17/11/2024

Bộ đừng quản kho dữ liệu tuyển sinh chung

Đại diện nhiều trường ĐH cho rằng phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 mà Bộ GD-ĐT ban hành đầu tháng 2 có điều chỉnh hợp lý khi tăng quyền chủ động cho các trường, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin…

 

Bộ đừng quản kho dữ liệu tuyển sinh chung

 

Đại diện nhiều trường ĐH cho rằng phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 mà Bộ GD-ĐT ban hành đầu tháng 2 có điều chỉnh hợp lý khi tăng quyền chủ động cho các trường, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin…





Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH trong năm 2015 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH trong năm 2015 – Ảnh: Đào Ngọc Thạch


Nhưng để hiệu quả và giúp thí sinh trúng tuyển đúng nguyện vọng, các trường phải được tự chủ xử lý dữ liệu tuyển sinh.
Thí sinh sẽ nghiêm túc hơn khi chọn ngành
Phần lớn các ý kiến đều đồng tình với quy định cho phép thí sinh (TS) đăng ký vào 2 trường, mỗi trường 2 ngành trong đợt đầu tiên, rút ngắn thời gian xét tuyển còn 10 ngày (đợt 1) và 12 ngày (các đợt còn lại) cũng như không để TS nộp, rút hồ sơ liên tục như năm ngoái.
Tiến sĩ Vũ Tuấn Lâm, Phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, giải thích: “Năm ngoái, mình cho TS nhiều sự lựa chọn, tưởng là tạo điều kiện nhưng thật ra lại gây khó khăn, vì việc nộp vào – rút ra khiến các biến số thay đổi mà TS lại không nắm rõ được. Do đó, hiệu quả việc rút – nộp hồ sơ vào thời điểm đó của nhiều TS phụ thuộc vào sự may rủi chứ không hẳn nhờ suy xét, tính toán tốt”.
Theo tiến sĩ Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, điều chỉnh này sẽ giúp TS thuận lợi hơn nhiều. “TS phải quyết để lựa chọn được ngành nào trước khi nộp hồ sơ xét tuyển, phải chọn ngành phù hợp năng lực, sở thích của mình, sau đó mới chọn trường. TS có thể chọn cùng một ngành nhưng hai trường tốp trên và tốp dưới. Tuỳ vào kết quả thi mà TS có thể trúng tuyển vẫn ngành đó nhưng ở trường phù hợp”, ông Thực giải thích.
Năm ngoái cho chọn 4 ngành nhưng thực tế TS không cần. Nhiều TS trúng tuyển nguyện vọng 3, 4 đã không nhập học. Thậm chí có TS vào học một thời gian rồi lại bỏ. “Giờ hạn chế số nguyện vọng theo ngành, yêu cầu TS bắt buộc phải lựa chọn ngành học một cách nghiêm túc, hiệu quả lựa chọn nhờ thế mới bền vững”, ông Thực khẳng định.
Một điểm mới trong phương án xét tuyển là không xác định mức điểm cụ thể ngưỡng xét tuyển đầu vào với bậc CĐ theo hình thức xét tuyển học bạ mà quy định ngưỡng này là tốt nghiệp THPT. Nhiều ý kiến cho rằng điều chỉnh này hợp lý nhưng vẫn cần có mức điểm ngưỡng cụ thể cho các nhóm ngành sức khoẻ.
Giải bài toán dữ liệu ảo
Tuy nhiên, đại diện nhiều trường còn băn khoăn về quy trình kỹ thuật để thực hiện xét tuyển. Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, lo lắng: “Việc xét tuyển cần có hệ thống công nghệ thông tin đủ mạnh vì năm nay TS đăng ký xét tuyển trực tuyến nên lượng truy cập rất lớn, cần chuẩn bị để tránh bị nghẽn mạng ảnh hưởng quyền lợi của các em”. Còn tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TP.HCM), đề xuất phần mềm quản lý dữ liệu tuyển sinh chung cần thoáng hơn để giảm “khổ” cho các trường. Nếu không thể cung cấp cho các trường cơ sở dữ liệu TS đầy đủ thì ít nhất Bộ cũng nên mô tả đầy đủ về cơ sở dữ liệu, trên cơ sở phổ điểm cụ thể, các trường xây dựng mức điểm xét tuyển phù hợp với từng ngành hoặc nhóm ngành.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho rằng nếu cho phép TS đăng ký vào 2 trường và các trường vẫn sử dụng phần mềm xét tuyển chung như năm ngoái có thể dẫn đến tình trạng, trường nào nhập dữ liệu trước, TS sẽ trúng tuyển trước và đó có thể không phải nguyện vọng đầu tiên của các em.
