Làm tròn điểm thi sao cho công bằng?
Để đảm bảo tính công bằng và chính xác cho một kỳ thi quy mô cả nước mà việc chênh lệch 0,25 điểm có thể từ đậu thành rớt hoặc ngược lại, cần tiếp tục hoàn chỉnh các quy định về làm tròn điểm cũng như chuẩn bị thang điểm và đáp án cho từng môn thi hợp lý hơn.
Làm tròn điểm thi sao cho công bằng?
Để đảm bảo tính công bằng và chính xác cho một kỳ thi quy mô cả nước mà việc chênh lệch 0,25 điểm có thể từ đậu thành rớt hoặc ngược lại, cần tiếp tục hoàn chỉnh các quy định về làm tròn điểm cũng như chuẩn bị thang điểm và đáp án cho từng môn thi hợp lý hơn.
Thực tế từ kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 về việc làm tròn điểm, thang điểm và đáp án sẽ là những kinh nghiệm để Bộ GD-ĐT ban hành quy chế thi THPT quốc gia năm 2016 cho phù hợp hơn.
Để tăng độ chính xác của điểm thi, quy chế thi năm 2015 nêu rõ: Bài thi các môn tự luận được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25; không quy tròn điểm. Các môn trắc nghiệm cũng được chấm bằng máy và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10 (lấy đến 0,25) cho từng bài thi.
Đề thi năm 2015 đã đạt được mục tiêu kép khi vừa đáp ứng yêu cầu dùng để xét tốt nghiệp THPT, vừa đạt độ phân cách đủ để các trường dùng làm cơ sở xét tuyển. Phổ điểm các môn thi nhìn chung có dạng chuông khá chuẩn với đỉnh lệch về điểm cao bên phải (ngoại trừ môn tiếng Anh). Số thí sinh (TS) đạt từ điểm trung bình trở lên của từng môn khá cao nên lần đầu tiên mức điểm ngưỡng xét tuyển (tổng điểm 3 môn thi) đạt mức 15 điểm (xem bảng 1).
Tuy nhiên, các phổ điểm này chưa được “mượt mà” lắm do có hiện tượng nhô cao hoặc tụt thấp của một số cột điểm.
Các môn trắc nghiệm có “hiện tượng nhô cao của các cột điểm rưỡi”. Hiện tượng này có thể giải thích do sự gộp chung các TS có số câu đúng khác nhau vào “điểm rưỡi” gần nhất. Thực tế hiện nay các câu trắc nghiệm đều có trọng số điểm bằng nhau. Với đề thi trắc nghiệm có 50 câu, mỗi câu sẽ có giá trị điểm là 0,2. Ví dụ (xem bảng 2).
Như vậy các TS làm đúng 32 và 33 câu sẽ có cùng số điểm là 6,5. Tương tự cho các “điểm rưỡi” khác.
Các môn tự luận cũng có hiện tượng tương tự nhưng là “tụt thấp của các cột điểm lẻ” (lẻ 0,25 và 0,75). Không thể cho rằng cán bộ chấm thi không quen chấm đến điểm lẻ 0,25 vì thang điểm và đáp án đã quy định rất rõ. Nhưng khi phải chấm hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bài thi thì cả hai cán bộ chấm thi không có thời gian để lưu ý gò ép mình phải chấm thành điểm tròn hoặc điểm rưỡi. Như vậy có thể nói rằng “hiện tượng tụt thấp của các cột điểm lẻ” chính là do thang điểm và đáp án chưa được “mượt mà” lắm.
Tuy đây không phải là vấn đề quá lớn, nhưng để đảm bảo tính công bằng và chính xác cho một kỳ thi quy mô cả nước mà việc chênh lệch 0,25 điểm có thể từ đậu thành rớt hoặc ngược lại, cần tiếp tục hoàn chỉnh các quy định về làm tròn điểm cũng như chuẩn bị thang điểm và đáp án cho từng môn thi hợp lý hơn.
Nguyễn Đức Nghĩa
(Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM)