26/12/2024

Nga và phương Tây “lạnh” đến đâu?

Dù những từ ngữ mạnh mẽ đã được nêu ra ở diễn đàn quốc tế nhưng hai bên đều kêu gọi đối thoại.

 

Nga và phương Tây “lạnh” đến đâu?

 

 

 

Dù những từ ngữ mạnh mẽ đã được nêu ra ở diễn đàn quốc tế nhưng hai bên đều kêu gọi đối thoại.


 

 

 

 

Nga và phương Tây “lạnh” đến đâu?
Thủ tướng Nga Medvedev (phải) và chủ tịch Hội nghị chính sách an ninh Wolfgang Ischinger tại Munich ngày 13-2 – Ảnh: Reuters

“Tạo lập niềm tin là chuyện khó nhưng chúng ta phải bắt đầu. Quan điểm của chúng ta hiện nay khác nhau nhưng không quá khác so với hồi cách đây 40 năm khi ở châu Âu còn tồn tại bức tường” – Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố bên lề Hội nghị chính sách an ninh ở Munich (Đức) về mối quan hệ Nga và phương Tây hiện nay.

Gần như ngày nào người ta cũng kết tội chúng tôi là mối đe doạ lớn nhất, khi thì với liên minh NATO, khi thì với châu Âu, với Mỹ hoặc với những quốc gia khác

Thủ tướng Nga 
DmitrY Medvedev

Nga tố bị cô lập

Theo AFP, thủ tướng Nga dù nêu lên mong muốn đối thoại giữa hai bên khi đề cập vấn đề khủng hoảng ở Ukraine và cách giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria hiện nay nhưng ông cũng đã nói thẳng về bóng ma chiến tranh lạnh mới giữa hai bên.

Nhà lãnh đạo Nga không giấu lo ngại: “Điều đang tồn tại là chính sách không thân hữu của NATO với Nga. Tôi có thể nói rõ ra là chúng ta đã trượt vào giai đoạn chiến tranh lạnh mới”.

Ông thậm chí có vẻ khiêu khích: “Liệu chúng ta có thật sự cần đến một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba để hiểu ra rằng cần hợp tác hơn là đối đầu?”.

Nhà lãnh đạo Nga cho rằng chính sách của Liên minh châu Âu (EU) trong việc tăng cường đối tác với các quốc gia thuộc khối Liên Xô (cũ) là hình thức cô lập nước Nga:

“Những nhà quyết định chính sách của châu Âu tưởng rằng việc tạo ra cái gọi là “vành đai bạn hữu” ở các vùng biên giới của EU sẽ là một cách đảm bảo an ninh. Thế kết quả là gì? Không hề có vành đai bạn hữu mà chỉ là vành đai cô lập”.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người cũng có mặt tại Munich, một mặt tố cáo “thái độ căm ghét Nga ở một số thủ đô” nhưng cũng kêu gọi “hồi phục tinh thần đối thoại”.

Thủ tướng Medvedev cho rằng chính việc Ukraine trở thành đối tác thân hữu với EU là nguồn cơn của cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay và điều đó đưa đến những căng thẳng sâu sắc giữa Nga và phương Tây, dẫn đến những biện pháp cấm vận đối với Nga và làm đóng băng nhiều cơ hội đối thoại.

Ông dẫn ví dụ mà cả thế giới vừa vỗ tay hoan nghênh hôm 12-2 sau cuộc nói chuyện dài hai giờ giữa Giáo hoàng Francis và đức Thượng phụ đạo Chính thống giáo Nga Kirill ở Cuba: “Trước cuộc gặp này, hai cộng đồng tôn giáo không hề nói chuyện với nhau suốt nhiều thế kỷ”.

NATO cương quyết

Đáp trả lại, ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký khối NATO, cho rằng phương Tây “không tìm kiếm sự đối đầu” và “chúng tôi không mong muốn cuộc chiến tranh lạnh mới nhưng câu trả lời của chúng tôi là cương quyết”.

Ông Stoltenberg kết tội “một nước Nga cứng rắn hơn đang gây ra bất ổn cho khu vực châu Âu” với hàm ý nhắc nhở về việc Nga sáp nhập vùng Crimea và tiếp tục ủng hộ lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine mới là nguồn cơn khủng hoảng hiện nay.

Theo Reuters, tuy vậy nhà lãnh đạo của NATO một mặt cho rằng liên minh này chọn cách “phòng thủ nhiều hơn” nhưng cũng mong muốn “đối thoại nhiều hơn” với Matxcơva.

Ông nhắc đến quyết định hôm 10-2 của NATO về việc “tăng cường hơn nữa kể từ nhiều thập niên qua trong việc phòng thủ tập thể để phòng ngừa mọi hành động gây hấn hoặc đe dọa, không phải để đẩy đến chiến tranh mà để ngăn ngừa chiến tranh”.

Quyết định của khối NATO gồm có việc bổ sung vũ khí hạng nặng đến các nước thành viên ở Đông Âu và thiết lập những đội quân “luân phiên” hiện diện ở các nước Đông Âu.

Theo trang Sputnik, một số thành viên của phương Tây cũng quan ngại với khả năng chiến tranh lạnh. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz hôm 13-2 tuyên bố:

“Chúng ta không thể để chiến tranh lạnh quay trở lại. Chúng ta cần tranh thủ cơ hội từ đối thoại ở Vienna để tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Syria. Chiến tranh lạnh thuộc về quá khứ và điều đó là không thể thay đổi. Các thế hệ mới chỉ nên biết chiến tranh lạnh qua sách vở và điều đó phải được giữ vững như thế”.

Tại Hội nghị an ninh ở Munich, các lãnh đạo chính trị của phương Tây và Nga đang tìm cách giải quyết hai “khúc xương” Ukraine và Syria để từ đó giữ cho thế giới yên bình hơn.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nêu rõ: “Những sự kiện đang diễn ra tại Syria giống như khúc dạo đầu của cuộc chiến giữa một bên là Nga và Iran và bên kia là Mỹ và Saudi Arabia. Chúng ta cần làm sao để tránh kịch bản đó”.

Giữa nhìn nhận và thực tế tuy vậy không hề dễ dàng chút nào.

Chẳng hạn cũng tại Munich, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiếp tục cho biết thái độ cứng rắn của Mỹ trong việc không dỡ bỏ cấm vận kinh tế đối với Nga dù một số nước châu Âu, trong đó có Pháp, đã bắn tin có thể bỏ cấm vận trong vài tháng nữa.

N.QUÂN