Vì vậy, theo các chuyên gia, khó khăn của năm nay là số liệu ảo, nếu không tạo ra một kho dữ liệu chung và được sử dụng hiệu quả. “Cho TS 2 nguyện vọng, nhiều em sẽ trúng 2 trường, vậy làm sao các trường có thể phán đoán TS chọn trường mình chứ không phải trường kia? Nếu không có cách nào giúp các trường tháo gỡ bài toán này thì sẽ rất khó. Nếu gọi dôi ra, TS về hết với mình thì vi phạm lỗi tuyển vượt chỉ tiêu, sẽ bị Bộ “tuýt còi”. Nếu gọi đúng số chỉ tiêu, TS không về thì phải gọi tiếp các đợt khác. Chẳng trường nào muốn tuyển nhiều đợt, vì như thế chất lượng tuyển sinh khó mà cao”, ông Vũ Tuấn Lâm giải thích. Cùng quan điểm, ông Kiều Xuân Thực cho rằng TS cùng lúc được đăng ký 2 trường, khả năng trúng 2 trường cùng một lúc là bình thường nên sẽ nhiều ảo.
Để giải quyết tình trạng này, theo các trường, cần phải có một kho dữ liệu chung. Ông Thực cho biết việc tạo kho dữ liệu chung để tất cả các trường khai thác, sử dụng sẽ giúp các trường dự báo sát hơn khả năng sẽ có bao nhiêu TS (đã đăng ký vào trường mình) đạt ngưỡng điểm mà trường thông báo tới nhập học. Về kỹ thuật, việc tạo một kho dữ liệu chung không khó khăn. Ông Lâm nhấn mạnh: “Vừa rồi mình có kho dữ liệu nhưng chỉ là Bộ khai thác, quản lý, chứ các trường có được sử dụng để phân tích đâu! Cho đến nay, Bộ cũng đã công bố cho TS hết cơ sở dữ liệu của tất cả các trường năm vừa rồi đâu!”. Thực tế này khiến ông Thực đề nghị: “Năm 2015, chúng ta cũng có một kho dữ liệu chung nhưng do Bộ muốn “quản” nên hiệu quả khai thác từ phía các trường rất thấp. Bây giờ cần phải xem đó là một kho dữ liệu chung nhằm cung cấp thông tin cho các trường thì vấn đề sẽ đơn giản hơn nhiều”.
Đại diện của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết sẵn sàng đứng ra khởi xướng, tạo kho dữ liệu để các trường cùng chia sẻ và khai thác. “Tôi nghĩ làm được điều đó thì chỉ có tốt cho các trường thôi. Đây là năm đầu tiên thực hiện điều chỉnh tuyển sinh theo phương thức này, nếu không chia sẻ dữ liệu cho nhau thì rất khó, bởi sai số rất lớn và không ai lường được”, ông Thực nhấn mạnh.
Những vấn đề đặt ra khi mỗi tỉnh, thành đều có cụm thi ĐH
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết việc tỉnh, thành nào cũng phải có ít nhất một cụm thi ĐH có lợi cho TS khi không phải di chuyển xa, tuy nhiên độ an toàn và nghiêm túc khó đảm bảo.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng có nhiều vấn đề kỹ thuật cần tính đến như hội đồng thi đặt tại đâu vì không phải tỉnh nào cũng có trường ĐH, công tác chấm thi ra sao khi một số môn không phải trường nào cũng đủ nhân sự.
Tiến sĩ Trần Đình Lý đề nghị: “Việc tổ chức cụm thi ĐH ở các địa phương cần có khảo sát và đề xuất cụ thể của các địa phương. Điều quan trọng là phải chọn trường ĐH có đủ năng lực đứng ra tổ chức thì kỳ thi mới đảm bảo an toàn và nghiêm túc”.

Quý Hiên – Hà Ánh