Khơi gợi tinh thần quốc gia khởi nghiệp
Nếu như động lực khởi nghiệp của thế hệ doanh nhân trước đây xuất phát đơn giản từ nhu cầu mưu sinh, kiếm sống thì tinh thần khởi nghiệp của người trẻ bây giờ còn mang khát khao ước vọng hoàn thiện những mong muốn bản thân, từ đó cống hiến cho đất nước, tạo thêm công ăn việc làm…
Khơi gợi tinh thần quốc gia khởi nghiệp
Nếu như động lực khởi nghiệp của thế hệ doanh nhân trước đây xuất phát đơn giản từ nhu cầu mưu sinh, kiếm sống thì tinh thần khởi nghiệp của người trẻ bây giờ còn mang khát khao ước vọng hoàn thiện những mong muốn bản thân, từ đó cống hiến cho đất nước, tạo thêm công ăn việc làm…
Năm 2016 được chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp, trong đó bên cạnh vai trò của Chính phủ, địa phương trong việc xây dựng thể chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thì tinh thần khởi nghiệp của mỗi người dân là vô cùng quan trọng.
Khởi nghiệp không chỉ bắt đầu từ vốn
Tại buổi toạ đàm với chủ đề Khởi nghiệp 2016 do báo Tuổi Trẻ tổ chức đầu tháng 2-2016, bà Vũ Kim Hạnh – chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao – cho biết nhiều bạn trẻ hễ đụng tới khởi nghiệp là đặt ngay vấn đề vốn.
“Các bạn trẻ thường nói hãy giúp vốn cho tôi, nhưng với khởi nghiệp nếu chưa hiểu biết về thị trường, xác lập mô hình quản trị kinh doanh, khách hàng mục tiêu, tiềm năng thị trường… thì đừng bao giờ nói chuyện vốn” – bà Hạnh nói.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hầu hết các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của nhiều tổ chức VN hiện nay đều tiếp cận theo cách thức trợ vốn, điều đó làm cho tỉ lệ thành công các dự án khởi nghiệp khá thấp và hiểu sai về cách thức hỗ trợ dự án khởi nghiệp.
Các tổ chức này không phải là ngân hàng nên không thể cứ đem tiền để trợ vốn ban đầu trong khi ai cũng biết rằng khởi nghiệp thua nhiều hơn thắng. Bởi vậy, theo bà Hạnh, cần có cách tiếp cận khác trong việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp. Ngay cả suy nghĩ về đối tượng khởi nghiệp hiện nay cũng thiên lệch. Khởi nghiệp không chỉ dành cho người trẻ, người già cũng muốn khởi nghiệp.
Cùng quan điểm, ông Cổ Gia Thọ – chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thiên Long, chủ tịch CLB Nhà đầu tư thiên thần – chia sẻ khi tiếp xúc hầu hết các bạn trẻ khởi nghiệp, điểm chung ai cũng nói cần vốn, chưa thấy cái cần xa hơn là quá trình quản trị doanh nghiệp.
“Họ không quan tâm nhiều đến người đầu tư làm ăn cùng là ai. Ngoài câu chuyện vốn thì ý tưởng làm ăn, kế hoạch thực hiện và cách thức quản trị mới giúp dự án trở nên khả thi được” – ông Thọ chia sẻ.
Vậy tinh thần khởi nghiệp được bắt đầu từ đâu? Theo bà Hạnh, quan sát các mô hình phát triển khởi nghiệp nhiều nước, bà càng thấm thía hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Trong đó, toàn xã hội phải xây dựng được ý thức mỗi người có một nhiệm vụ, cần có trách nhiệm tự thân và phải hỗ trợ khởi nghiệp.
Ở Israel, doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc đã thành công hầu hết đều dựa trên nền tảng giáo dục đó. Họ được giáo dục đã là doanh nghiệp thì phải có trách nhiệm hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ cộng đồng thúc đẩy khởi nghiệp. Đây gần như là trách nhiệm hiển nhiên và công việc chính của doanh nghiệp Israel, đôi lúc nó trở thành đạo đức xã hội.
“Điều này ở VN có vẻ hoang đường nhưng cần phải xây dựng được một động thái như vậy. Khi những cán bộ ở trong bộ máy chính quyền chưa cảm nhận được vai trò của mình trong thúc đẩy khởi nghiệp thì khó hi vọng một quốc gia khởi nghiệp. Khởi nghiệp cần bắt đầu từ ý thức của Nhà nước, vai trò cán bộ lãnh đạo, Nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ khởi nghiệp” – bà Hạnh nhấn mạnh.
