23/01/2025

Mùa xuân đầu tiên của Hoa Hải Đường

Hải Đường là nhân vật mồ côi cha trong bài viết “Hoa Hải Đường nở giữa đồi nương” – Tuổi Trẻ ngày 8-10-2015.

 

Mùa xuân đầu tiên của Hoa Hải Đường

 

 

 

Hải Đường là nhân vật mồ côi cha trong bài viết “Hoa Hải Đường nở giữa đồi nương” - Tuổi Trẻ ngày 8-10-2015.

 

 

 

 

 

Mùa xuân đầu tiên của Hoa Hải Đường
Hải Đường mua thêm câu đối giá rẻ để về treo cho sáng căn nhà nhỏ giữa rẫy cà phê – Ảnh: Mai Vinh

Gặp lại Văn Hoa Hải Đường (19 tuổi, Trường ĐH Tài chính – marketing) khi cô sinh viên này nghỉ tết theo lịch của trường và đang đi phụ việc nhà cho một gia đình ở Q.1 (TP.HCM). Bạn bảo năm nay là năm đầu tiên có cảm giác nôn nao đón tết về kể từ khi bạn biết suy nghĩ về nghèo khó.

Năm nay khá hơn năm trước rồi, ráng cực thêm chút để năm sau lại khá hơn

VĂN HOA HẢI ĐƯỜNG

Tết chê mái nhà rách

“Những năm trước, tết “chê” mái nhà rách nát nằm giữa vườn cà phê nên tết không vào nhà. Cứ nghĩ ngày tết sắp tới mà tủi thân cứ kéo tới, buồn chịu không nổi” – Đường nói. Tết đã không về, mẹ đi làm ăn xa cũng không về.

Bạn sống một mình trong căn nhà rách nát nằm cô quạnh giữa rẫy cà phê nhiều năm liền khi mẹ bạn phải đi làm ăn xa để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Những ngày sống một mình, Hải Đường thường xuyên có những bữa ăn kham khổ. Những người bạn của Hải Đường kể rằng mỗi bữa ăn chỉ khoảng 1.000 đồng, thức ăn là tóp mỡ trộn muối.

Sau bài viết, Hải Đường được sự chia sẻ và hỗ trợ của bạn đọc báo Tuổi Trẻ. Ngoài các học bổng do báo Tuổi Trẻ và nhà trường cấp, bạn còn được bạn đọc báo Tuổi Trẻ tặng hơn 40 triệu đồng và một chiếc 
xe máy.

Ở nơi sinh viên Hải Đường đang làm thêm tranh thủ các ngày nghỉ tết, cô vừa thoăn thoắt làm vừa tâm sự về việc mình đã sử dụng đồng tiền của những người có tấm lòng ra sao. Cô bảo dù đã có một khoản tiền quá lớn so với sức tưởng tượng của cô và cả mẹ nhưng cô vẫn nán lại trong những ngày cận tết dù muốn về nhà đón tết.

“Mình muốn kiếm thêm tiền để trang trải sinh hoạt hằng ngày, còn tiền bạn đọc tặng mình gửi mẹ giữ để lo việc học và phòng những lúc bất trắc. Nhà cửa có tồi tàn em và mẹ tự động viên không sửa sang gì” – bạn nói. Sống trong nghèo khó lâu năm, một cô gái trẻ đã có những toan lo cơm áo gạo tiền của những người trưởng thành.

Mùa xuân đầu tiên của Hoa Hải Đường
Cô sinh viên Văn Hoa Hải Đường đi sắm quà tết sau những ngày học tập, làm thêm vất vả – Ảnh: Mai Vinh

Hẹn tết sang năm mẹ có áo mới

29 tháng chạp khi tết đã cận kề, Hải Đường mới lên đường về căn nhà nhỏ nằm giữa rẫy cà phê ăn tết cùng mẹ.

Bạn nói: “Ăn tết khoảng hai ngày thôi, sau đó em và mẹ phải đi tưới cà phê. Nếu không có em mẹ phải đi thuê người tưới mới kịp, tốn tiền lắm. Em về giúp mẹ đỡ đồng nào hay đồng đó”. Đến giờ, sau năm tháng có mặt ở giảng đường, không còn ốm yếu gầy còm do thiếu ăn, đôi khi bạn vẫn chưa tin rằng mình đang là sinh viên.

“Em ân hận vì ngày xưa từng có ý định bỏ học do sợ mẹ sẽ không nuôi nổi khi em sống ở thành phố đắt đỏ. Sài Gòn hay thật, chỉ cần chịu khó một chút đi làm là có tiền trang trải học hành một cách tươm tất. Đỡ lắm anh, đi phụ bàn ở quán ăn hết bữa trưa thì mình cũng được bữa trưa” – Hải Đường nói.

Tiền mọi người giúp đỡ, cô kiên quyết không dùng đồng nào để lo ăn ở, Hải Đường khoe vẫn còn y nguyên. Cô tự đi làm thêm những công việc bán thời gian để có tiền sinh hoạt.

Cô bùi ngùi nhớ rằng mẹ từng mong ước có được một chiếc áo ấm bằng len mới để có thể mặc cho thật tươm tất mỗi khi cần. Năm nay Hải Đường chưa mua được, cô tự hứa năm tới sẽ có áo mới cho mẹ.

Còn tết năm nay, cô sẽ làm việc đầu tiên trong đời, ấy là sẽ về nhà ăn tết cùng mẹ trước khi giao thừa đến và trên tay cô là giỏ quà bánh toàn những món mẹ thích. “Những năm trước, ngày cận tết hai mẹ con đi ngang qua cửa hàng tạp hoá, nhìn những giỏ quà rồi nhìn nhau, thèm lắm nhưng sao mà mua được” – bạn cười.

