25/12/2024

Hai miền Triều Tiên ăn miếng trả miếng

Khu công nghiệp Kaesong lại một lần nữa trở thành “con tin” khi quan hệ hai miền bán đảo Triều Tiên chuyển sang giai đoạn trắc trở.

 

Hai miền Triều Tiên ăn miếng trả miếng

Khu công nghiệp Kaesong lại một lần nữa trở thành “con tin” khi quan hệ hai miền bán đảo Triều Tiên chuyển sang giai đoạn trắc trở.

Hai miền Triều Tiên ăn miếng trả miếng
Doanh nghiệp di dời tài sản từ Khu công nghiệp Kaesong trở về Hàn Quốc – Ảnh: Reuters

Theo Reuters, Bộ Thống nhất Hàn Quốc thông báo 280 công dân Hàn Quốc cuối cùng đã thu vén đồ đạc rời Khu công nghiệp Kaesong trong đêm 11-2. Họ ra đi trong hối hả bởi lệnh trục xuất do phía Bình Nhưỡng đưa ra ngay trong buổi chiều. Đồng hồ địa phương điểm 23g05 khi cuộc di tản hoàn tất.

Vài phút trước nửa đêm, bên Hàn Quốc cũng cắt nguồn điện, nước cung cấp cho khu công nghiệp nằm cách biên giới Hàn Quốc 10km.

Lệnh trục xuất cấp kỳ là động thái đáp trả của CHDCND Triều Tiên trước việc Hàn Quốc ra lệnh đóng cửa Khu công nghiệp Kaesong một ngày trước, dù xét nguồn cơn thì quyết định của Seoul xuất phát từ vụ thử bom hạt nhân nhiệt hạch và phóng tên lửa tầm xa chở vệ tinh của Bình Nhưỡng.

Triều Tiên ngoài ra còn tuyên bố tịch thu mọi tài sản ở Kaesong và cắt đứt mọi liên lạc ở khu vực biên giới, trong đó có tuyến đường cao tốc nối hai miền.

Lần cuối cùng một sự kiện tương tự xảy ra là năm 2013, tâm điểm khi đó là vụ thử hạt nhân lần 3 của Triều Tiên.

“Tội người dân 
Triều Tiên”

“Tôi thấy tội người dân Triều Tiên quá, họ lo lắng còn hơn chúng tôi” – cô Kim Soo Hee, một y tá làm việc tại Kaesong, băn khoăn khi đang trên đường về nhà tối 11-2. Các doanh nghiệp Hàn Quốc tuy tổn thất nhiều nhưng được chính phủ hứa trợ giúp tái sản xuất, còn số phận của những công nhân Triều Tiên lại là một dấu hỏi.

Tuy nhiên cũng không thể không nhận thấy sự thất vọng và giận dữ của các chủ doanh nghiệp Hàn Quốc.

Theo AFP, ông Jang Ik Ho – giám đốc một doanh nghiệp ở Kaesong – trả lời trước khi lái xe rời biên giới vào đất Hàn Quốc: “Tôi không nói được nên lời trước những gì đang diễn ra. Tất cả các doanh nghiệp ở đây đều cố hết sức để mọi thứ chạy xuôi lọt và giờ thì lại như thế. Chúng tôi đã làm gì để bị đối xử như thế này?”.

U ban Tái thống nhất hòa bình Triều Tiên, cơ quan phụ trách quan hệ với miền Nam, mô tả hành động đóng cửa khu công nghiệp của Seoul là “tuyên bố chấm dứt mạch sống cuối cùng của quan hệ Nam – Bắc Triều” và “đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực một cuộc chiến”.

Có lẽ không cần nhắc đến những lời căng thẳng mà phía Bình Nhưỡng dành cho giới lãnh đạo Hàn Quốc, chúng vẫn như mọi khi, điều mọi người quan tâm là mối bất hòa lần này liệu có thể chấm dứt như hồi năm 2013?

Khu phức hợp Kaesong là dự án hợp tác liên Triều cuối cùng còn hoạt động cho đến cách đây hai ngày. Kaesong ra đời vào giai đoạn “chính sách Ánh dương” (1998-2008), Hàn Quốc khi đó tiến hành một loạt dự án hợp tác chung với miền Bắc. Kaesong kết hợp giữa công nghệ sản xuất của người Hàn và nguồn lao động giá rẻ của Triều Tiên.

Ước tính có khoảng 45.000 người Triều Tiên làm việc trong 123 nhà máy của Hàn Quốc tại Kaesong. Khu công nghiệp sản xuất ra hơn 515 triệu USD hàng hoá gồm quần áo, linh kiện điện tử… trong năm ngoái.

Tờ New York Times đánh giá quyết định một lần nữa đóng cửa Kaesong cho thấy Seoul đang đánh mất niềm tin vào con đường hòa giải thông qua hợp tác kinh tế. Hàn Quốc nghi ngờ Bình Nhưỡng đã tịch thu toàn bộ 560 triệu USD tiền lương các doanh nghiệp trả cho công nhân Triều Tiên từ năm 2004 để chi cho chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của họ.

Đây là một cáo buộc không hề nhẹ và sự thay đổi trong thái độ dễ dàng cho thấy Hàn Quốc đang tiến hành một cuộc vận động quốc tế chưa từng có để áp lệnh trừng phạt nặng hơn lên Triều Tiên.

Trung Quốc ngại Hàn Quốc nhờ Mỹ bảo vệ

Báo Korea Times đưa tin Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung Se trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề một hội nghị an ninh tại Munich (Đức) ngày 11-2 đã thông báo về quyết định đóng cửa Khu công nghiệp Kaesong.

Tại cuộc đối thoại, ông Yun bày tỏ đó là “một quyết định khó khăn” nhằm thể hiện quyết tâm của Hàn Quốc và sự hợp tác với Hội đồng Bảo an LHQ cũng như cộng đồng quốc tế.

Đáp lại, Ngoại trưởng Vương Nghị đồng ý cần cấp thiết đối thoại để đưa ra một nghị quyết mới chống lại Bình Nhưỡng sau vụ thử bom hạt nhân và tên lửa tầm xa. Ông Vương cũng nhận định những hành động khiêu khích liên tiếp của Triều Tiên đang làm phức tạp tình hình an ninh trên bán đảo.

Tuy nhiên, ngoại trưởng Trung Quốc không quên nhấn mạnh tầm quan trọng của “một phản ứng khôn ngoan có cân nhắc đến lợi ích và mối quan tâm của các quốc gia láng giềng”.

Theo Korea Times, thông điệp trên cho thấy Bắc Kinh đang tỏ ra bồn chồn trước việc Seoul thông báo bắt đầu tiến hành đàm phán chính thức với Mỹ về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc.

Các quan chức Bắc Kinh xem hành động này không chỉ đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên mà còn ngăn chặn ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc.

Phát biểu trong hội nghị tại Munich, ngoại trưởng Hàn Quốc kêu gọi quốc tế “không khoan nhượng” trước “hành vi sai trái” của Triều Tiên. Cũng theo ông Yun, chính phủ Tổng thống Park Geun Hye cam kết nâng tầm quan hệ với các nước châu Âu, cụ thể là khối NATO, trong các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế.

“Đây phải là một nghị quyết quyết liệt để bảo đảm rằng Triều Tiên không tiếp tục mạo hiểm với các vụ thử hạt nhân lần năm hay lần sáu

Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung se nêu trong lời kêu gọi LHQ áp lệnh trừng phạt lên Triều Tiên