23/12/2024

Cuộc gặp lịch sử Công giáo – Chính Thống giáo sau 1.000 năm

Giáo hoàng Francis và lãnh đạo Chính Thống giáo Nga, Thượng phụ Kirill đã ký tuyên bố chung sau cuộc gặp lịch sử đầu tiên tại Havana, Cuba vào ngày 13.2 (giờ VN).

Cuộc gặp lịch sử Công giáo – Chính Thống giáo sau 1.000 năm

 

Giáo hoàng Francis và lãnh đạo Chính Thống giáo Nga, Thượng phụ Kirill đã ký tuyên bố chung sau cuộc gặp lịch sử đầu tiên tại Havana, Cuba vào ngày 13.2 (giờ VN).

Trong cuộc gặp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo Công giáo và Chính Thống giáo kể từ năm 1054, Giáo hoàng Francis và Thượng phụ Kirill đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy bảo vệ người đạo Thiên Chúa tại Trung Đông trước “nguy cơ bị huỷ diệt hoàn toàn” và giúp những người chạy nạn khỏi khu vực đó.

Tín đồ Công giáo trước nguy cơ “truy bức”

“Tầm mắt của chúng ta đầu tiên là phải hướng về những khu vực trên thế giới mà các tín đồ Thiên Chúa giáo là nạn nhân của sự ngược đãi. Ở nhiều nước tại Trung Đông và Bắc Phi, cả gia đình, làng mạc và thành phố của các tín hữu đang bị xoá sổ”, theo Reuters dẫn tuyên bố chung.

Giáo hoàng Francis và Thượng phụ Kirill đã tập trung sự chú ý vào tình hình bạo loạn tại Iraq và Syria, nhấn mạnh tính nghiêm trọng của các vấn đề nhân đạo trong khu vực và thúc giục cộng đồng quốc tế hãy bắt tay hỗ trợ.

“Hàng ngàn nạn nhân đã ngã xuống trong làn sóng bạo lực tại Syria và Iraq, đẩy hàng triệu gia đình vào tình trạng vô gia cư hoặc thiếu thốn phương tiện sinh sống. Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy tìm cách chấm dứt tình trạng bạo lực và chủ nghĩa khủng bố, cùng lúc đó góp phần thông qua đối thoại để xoay chuyển về hướng hoà bình”, theo tuyên bố.

Cả hai nhà lãnh đạo tinh thần Đông – Tây cũng thảo luận về quan hệ giữa hai nhà thờ và các vấn đề của tín hữu, bên cạnh việc chia sẻ quan điểm về sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại.

Tuyên bố còn kêu gọi thế giới hãy hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố và giải phóng những người lọt vào tay của những kẻ khủng bố cực đoan.

Ukraine cũng được đề cập trong cuộc hội đàm thượng đỉnh, với hai vị lãnh đạo tôn giáo lên án tình trạng bạo lực đã “đẩy xã hội vào cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo”, đồng thời kêu gọi các bên hãy tìm đến giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột.

Hai nhà thờ hiện tìm cách vượt qua một số khác biệt về lịch sử và cùng bắt tay đối diện với những thách thức của thế kỷ 21.

Cuối cùng vẫn là anh em

“Nói cho cùng, chúng ta là anh em”, đó là những lời đầu tiên Giáo hoàng Francis đã nói với Thượng phụ Kirill khi hai vị gặp nhau, theo thông tấn xã TASS.

“Giờ đây, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn”, Thượng phụ Kirill đáp lời.

“Rõ ràng cuộc gặp này là ý của Chúa”, Đức Thánh cha nói bằng tiếng mẹ đẻ Tây Ban Nha.

“Chúng ta đã gặp nhau đúng dịp và đúng nơi. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa là điều này có thể diễn ra là nhờ vào ý Chúa”, Thượng phụ Kirill tiếp lời.

Cả hai nhà lãnh đạo tôn giáo đã ôm nhau thân mật trước rừng camera trước khi bước vào cuộc họp kín kéo dài suốt 2 giờ.

Trước đó trong ngày, Thượng phụ Kirill đã vinh danh người hùng Jose Marti của Cuba trong một nghi thức tại quảng trường Cách mạng Havana.

Đích thân Chủ tịch Raul Castro đã đón Giáo hoàng Francis tại sân bay.

Được biết, có lý do khiến cuộc gặp này không được tổ chức tại châu Âu lẫn phương Đông, và việc tổ chức cuộc hội đàm trên đã được giữ bí mật tuyệt đối do vẫn tồn tại nhiều phản đối trong nội bộ Chính Thống giáo.

Cuộc gặp lịch sử Công giáo - Chính Thống giáo sau 1.000 năm - ảnh 1

Giáo hoàng Francis và Tổng thống Putin – Ảnh:  AFP

 

Vai trò của Tổng thống Putin

Theo AFP dẫn nhận định của các chuyên gia, mối liên hệ chặt chẽ giữa Thượng phụ và Điện Kremlin cũng tạo nên vị thế chiến lược cho cuộc gặp lịch sử giữa hai giáo chủ Đông – Tây kể từ cuộc ly giáo diễn ra 1.000 năm trước.

“Đằng sau hậu trường còn có một nhân vật chủ chốt thứ ba”, đó là Tổng thống Vladimir Putin, người từng được Giáo hoàng tiếp hai lần tại Toà Thánh.

Khác với Giáo hội Công giáo, Chính Thống giáo không có người đứng đầu chính thức, nhưng Thượng phụ Kirill dẫn đầu nhánh lớn nhất là Chính Thống giáo Nga, với hơn 150 triệu tín đồ.

Trên thực tế, Tổng thống Putin yêu cầu giáo trưởng Moscow đảm nhiệm vai trò ngoại giao, nhằm giúp thuyết phục Giáo hoàng Francis hỗ trợ hàn gắn quan hệ giữa Washington và Moscow, theo tờ The Daily Beast.

Theo một quan chức Mỹ thân cận với Điện Kremlin, thông điệp cần chuyển tải có nội dung: Nga là phe tốt, luôn lo lắng cho tín đồ Thiên Chúa giáo ở khắp nơi, và rằng phương Tây cần cẩn trọng để không xúi giục và gây kích động để chiến tranh bành trướng thêm.

Tuy nhiên, các đại diện của Thượng phụ đã liên tục bác bỏ các tin đồn cho rằng cuộc gặp tại Havana bị “vấy bẩn” bởi những mưu đồ chính trị.

Khủng hoảng nền tảng gia đình và hôn nhân đồng tính

Giáo hoàng Francis và Thượng phụ Kirill cũng bày tỏ những lo lắng về “sự khủng hoảng trong gia đình tại nhiều nước”. Đồng thời cả hai chia sẻ cùng quan ngại về sự trỗi dậy của hôn nhân đồng tính trên toàn cầu.

“Chính Thống giáo và Công giáo chia sẻ quan niệm chung về gia đình… Rằng gia đình được dựa trên nền tảng hôn nhân, hành động tự nguyện trao cho và tình yêu chân thành giữa nam và nữ. Đó là tình yêu gắn kết cho sự kết hợp của họ, và dạy họ chấp nhận lẫn nhau như là một món quà của Thượng đế”, theo tuyên bố.

Sau đây là clip ghi lại hình ảnh lịch sử: