23/01/2025

Bánh kẹo ngoại ngập chợ tết

Những ngày cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tại các chợ, cửa hàng, siêu thị, những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng các ngày tết hết sức nhộn nhịp.

 

Bánh kẹo ngoại ngập chợ tết

 

Những ngày cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tại các chợ, cửa hàng, siêu thị, những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng các ngày tết hết sức nhộn nhịp. Giá một số mặt hàng cũng tăng mạnh. Điều đáng nói là hàng ngoại đang tràn ngập thị trường tết Việt.

 

 

 

 

Thị trường bánh kẹo đang nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Thị trường bánh kẹo đang nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Hàng nội mất hút
Với việc 2 đại gia bánh kẹo lớn nhất trong nước là Kinh Đô bán cho tập đoàn Mỹ là Mondelēz International và Bibica cũng thuộc về Lotte của Hàn Quốc, tết này đa số người Việt sẽ dùng bánh kẹo ngoại. Qua hệ thống phân phối của Kinh Đô, các sản phẩm của Mondelēz tràn ngập thị trường như phô mai Ritz, bánh quy bơ LU, kẹo Choclairs… Chị Phúc, ngụ tại Q.3, TP.HCM, vừa cho biết đã mua một túi bánh kẹo các loại từ cửa hàng chuyên bán đồ nhập khẩu. Đó là các loại hạt như cherry sấy khô, blueberry sấy khô, hạt dẻ cười với giá từ 300.000 đồng/nửa ký trở lên. “Giờ muốn mua loại bánh kẹo nào từ Úc, Mỹ, Nhật đều có. Dịp tết mua mấy thứ lạ để biếu và để tiếp khách hay hơn là những món bánh kẹo truyền thống đã xưa cũ”, chị chia sẻ.
Theo anh Hoài, chủ một sạp hàng tại chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM), người tiêu dùng ngày càng mong muốn có những sản phẩm mẫu mã bắt mắt, sang, đặc biệt dành cho nhu cầu quà biếu. Một số sản phẩm lạ như hạt mắc ca, hạt óc chó… được nhập khẩu hoàn toàn dù giá khá cao từ 300.000 đồng/gói nửa ký trở lên vẫn được tiêu thụ mạnh. Dịp tết là lúc nhiều người dùng, nhất là ở TP.HCM chỉ thích chọn mua bánh kẹo ngoại vì nhiều sản phẩm lạ, chất lượng và hình thức đẹp mắt, thích hợp cho nhu cầu biếu hoặc để tiếp khách. Báo cáo nghiên cứu thị trường bánh kẹo VN của Công ty khảo sát thị trường quốc tế (BMI) dự báo vào năm 2018 đạt mức 40.000 tỉ đồng. Tuy nhiên thị trường có tổng giá trị hơn tỉ USD với sản lượng 500.000 tấn/năm của VN đang nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại (chiếm 80% thị phần). 20% còn lại thuộc phân khúc hàng trung bình – thấp dành cho các thương hiệu nội, phục vụ các thị trường nông thôn.
“Bánh kẹo ngoại mẫu mã đẹp, chất lượng tốt nhưng nhìn các thương hiệu Việt ngày càng mai một cũng buồn” – chị Phúc nói.
Ở phân khúc giá rẻ, bánh kẹo, hạt bí, hạt dưa, hạt điều, óc chó… đa số là hàng không nhãn mác, hàng Trung Quốc. Tại chợ Bình Tây, những ngày cận tết, người bán các loại hạt cân bán không ngơi tay. Ông Tài, đứng bán hàng tại quầy bán bánh kẹo mới được kê “dã chiến” cho biết các loại hạt nhập của Trung Quốc về chừng nào bán sạch chừng đó. Hạt mắc ca Trung Quốc cách đây 10 ngày giá bán 280.000 đồng/kg nay lên 300.000 đồng/kg vẫn đông khách. Các loại hạt dưa, hạt bí giá rẻ từ 60.000 đồng/kg hầu như ai đến quầy cũng mua ít nhất là 1 kg. Hạt dưa và hạt bí của Trung Quốc được bán với giá rẻ hơn các loại hạt này của VN từ 10.000 – 20.000 đồng/kg và được người mua từ các tỉnh lấy về bán với số lượng lớn.
