ưu tiên khu vực cho các trường 
địa phương

Tôi chỉ muốn đề cập đến ưu tiên khu vực. Thí sinh được cộng điểm ưu tiên khu vực là ở vùng nông thôn, xã khó khăn về điều kiện học tập, cả đội ngũ giáo viên cũng thiệt thòi so với khu vực có điều kiện, việc hưởng ưu tiên là xứng đáng.

Theo tôi, để cân bằng và bù đắp sự thiếu thốn của các em học sinh ở khu vực khó khăn (ưu tiên khu vực) thì chỉ nên ưu tiên xét vào các trường ĐH, CĐ của địa phương nằm trong khu vực đó, để các trường này có điều kiện đón nhận các em có kết quả khá tốt, sau này các em phục vụ phát triển địa phương, góp phần cân đối kinh tế – xã hội vùng miền.

* TS Nguyễn Kim Quang (phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia TP.HCM):

Nên để các trường quyết định

Chính sách ưu tiên khi áp dụng phải là sự khuyến khích, hỗ trợ cho những thí sinh thiệt thòi. Thực tế sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các vùng miền ở VN hiện nay không quá lớn.

Hiện chính sách cộng điểm đối tượng cho thí sinh dân tộc ít người là khá rộng. Năm 2015, quy chế đã có sự điều chỉnh về việc này, hiện vẫn có những thí sinh dân tộc ít người nhưng sống ở các thành phố lớn vẫn được hưởng ưu tiên là chưa hợp lý.

Chính sách ưu tiên khu vực cũng chưa phản ánh đúng, vì cùng khu vực đó vẫn có những người có điều kiện sống, học tập không thua gì người ở thành phố. Bộ GD-ĐT chỉ cần đưa ra khoảng điểm ưu tiên (0,25 – 0,5 điểm chẳng hạn), còn điểm ưu tiên khu vực phải do các trường ĐH, CĐ quyết định, để thu hút thành phần người học cần thiết, tăng quyền tự chủ cho các trường.

* TS Lê Chí Thông (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM):

Cần giảm khoảng cách điểm ưu tiên khu vực

Để công bằng đối với tất cả thí sinh, bỏ việc ưu tiên khu vực theo hộ khẩu là hợp lý. Thực tế cho thấy hộ khẩu không nói lên được thật sự thí sinh sống ở khu vực có điều kiện như thế nào. Nếu căn cứ vào trường THPT thí sinh theo học ba năm học THPT để tính điểm ưu tiên sẽ hợp lý hơn.

Còn việc xác định địa phương nào là khu vực 1, khu vực 2 – nông thôn, khu vực 2… cũng cần công bố tiêu chí rõ ràng, để đạt mục tiêu ưu tiên cho thí sinh vùng khó khăn.

Tuy nhiên, tôi cho rằng cần giảm khoảng cách điểm giữa các khu vực từ 0,5 xuống 0,25 điểm. Những năm trước điểm thi vào trường chúng tôi phổ điểm kéo dài từ 19 đến 27 điểm. Khi đó, việc cộng 1-2 điểm ưu tiên là không chênh lệch lớn. Nhưng khi thí sinh biết điểm trước rồi mới đăng ký xét tuyển thì phổ điểm thu hẹp lại.

Trong khi điểm ưu tiên cao nhất đến 3,5 điểm là quá lớn. Năm 2015, điểm số không làm tròn (tính đến 0,25), vì vậy mức chênh lệch giữa các khu vực cũng nên điều chỉnh lại, cách nhau 0,25 điểm để đảm bảo công bằng cho thí sinh.

* PGS.TS Trần Văn Nghĩa (phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT):

Quy định ưu tiên sẽ giữ ổn định như năm 2015

Theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, về cơ bản chính sách ưu tiên khu vực, đối tượng vẫn giữ ổn định như năm 2015. Khi xây dựng dự thảo quy chế thi và tuyển sinh ĐH, CĐ, chúng tôi căn cứ vào đề nghị của Uỷ ban Dân tộc và việc phân tích dữ liệu tuyển sinh của ba năm gần đây.

Theo dữ liệu đã phân tích, nếu như không cộng điểm ưu tiên, đúng là tỉ lệ thí sinh đạt điểm trên sàn ở khu vực 1, 2 giảm hẳn. Còn nếu cộng điểm ưu tiên thì tỉ lệ đạt trên sàn ở các vùng khó khăn tương đương với các khu vực thành thị (khu vực 3). Nếu không cộng điểm ưu tiên, nguồn tuyển từ các vùng khó khăn hơn sẽ sụt giảm rõ.

Trong khi đó, đứng ở khía cạnh đảm bảo công bằng giữa thí sinh tại vùng có điều kiện học tập và vùng không có điều kiện học tập, việc cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực là cần thiết.

Năm 2015, có hiện tượng một số ngành “nóng” tập trung nhiều thí sinh được cộng điểm ưu tiên. Về việc này, chúng tôi sẽ cân nhắc đề xuất điều chỉnh. Và để tránh tình trạng thí sinh nhầm lẫn khi kê khai diện ưu tiên đối tượng, khu vực, năm nay Bộ GD-ĐT sẽ công bố cụ thể, rõ ràng hơn về việc này.

TRẦN HUỲNH – VĨNH HÀ ghi ([email protected])