Với Hải Đường, dấu vết nghèo khó để lại đang mờ dần. Cuộc sống tốt đẹp hơn với cô và mẹ đang mở ra sau mỗi ngày bạn đến trường và sau mỗi bữa đi làm thêm. Với Hải Đường, đây là mùa xuân đầu tiên. Hơi thở của no ấm đã về ngang qua cuộc sống của hai mẹ con cô.

Mùa xuân đầu tiên của Hoa Hải Đường
Bà Bình, bé Thương và cháu trai hơn 2 tuổi bà đang trông thuê – Ảnh: L.Anh

Tết mới của bà cháu bà Bình

28 tết này, hai bà cháu bà Đặng Thị Bình (62 tuổi) và Hoàng Huyền Thương (13 tuổi) sẽ về quê ở Duy Tiên, Hà Nam ăn Tết Bính Thân. Hành trang ngoài tiền lương trông trẻ 1 triệu đồng/tháng, bà có thêm 2,3 triệu đồng của mấy nhà hảo tâm, đủ cho một cái tết ấm áp cho hai bà cháu.

Bà Bình có hai cô con gái, năm 2000 bà rời quê nhà lên Hà Nội ở trọ cùng con gái lớn và làm nghề trông trẻ.

Bà còn nhớ như in hôm ấy là ngày 8-1-2004, bà nhận trông cháu Hoàng Huyền Thương, lúc ấy vừa tròn 5 tháng tuổi. Con gái bé bỏng đang bú mẹ nhưng bố mẹ Thương gửi bà Bình trông con qua đêm, một phụ nữ 50 tuổi trông đứa bé 5 tháng chưa dứt sữa khóc ngằn ngặt cả đêm với chỉ 300.000 đồng tiền công/tháng, thế mà yêu bé, bà trông nom tận tình, bé bụ bẫm khiến khắp khu trọ đều khen bé đáng yêu.

“Nhưng khi bé 17 tháng tuổi thì bố mẹ bé xa con, tôi cứ chờ mãi nhưng họ không quay lại nên cứ nuôi cháu. Bây giờ thì như các cụ nói là “nhúng tay quá sâu”, cháu ở với mình từ lúc 5 tháng nên tôi rất yêu và không nỡ xa con” – bà Bình kể.

Bố mẹ Thương bỏ đi đâu không biết, bà Bình không có nghề nghiệp, sống bằng nghề trông trẻ thuê nhưng tấm lòng người “vú nuôi” với cháu gái ấy lại ấm áp lạ kỳ. Giờ chuyển nhà sang ở cùng con gái, cách trường bé Thương 17km, sáng nào bà cũng dậy từ 6g sáng đạp xe chở cháu ra bến xe buýt để bé Thương đến trường. Tới tối bé Thương về, bà cháu lại hủ hỉ với nhau.

Vừa rồi con gái bà tặng Thương chiếc điện thoại, một nhà hảo tâm hẹn sẽ tặng cháu chiếc máy tính để sử dụng vào việc học. Trong chiếc túi bà luôn mang theo có sáu tấm giấy khen của Trường tiểu học và THCS Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội tặng học sinh Hoàng Huyền Thương, có cả ảnh mẹ cháu khi còn chưa xa con…

LAN ANH

Bán hàng tết mua áo tặng ông nội

4g sáng 3-2, từ căn phòng trọ cạnh Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), bạn Hồ Thị Tuyết Nhung (20 tuổi, sinh viên năm nhất khoa quản trị kinh doanh) có dáng người nhỏ nhắn gọi xe ôm đi đến địa điểm cách đó 30km để lấy một bao hàng.

7g sáng, tại quảng trường 29-3 Đà Nẵng, Nhung bày biện bao hàng với sắc màu đỏ vàng mời khách mua. Bạn nói tết này đứa em trai và ông nội có chiếc áo mới hay không là nhờ cả vào những phong bao lì xì, những dây lộc và thiệp xuân từ bao hàng lưu niệm này.

Chúng tôi còn nhớ vào một buổi trưa đầu tháng 8 năm ngoái, trong căn nhà mái tôn nóng hầm hập ở xã Điện Tiến (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), những giọt nước mắt và chia sẻ của chị em Nhung đã khiến những người xung quanh không cầm lòng được.

Mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nhà không cửa, rường cột cuối cùng của gia đình chính là ông nội Hồ Công Bắc, đang ở tuổi gần đất xa trời. Con đường đến giảng đường vốn trắc trở, gập ghềnh coi như đã khép lại với Nhung.

“Khi ấy dù đủ điểm đậu ĐH nhưng vẫn không dám mơ sẽ có cơ hội đến giảng đường. Lúc cha còn sống mình từng phải bỏ giảng đường một lần thì khi cha mất gánh nặng nuôi em càng nặng hơn gấp bội. Số tiền học bổng của báo Tuổi Trẻ giúp mình bước sang một thay đổi lớn của cuộc đời” – Nhung kể.

Ở học kỳ đầu tiên, hằng ngày, ngoài giờ đến lớp thì thời gian biểu trống lúc nào, Nhung làm nhiều việc như phụ quán bún trước trường từ 5g30 – 7g, rửa chén cho quán cơm vào buổi trưa và bán cà phê vào buổi tối.

Vừa tạm nghỉ các công việc thường ngày, Nhung bán hàng tết – công việc do các thành viên trong Câu lạc bộ Tiếp sức mùa thi Quảng Nam – Đà Nẵng hướng dẫn. Hàng vừa dọn ra, giữa dòng người tấp nập mua sắm tết, tiếng rao của Nhung nghe mạnh mẽ, không còn yếu đuối như những ngày tháng 8…

TRƯỜNG TRUNG


MAI VINH ([email protected])