Những nhà đầu tư thiên thần
Là địa phương có nhiều hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt rất “cưng” doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Lê Minh Hoan – bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp – cho rằng doanh nghiệp chính là thị trường, không ai hiểu rõ sự đỏng đảnh của thị trường bằng chính doanh nghiệp.
Năm 2016 là Năm quốc gia khởi nghiệp, đây là tín hiệu đáng mừng. “Trước thông điệp được lãnh đạo Nhà nước phát đi là phát huy tinh thần khởi nghiệp, làm ăn kinh tế của toàn xã hội, địa phương phải chuẩn bị từ trước” – ông Hoan khẳng định.
Làm việc với nhiều bạn trẻ khởi nghiệp, ông Cổ Gia Thọ cho rằng khi khởi nghiệp, người trẻ chỉ thiếu kinh nghiệm, vốn chỉ thiếu tạm thời, bởi vậy CLB Nhà đầu tư thiên thần ra đời nhằm giúp những bạn trẻ này xác định lại định hướng của họ, giúp họ kiểm soát kế hoạch triển khai sau khi tập hợp nguồn lực như kêu gọi được những người khác cùng tham gia.
Thực tế, doanh nghiệp khởi nghiệp cần nhiều hỗ trợ, trong đó trước tiên là về mặt thủ tục hành chính. Sau đó mới là câu chuyện về vốn. “Về cơ chế thị trường, lãi suất cho vay phải rõ ràng nhưng cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho những doanh nghiệp khởi nghiệp ban đầu với những khoản vay trung hạn” – ông Thọ đề xuất.
Theo ông Thọ, hiện nay CLB Nhà đầu tư thiên thần thường tiếp xúc với nhiều bạn trẻ, họ có ý tưởng và đem đến chia sẻ muốn phát triển. Các doanh nghiệp thành công đi trước sẽ hỗ trợ nhóm khởi nghiệp trong tác nghiệp như kế hoạch triển khai, kiểm soát công việc.
Ngoài ra, doanh nghiệp khởi nghiệp còn thiếu quan hệ, mạng lưới vì vậy CLB sẽ hỗ trợ họ để rút ngắn thời gian tiếp cận. Thực tế đã có những dự án khi ký hợp đồng nhận hỗ trợ vốn xong thì bị lúng túng trong triển khai thực hiện.
Nhà nước đi đầu tạo niềm tin
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Lê Minh Hoan cũng cho rằng trong câu chuyện hỗ trợ khởi nghiệp hiện nay vốn không phải là vấn đề lớn nữa. Nếu cứ đưa tiền cho doanh nghiệp khởi nghiệp thì chắc chắn họ cũng sẽ chết chìm trong số vốn đó.
“Chúng tôi đang vận động doanh nghiệp có thể giảm bớt tiền hoạt động xã hội, thành lập một quỹ cộng đồng. Quỹ này sẽ không có tiền mặt mà là những cam kết của doanh nghiệp để giúp cho các doanh nghiệp khác lớn mạnh lên.
Khi một bạn trẻ có ý tưởng nào đó, chính cộng đồng doanh nghiệp trong quỹ này sẽ thẩm định những yếu tố cần thiết và giúp cho những ý tưởng đó trở thành hàng hoá thật sự, bước ra được thị trường. Doanh nghiệp có thể tham gia mua cổ phần hoặc cho vay, quỹ đó không đòi hỏi tiền tươi, thóc thật.
Tuy nhiên, có thể Nhà nước đi trước, tạo vốn mồi để có được sự tin cậy. Với kế hoạch này, có thể bắt đầu từ nhóm nhỏ, bởi chúng ta vẫn còn sự e ngại của nhiều doanh nghiệp” – ông Lê Minh Hoan nói.
Theo chuyên gia chuyên tư vấn doanh nghiệp khởi nghiệp Trương Cẩm Minh, điều quan trọng trong khơi gợi tinh thần khởi nghiệp là phải nêu được những tấm gương thành công lẫn thất bại. Bởi để thành công của doanh nghiệp, kiến thức nhà trường chỉ chiếm 20%, 50% là phải trải nghiệm, lăn lội và tự rút ra những bài học từ thất bại, 30% còn lại là từ các mối quan hệ.
