‘Sóng lạ’ trên thị trường vàng
Cơn “sóng lạ” và bất ngờ trên thị trường vàng khiến nhiều nhà đầu tư cũng như người dân tiếc nuối vì đã bỏ qua cơ hội lướt sóng nhiều năm mới có.
‘Sóng lạ’ trên thị trường vàng
Cơn “sóng lạ” và bất ngờ trên thị trường vàng khiến nhiều nhà đầu tư cũng như người dân tiếc nuối vì đã bỏ qua cơ hội lướt sóng nhiều năm mới có.
Sau phiên tăng nóng gần 1,5 triệu đồng/lượng ngày 13.2 (mùng 6 tết), hôm qua giá vàng miếng SJC bất ngờ quay đầu giảm mạnh 620.000 đồng/lượng đến 1 triệu đồng/lượng. Giá mua – giá bán vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC còn 33,38 – 33,73 triệu đồng/lượng; Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji còn 33,5 – 33,7 triệu đồng/lượng; Sacombank còn 33,5 – 33,65 triệu đồng/lượng; Eximbank còn 33,48 – 33,63 triệu đồng/lượng…
|
Giá vàng thế giới ngày 15.2 giảm 28 USD/ounce, còn 1.210 USD/ounce sau khi tăng đạt đỉnh ở mức 1.263 USD/ounce vào tuần trước. Với mức này, giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới khoảng 1,1 triệu đồng/lượng. So với thời điểm trước khi nghỉ tết, giá vàng thế giới cao hơn khoảng 90 USD/ounce và giá vàng miếng SJC cao hơn 600.000 – 700.000 đồng/lượng.
Nhiều người “hụt” sóng
Anh Thành, ngụ tại Q.7, TP.HCM – người đã mua 3 lượng vàng trước kỳ nghỉ tết “tiếc hùi hụi” khi chưa kịp bán ở phiên trước. “Bù qua sớt lại thì vẫn lãi 600.000 – 700.0000 đồng/lượng nhưng nếu bán luôn phiên trước thì đã lãi nhiều hơn”, anh nói. Nhiều người cũng tỏ ý tiếc nuối khi vuột mất cơ hội “lướt sóng”.
Một chuyên gia vàng lý giải, giá trong nước biến động mạnh trong mấy phiên vừa qua là vì những ngày thị trường nội địa nghỉ Tết Nguyên đán, vàng thế giới đã tăng ngoạn mục tới gần 6% chỉ trong vòng 1 tuần – mức tăng mạnh nhất được ghi nhận kể từ năm 2011.
Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB), cho rằng: “Ngay cả giới kinh doanh vàng cũng không thể ngờ được đợt sóng vàng vừa qua. Với mức giá đỉnh 1.263 USD/ounce thiết lập cách đây vài phiên, so với đầu năm 2016, vàng đã tăng khoảng 190 USD/ounce. Đây là một con sóng khá mạnh kể từ nhiều năm trở lại đây. Không những mạnh mà còn lạ bởi các loại hàng hoá đều giảm, chỉ có vàng là tăng giá”. Dù vậy, ông Hải vẫn cho rằng trú ẩn vào vàng ở thời điểm hiện tại cũng chưa hẳn là kênh an toàn vì chưa ai nói trước được xu hướng của vàng lúc này.
Giới kinh doanh vàng trong nước cũng tỏ ra rất thận trọng với những biến động giá vàng gần đây. Vì vậy, giá bán luôn được để khá cao, giá mua thấp. Khoảng cách giá mua – bán ở các công ty vàng được kéo giãn, có nơi lên tới trên 500.000 đồng/lượng.
|
Theo chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm, hiện đồng USD vẫn còn mạnh, trong khi sản xuất đang trên đà phục hồi, nên đầu tư vào vàng chưa phải là hấp dẫn trong năm nay.
