26/12/2024

Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ: Dấu mốc lịch sử mới

Hội nghị thượng đỉnh giữa ASEAN và Mỹ là sự kiện đặc biệt chưa từng có tiền lệ và đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ song phương.

Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ: Dấu mốc lịch sử mới

 
 
 
 

Hội nghị thượng đỉnh giữa ASEAN và Mỹ là sự kiện đặc biệt chưa từng có tiền lệ và đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ song phương.






 

Tổng thống Mỹ Barack Obama và các lãnh đạo ASEAN tại Malaysia hồi tháng 11.2015 – Ảnh: Reuters

 


Trong hai ngày 15 – 16.2 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ tại Trung tâm Sunnylands, California. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo các bên gặp nhau trên đất Mỹ và diễn ra chỉ khoảng 4 tháng sau khi ông Obama hội đàm với các nhà lãnh đạo ASEAN ở Malaysia, theo Đài Channel News Asia. Một điểm đáng chú ý khác, hội nghị lần này đánh dấu lần đầu tiên hai bên gặp nhau sau khi thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược hồi năm ngoái.

Khác biệt lớn nhất là trong cuộc họp báo về hội nghị hôm 10.2, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương Daniel Russel cho biết lần này các nhà lãnh đạo sẽ không bị “gò bó” trong 1 giờ hội họp thuộc khuôn khổ các sự kiện khác như trước. Thay vào đó sẽ là những cuộc thảo luận trên tinh thần cởi mở, không đối mặt với sức ép phải đưa ra tuyên bố chung hoặc kế hoạch cụ thể để giải quyết vấn đề cụ thể. Báo The Star dẫn lời nhiều quan chức Washington và ASEAN khẳng định các nhà lãnh đạo tham gia thảo luận “có thể nêu bất cứ vấn đề nào quan trọng đối với họ”.
Biển Đông và Trung Quốc
Hội nghị lần này được cho là sẽ tập trung vào những vấn đề của ASEAN và Mỹ hơn là những chuyện thời sự chung của thế giới, và một danh sách dài về an ninh và kinh tế đã được chuẩn bị. Trong cuộc họp báo nói trên, giám đốc cấp cao về sự vụ châu Á của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Daniel Kritenbrink khẳng định nước này xem ASEAN là một đối tác chủ chốt trong việc xây dựng và duy trì trật tự dựa trên luật pháp tại châu Á – Thái Bình Dương.
 
 
Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ: Dấu mốc lịch sử mới - ảnh 1
Bạn có thể tin tưởng rằng chúng tôi vẫn ở đây và tập trung vào Đông Nam Á, bất kể tổng thống kế tiếp là ai

Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ: Dấu mốc lịch sử mới - ảnh 2
 
Đại sứ Mỹ tại ASEAN Nina Hachigian
 

Bên cạnh đó, một nhà ngoại giao Mỹ nhận định với The Starrằng nước này hy vọng ASEAN sẽ đề cập cởi mở và sâu về vấn đề Biển Đông, vốn thường gây tranh cãi tại các đợt hội nghị của khối. Như vậy dù muốn dù không thì cái tên Trung Quốc chắc chắn sẽ xuất hiện.