Cần gieo cho những người khởi nghiệp tinh thần không sợ thất bại. “Ngoài ra, trong hệ sinh thái khởi nghiệp, Nhà nước là một thành phần của hệ sinh thái nhưng không cần can thiệp sâu mà chỉ cần tạo ra môi trường kinh doanh, tạo ra sự minh bạch. Thông tin càng minh bạch càng rõ ràng thì dễ dàng cho người khởi nghiệp” – ông Minh nói thêm.
“Các bạn trẻ khởi nghiệp ưu tư nhất hiện nay là vốn. Tuy nhiên, vốn không phải là vấn đề chính. Sự chưa hiểu về khởi nghiệp + đơn giản quá về chính sách nên thiếu nền tảng thúc đẩy cho quá trình khởi nghiệp
“Nếu chỉ đưa cho người khởi nghiệp 1 tỉ đồng thì kết quả cũng chỉ là chết chìm trong 1 tỉ đồng đó. Đồng Tháp đang kết nối vấn đề khởi nghiệp từ chính doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp có kiến thức, kinh nghiệm sẽ giúp cho các doanh nghiệp mới chập chững vào thị trường sớm
“Một tam giác khởi nghiệp thành công gồm ba yếu tố: lòng đam mê, nguồn tài lực lẫn tài chính và tài năng. Phải trả lời được câu hỏi tại sao người ta phải mua sản phẩm của mình thì lúc đó mới nên bắt đầu dự án khởi nghiệp
“Tinh thần khởi nghiệp ở VN hiện chỉ mới bắt đầu sôi động, còn quá sớm để lo nó trở thành một phong trào. Những người khởi nghiệp vẫn cần một không gian sinh hoạt chung cho việc phát triển chung, tìm hiểu chính sách, thông tin… để làm sao mỗi người có thể khởi nghiệp thành công
|
Hội nhập với hình ảnh quốc gia khởi nghiệp Năm 2016, một trong những nhiệm vụ trọng tâm VN đặt ra là phải nỗ lực tạo ra làn sóng đầu tư thứ hai với tinh thần quốc gia khởi nghiệp. Trả lời báo chí những ngày đầu xuân, ông Vương Đình Huệ – trưởng Ban Kinh tế trung ương – khẳng định tinh thần khởi nghiệp đã có trong văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XII. Theo đó, xác định doanh nghiệp tư nhân là một động lực quan trọng phát triển đất nước. Để hiện thực hoá vấn đề này, Ban Kinh tế trung ương đã hoàn thành đề án định hướng và giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong năm 2015, Chính phủ cũng đã ban hành nghị định số 118/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư, đáng chú ý là các dự án khởi nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin thuộc đối tượng mở rộng ưu đãi đầu tư. Với việc triển khai mạnh mẽ Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp 2014, dự kiến năm 2016 sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới và kỳ vọng được thể hiện bằng tinh thần quốc gia khởi nghiệp để doanh nghiệp VN kết nối được với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tham gia sâu hơn vào mắt xích quan trọng của chuỗi giá trị toàn cầu. Để hội nhập và cạnh tranh trong một nền kinh tế toàn cầu, VN phải trở thành một quốc gia khởi nghiệp. |
Câu lạc bộ “Nhà đầu tư thiên thần” Câu lạc bộ Nhà đầu tư thiên thần ra đời dựa trên ý tưởng của các doanh nghiệp là thành viên của CLB Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) với mục đích hỗ trợ những dự án khởi nghiệp mang giá trị cao cho cộng đồng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Các thành viên trong CLB chủ yếu là tổng giám đốc, ông chủ các doanh nghiệp Việt đã thành công, chuyên gia kinh tế… sẽ dùng kinh nghiệm, khả năng quản trị, thương thuyết của mình để hỗ trợ định hướng cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Từ khi có buổi sinh hoạt đầu tiên vào tháng 8-2015, đến nay các thành viên đã hỗ trợ hai dự án khởi nghiệp của người trẻ theo hình thức đầu tư vốn. Không đơn thuần về mặt vốn mà còn sát cánh, đồng hành giúp đỡ những người khởi nghiệp, rút ngắn con đường cũng như hạn chế những thất bại mà người khởi nghiệp gặp phải thông qua chuyển giao các mối quan hệ, đối tác, tư vấn. Trước mắt, các thành viên sẽ tập trung giúp đỡ các dự án khởi nghiệp trong câu lạc bộ sáng tạo khởi nghiệp của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp. |