Lực cầu cứu giá
Lý giải nguyên nhân giá vàng thế giới tăng mạnh, chuyên gia Phan Dũng Khánh phân tích, khoảng 1 tháng trước dòng tiền ở các kênh đầu tư chứng khoán, ngoại tệ, đất đai trên thế giới bị rút ra, một phần đổ vào trái phiếu Mỹ, đồng France Thụy Sĩ, đồng yen Nhật và sau đó đổ mạnh vào vàng. Hầu hết các quỹ đầu tư vàng trên thế giới cũng gia tăng lượng vàng nắm giữ, như Quỹ đầu tư SPDR tăng lượng vàng nắm giữ gần 10%. Dòng tiền vào lớn này đã khiến giá vàng thế giới biến động, tăng cả trăm USD/ounce trong vòng 1 tuần qua. Rất nhiều hợp đồng bán khống đã chuyển sang hợp đồng mua. Việc giá vàng vượt qua mốc 1.200 USD/ounce cũng khiến nhiều phân tích nghiêng về dự báo giá vàng sẽ còn tăng nữa và hướng đến mốc 1.500 USD/ounce trong năm nay. “Tuy nhiên, điều này phụ thuộc lớn vào dòng tiền, nếu dòng tiền tiếp tục bị rút ra khỏi các kênh đầu tư khác và đổ vào vàng, giá vàng sẽ được hỗ trợ. Nắm giữ vàng trong vòng 1 năm sẽ gặt hái được lợi nhuận”, ông Khánh nói.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải lưu ý yếu tố bất ngờ trên thị trường vàng có thể sẽ đến từ Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc hiện nay không được sáng sủa cho lắm khi xuất khẩu thu hẹp, GDP giảm, dự trữ ngoại tệ 1 năm cũng giảm mạnh… có thể dẫn đến việc Trung Quốc phá giá mạnh đồng nhân dân tệ để hỗ trợ cho xuất khẩu. Khi đó, khả năng người dân Trung Quốc tìm đến ngoại tệ khác và vàng.
Là người trực tiếp kinh doanh vàng, bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho biết giá vàng nhiều năm qua liên tục giảm nên nhu cầu mua vàng đầu tư rất yếu. Với mức tăng vừa qua, giá vàng đã kích thích nhu cầu của thị trường và giá được hỗ trợ từ lực cầu này.
Thận trọng hơn, chuyên gia kinh tế – TS Nguyễn Minh Phong cho rằng giá vàng có triển vọng khởi sắc trong năm nay, nhưng mức tăng sẽ không mạnh đến mốc 1.500 USD/ounce vì động lực tăng giá không có gì mới, đặc biệt là lạm phát trên toàn cầu đang ở mức thấp. Riêng giá vàng trong nước có thể tăng nhưng không thể cao, nhất là trong bối cảnh thị trường nằm trong sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời giá trong nước và giá thế giới chưa liên thông nhau hoàn toàn. Giá vàng trong nước cũng sẽ tăng theo đà tăng thế giới nhưng khoảng cách giá còn lớn.
USD tăng giá
Ngày 15.2, giá USD tại các ngân hàng thương mại tăng từ 30 – 40 đồng/USD. Giá mua – giá bán USD tại Vietcombank lên 22.320 – 22.390 đồng/USD; Eximbank lên 22.290 – 22.380 đồng/USD; BIDV ở mức 22.330 – 22.400 đồng/USD; Ngân hàng Nhà nước VN công bố tỷ giá trung tâm tăng 12 đồng/USD, lên 21.873 đồng/USD. Trên thị trường liên ngân hàng, giá USD buổi sáng tăng 30 đồng/USD, lên 22.365 đồng/USD nhưng đến chiều giảm xuống lại mức 22.335 đồng/USD. Giá USD tự do giao dịch quanh mức 22.380 – 22.400 đồng/USD. So với đầu năm, giá USD giảm 150 đồng, tương đương 0,66%. Một số ngoại tệ khác có mức giảm từ 200 – 300 đồng/ngoại tệ so với giá đầu tháng 2 như euro giảm 200 đồng/euro, còn 24.870 – 25.168 đồng/euro; AUD giảm 300 đồng/AUD, còn 15.822 – 16.060 đồng/AUD… Nhu cầu mua ngoại tệ trên thị trường chưa cao.
T.Xuân
|
Thanh Xuân – Hồng Sương