Tại chợ An Đông, sạp hàng L.P cũng ngập bánh kẹo ngoại với giá từ 100.000 – 130.000 đồng/kg. Từ kẹo trái cây Thái, chocolate Indonesia, bánh xốp Malaysia, đến kẹo lạ mới tung ra dịp Tết Nguyên đán này như bánh thịt nướng Hàn Quốc, kẹo cuộn đậu phộng… Chỉ có vài thương hiệu bánh kẹo của các cơ sở trong nước, chủ yếu hàng làm thủ công từ miền Tây, H.Hóc Môn, Q.12… với bao bì sơ sài góp mặt. Chị Yến bán hàng tại sạp Y.L cũng cho biết, những chủng loại kẹo ngoại cân ký bán tại chợ của Malaysia, Đài Loan, Thái, Hàn Quốc, Nhật… đến người nghèo cũng thích mua vì giá mềm, lạ, sang. “Ba cái kẹo bánh làm thủ công thì Việt kiều thích mua đi, chứ trong nước, thị trường tỉnh, bánh kẹo ngoại giá rẻ vẫn được chuộng hơn”, chị Yến nói.
Bia bỗng dưng tăng giá
Năm nào cũng vậy, cứ đến gần tết là bia lại rơi vào tình trạng bỗng dưng khan hàng, tăng giá. Năm nay cũng không ngoại lệ, giá bia đã “nhảy nhót” từ vài tuần trước. Chị Hoa, chủ đại lý bia rượu – nước giải khát ở Q.1 (TP.HCM) cho biết, hiện có hai loại bia là Heineken và Tiger (lon) tăng giá. Trong đó, Tiger tăng từ 290.000 đồng/thùng lên 310.000 đồng từ trước lễ Giáng sinh, còn bia Heineken chỉ mới tăng trong vài ba ngày gần đây, từ 370.000 đồng/thùng lên 390.000 đồng. “Heineken lon hiện không có nhiều hàng để nhập kho do số lượng bán ra của nhà phân phối hạn chế. Nghe nói, nhà máy bán ra ít hơn nên giá bị đẩy lên cao. Đây là những loại bia bán nhiều do nhu cầu biếu tặng”, chị Hoa nói. Trong khi đó, các loại bia Saigon, Sapporo, Budweiser… đều có giá như cũ.
Còn theo chị Tú, chủ đại lý bia nước ngọt C.T trên đường Lạc Long Quân, Q.Tân Bình (TP.HCM), giá bia Tết Nguyên đán tăng nhẹ, từ 5.000 – 15.000 đồng/thùng tuỳ loại. Hiện sự cạnh tranh giữa các nhãn hàng bia bề ngoài có vẻ lặng lẽ nhưng bên trong khá quyết liệt. “Mấy ngày cận tết chúng tôi thường “cài đặt” nhân viên đứng tại đại lý lớn để có gì điều động hàng càng nhanh càng tốt, chiết khấu cao, khuyến mãi lớn thì hàng bán chạy hơn. Cách làm này bia nội không giỏi bằng mấy hãng bia ngoại”, chị Tú nói.
Anh Đoàn, một nhà phân phối bia Heineken, Tiger ở TP.HCM nói, giá bia anh đang bán cho các đại lý vẫn như cũ, theo mức giá sàn của nhà máy. Còn việc các đại lý tăng từ 20.000 – 30.000 đồng/thùng có thể do nhu cầu của khách tăng, chi phí nhân công tăng trong những ngày cận tết. Đặc biệt, một lý do khiến giá tăng là do bia Heineken đang khan hiếm hàng bởi nhà máy bán ra ít. Thế nhưng, trao đổi với Thanh Niên vào hôm qua, đại diện Nhà máy Bia VN khẳng định sản lượng bán ra các sản phẩm bia của công ty, trong đó có Heineken là không thay đổi, nghĩa là không hạn chế hay hết hàng và cung cấp đều đặn ra thị trường. Từ trước tết, nhà máy đã dự báo nhu cầu của thị trường thông qua lượng đặt hàng của nhà phân phối, siêu thị… để sản xuất sản lượng tương ứng. Lý giải về việc bia cứ đến gần tết lại tăng giá, vị này cho rằng, mặt hàng bia Heineken có bao bì dành riêng cho tết được sản xuất số lượng giới hạn nên đã gây hiểu nhầm. Hơn nữa, kinh doanh của đại lý, nhà phân phối là độc lập, họ tự quyết định giá bán dựa trên nhu cầu của thị trường và vì thế, nhà máy không thể can thiệp vào giá bán.

M.Phương – T.Tâm – Ng.Nga