Theo báo Rappler, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III được cho là sẽ chủ động đưa Biển Đông lên bàn nghị sự trong bối cảnh Toà Trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan có thể sẽ ra phán quyết cho vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông trước tháng 5.2016. Giới chuyên gia nhận định trong hội nghị, có thể Tổng thống Obama sẽ kêu gọi ASEAN thống nhất gây áp lực ngoại giao để Trung Quốc chấp nhận phán quyết của toà. Trả lời phỏng vấn tờ Financial Timestrước thềm hội nghị, Trợ lý ngoại trưởng Russel nhấn mạnh: “Phán quyết của PCA có ý nghĩa rất quan trọng. Tôi nghĩ đó là phép thử cho thấy liệu Trung Quốc sẽ được xem là một quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế hay là một kẻ đứng bên ngoài hệ thống chung”.
Một điểm khác có thể được đưa ra thảo luận là thái độ của ASEAN đối với hoạt động hàng hải của Mỹ và đồng minh ở Biển Đông, đặc biệt là kế hoạch tuần tra áp sát các đảo nhân tạo phi pháp do Trung Quốc bồi đắp. Theo giới quan sát, nhìn chung đến nay, hoạt động của tàu Mỹ tương đối được đón nhận nhưng không phải thành viên nào của ASEAN cũng hoàn toàn vui vẻ về chuyện này.
Cũng rất đáng lưu ý là Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Obama sắp chính thức rời Nhà Trắng, Tổng thống Aquino III sắp kết thúc 2 nhiệm kỳ, còn Việt Nam, Lào và Myanmar vừa trải qua những sự kiện mang tính chuyển giai đoạn về lãnh đạo. Do đó, một số ý kiến cho rằng hội nghị “chỉ mang tính tượng trưng và sẽ khó mang lại đột phá”. Thậm chí có nhà quan sát nêu lên nguy cơ chững lại hoặc đảo ngược về đường hướng trong quan hệ ASEAN – Mỹ cũng như thái độ của các bên về các vấn đề khu vực.
Reuters mới đây dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario bất ngờ tuyên bố nếu nhận được phán quyết có lợi trong vụ kiện Biển Đông, nước này có thể lấy đó làm cơ sở để chủ động đàm phán song phương với Trung Quốc. Tuyên bố này đi ngược lại lập trường lâu nay của Tổng thống Aquino III là bác bỏ đề nghị đàm phán song phương của Bắc Kinh. Theo dự kiến, cuộc bầu cử tổng thống mới ở Philippines sẽ diễn ra ngày 9.5.2016 và ứng viên hàng đầu – đương kim Phó tổng thống Jejomar Binay – từng thể hiện quan điểm ủng hộ đàm phán song phương với Trung Quốc, theo Rappler.
Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia và quan chức khẳng định sự kiện tại Sunnylands không chỉ mang tính biểu tượng mà là kết tinh của những thành tựu hai bên đã đạt được trong việc thắt chặt niềm tin và sự hiểu biết lẫn nhau. Nhà nghiên cứu cấp cao James L.Schoff thuộc Tổ chức ủng hộ hoà bình thế giới Carnegie (Mỹ) nhận định đây là cơ hội củng cố những thành tựu đó cũng như giải quyết nhiều thách thức về kinh tế, an ninh và xã hội mà ASEAN đang đối mặt.
Hôm qua 14.2, Đại sứ Mỹ tại ASEAN Nina Hachigian khẳng định với Channel News Asia Mỹ sẽ tiếp tục thể hiện cam kết của mình đối với Đông Nam Á kể cả sau thời Tổng thống Obama. “Bạn có thể tin tưởng rằng chúng tôi vẫn ở đây và tập trung vào Đông Nam Á, bất kể tổng thống kế tiếp là ai”, bà Hachigian nói.
Bên cạnh đó, theo AP, quá trình chuyển giao tại một số thành viên ASEAN, chẳng hạn như VN, mang tính ổn định và phát huy nên sẽ ít khả năng xảy ra những thay đổi mang tính đảo ngược hoặc chuyển hướng về đường lối đối ngoại và an ninh.
Tận dụng vũ khí TPP
Kinh tế cũng là một nội dung bàn thảo trọng tâm khi theo tờ The New York Times, Mỹ đang nỗ lực đẩy mạnh vai trò của mình ở Đông Nam Á thông qua đầu tư. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN với kim ngạch thương mại hai chiều hơn 366 tỉ USD trong năm 2014, còn Mỹ đứng thứ tư trong năm 2015, sau cả EU và Nhật. Tuy nhiên, Mỹ đang có chiến lược tập trung vào đầu tư trực tiếp, vốn vượt xa Trung Quốc. Các công ty Mỹ đầu tư 32,3 tỉ USD vào ASEAN từ năm 2012 – 2014, so với 21,3 tỉ USD từ Trung Quốc, theo The New York Times. Tính toàn bộ trong giai đoạn 2000 – 2014, Mỹ đầu tư 226 tỉ USD vào Đông Nam Á, hơn cả tổng vốn đầu tư của nước này ở Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng Washington sẽ tiếp tục đẩy mạnh ưu thế này thông qua vũ khí chủ lực Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hiện chỉ mới có 4 thành viên ASEAN tham gia TPP nhưng đều là những đối tác mạnh và hấp dẫn (VN, Malaysia, Brunei và Singapore). Ba “ông lớn” khác là Indonesia, Philippines và Thái Lan đã tuyên bố ý định gia nhập hoặc đang cân nhắc. Tương tự đối ngoại và an ninh, giới quan sát cho rằng những cuộc chuyển giao vừa qua tại một số thành viên ASEAN có thể sẽ không dẫn đến xoay chuyển 1800 về kinh tế nên những nước đã ký TPP chắc chắn sẽ sớm chính thức thông qua hiệp định.
Từ đó, The New York Times dẫn lời Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN Alexander C.Feldman khẳng định Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ ở Sunnylands là đỉnh cao của chiến lược kinh tế Mỹ trong khu vực kể từ khi ông Obama nhậm chức.
Trung tâm Sunnylands thường được ví là “Nhà Trắng thứ 2”, nơi các tổng thống Mỹ tổ chức các sự kiện mang tính cởi mở và thân mật thay vì nặng tính lễ nghi như ở Washington D.C, từ đó sẽ có thể thảo luận “thẳng thắn và sát sườn hơn” về những vấn đề gai góc. Trước hội nghị với các lãnh đạo ASEAN, Tổng thống Obama chỉ mới 2 lần tiếp lãnh đạo nước ngoài tại Sunnylands là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2013 và vua Abdullah II của Jordan năm 2014.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ
Chiều 14.2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama.
Tham gia đoàn có Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng; Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh; lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ…
Hội nghị này có ý nghĩa đặc biệt bởi đây là hội nghị quốc tế quan trọng đầu tiên trong năm 2016 của ASEAN và là hội nghị cấp cao đầu tiên giữa ASEAN và một nước đối tác ngay sau khi hình thành Cộng đồng ASEAN. Hội nghị thể hiện sự coi trọng của cả hai bên đối với quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Mỹ và sẽ bàn về phương hướng, biện pháp hợp tác đi vào thực chất và cụ thể hơn, đồng thời sẽ trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị nhằm triển khai đường lối đối ngoại, đề cao các thành tựu phát triển đất nước, tiếp tục sự nghiệp đổi mới, thể hiện vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN sau Đại hội Đảng lần thứ XII. Đồng thời, Việt Nam cũng khẳng định nỗ lực góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Mỹ đi vào thực chất, hiệu quả, tranh thủ sự hợp tác và hỗ trợ của Mỹ trong các lĩnh vực ASEAN và VN có lợi ích như liên kết kinh tế, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, giao lưu nhân dân, hợp tác và xử lý các thách thức xuyên quốc gia; thúc đẩy cam kết và hỗ trợ của Mỹ đối với ASEAN trong việc nâng cao năng lực, mở rộng quan hệ với các đối tác và đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực cũng như trong việc duy trì hoà bình và an ninh khu vực.
TTXVN

Văn Khoa