23/01/2025

Sách đọc ngày xuân: Tám ngàn rưỡi dặm, tiểu thuyết Nguyễn Bính…

Ngày xuân thong thả, có những cuốn sách mới bạn có thể dành mang theo hành trình du xuân hoặc để cạnh tay mình trong lúc đón xuân với thú “nhâm nhi” những trang viết thú vị…

 

Sách đọc ngày xuân: Tám ngàn rưỡi dặm, tiểu thuyết Nguyễn Bính…

 

 

Ngày xuân thong thả, có những cuốn sách mới bạn có thể dành mang theo hành trình du xuân hoặc để cạnh tay mình trong lúc đón xuân với thú “nhâm nhi” những trang viết thú vị…

 

 

 

 

Sách đọc ngày xuân: Tám ngàn rưỡi dặm, tiểu thuyết Nguyễn Bính...
Bìa cuốn sách Tám ngàn rưỡi dặm - Ảnh: L.Điền

Tám ngàn rưỡi dặm - 
tinh tế và kỳ thú

Mùa xuân, thời khắc khởi đầu cho những ý tưởng mới, và chắc chắn có nhiều cuộc hành trình đang ấp ủ từ trong những ngày đầu năm. Cảm hứng về những chuyến đi để đến, nghe, thấy và cảm nhận ấy sẽ được chia sẻ ở phong cách khoáng đạt cùng không ít suy tư tích cực khi đến với tập bút ký của nhà báo Tuấn Việt Tám ngàn rưỡi dặm (NXB Trẻ).

Dùng cách kể tối giản để biến câu chuyện của cá nhân mình thành ra đặc biệt với nhiều người, tác giả, thật may, là một người am hiểu tường tận nhiều vấn đề quốc tế nên mặc dù anh cố tình để cho mọi người thấy rằng “tôi chỉ nói ít thôi”, nhưng người đọc lập tức nhận ra rằng cái phần anh nói ấy chỉ là một hai mảnh nhỏ trong cả khối kiến thức anh đã gặp, 
đã biết.

Nhưng đó lại là một hai mảnh tinh tế nhất, kỳ thú nhất. Cho nên càng đọc người ta càng thấy hình như mình đi không được như vậy, mình chưa đi, chưa biết đến chỗ nọ chỗ kia.

Cái kiểu tác giả kể ra hàng loạt chuyện bất toàn của Paris để cuối cùng thuyết phục mọi người rằng Paris rất đáng yêu và phải làm sao để được Paris yêu, thì không phải ai đi du lịch (cho dù nhiều lần) cũng có thể làm được.

Đó là chưa kể ở tập du ký này còn hàng loạt câu chuyện hấp dẫn mà sau khi theo dõi những gì tác giả nắm bắt, người đọc còn có thể nhận ra đằng sau những chuyến đi hiền lành kia, đằng sau những trang sách chừng như chỉ kể chuyện cá nhân thôi, là cả một bầu tâm sự khác.

Điều gì làm nên giấc mơ Mỹ và giá trị của xứ sở tự do ấy rốt lại là như thế nào? Người Lào và “cảnh giới” của họ đang yên bình hay va đập với những láng giềng có bản tính trái ngược? Trung Quốc khổng lồ thật ra có gì và không có những gì cho khách du lịch tìm đến?…

Đằng sau những bước chân xuyên quốc gia là câu chuyện về một thế giới đang “phẳng” đến độ kéo gần các nền văn hoá lại với nhau và ẩn chứa biết bao tâm trạng về một chiều kích khác của thế giới, đó là sự khó lường của lòng người.

Sách đọc ngày xuân: Tám ngàn rưỡi dặm, tiểu thuyết Nguyễn Bính...
Bìa cuốn sách Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội – Ảnh: L.Điền

Khi Nguyễn Bính viết tiểu thuyết

Và, mùa xuân này sẽ có thêm một chút thú vị khi bạn đọc gặp lại một tiểu thuyết từng ra đời cách đây tròn 75 năm. Như một trùng hợp ngẫu nhiên, trong tiểu thuyết ấy có đoạn văn mà hiện nay đọc lên hẳn ai cũng thấy dường như mới lắm:

“Một đêm mùa đông rét lạ lùng! Rét ghê gớm! Rét rũ rượi! Rét tưởng chừng đến chết sạch cá ở hồ Hoàn Kiếm, đến chết cứng cả con rùa thần dám láo xược cướp mất thanh gươm báu của vua Lê Thái Tổ ngày xưa…”.

Văn phong trau chuốt, khí khái mà hiện đại ấy chính là tiểu thuyết Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội, của một tác giả rất quen nhưng rất lạ: nhà thơ Nguyễn Bính.

Nguyễn Bính làm thơ thì không ai không biết, nhưng một Nguyễn Bính viết tiểu thuyết và làm báo, đến nay không phải bạn đọc nào cũng tỏ tường. Tiểu thuyết này vừa được Tao Đàn và NXB Văn Học tái bản, trước đó NXB Lăng Tuyết từng in vào năm 1940.

Tiểu thuyết của một nhà thơ nổi tiếng là một khoảng trời riêng để mỗi người tự thưởng thức, chiêm nghiệm. Chỉ có thể hình dung rằng “hai người điên” chính là hai chàng thi sĩ sống bằng nghề viết báo.

Vẫn một Hà Nội đó, bảy mươi năm qua nghề viết báo vẫn còn, người làm thơ cũng còn, nhưng cung cách đến với tình yêu đã khác, chỉ có những đớn đau và khờ dại trong tình yêu là không lạc hậu bao giờ…

Sách đọc ngày xuân: Tám ngàn rưỡi dặm, tiểu thuyết Nguyễn Bính...
Bìa cuốn sách Túi – Ảnh: L.Điền

Tìm cảm hứng xuân trong tản văn

Một chút nắng vàng trong tản văn phương Nam cũng có thể là một lựa chọn với nhiều bạn đọc. Có cái tên gọn lỏn, Túi (NXB Văn Hoá Văn Nghệ) của Trần Huy Minh Phương như một cuộc gói ghém những cung bậc đời sống của Sài Gòn và vùng đất phương Nam qua cái nhìn của một người trẻ.

Là cư dân lục tỉnh đến “nhập cư”, Trần Huy Minh Phương có cái nhìn về thành phố theo kiểu của anh: “Sài Gòn cứ như cái túi rỗng khổng lồ mặc nhiên dâng tặng hết lòng mình cho những cư dân, cho tất cả hỉ – nộ – ái – ố mà nó không hề mặc cả”.

Tác giả viết tản văn như để cho chính mình đọc lại, bộc bạch chuyện gần gũi, riêng tư và hơn cả là chân thật. Nhưng chính điều chân thật ấy làm nên hình ảnh một người viết trẻ đang tỉ mẩn khơi ra, nhặt lấy, giữ lại những mảng miếng cuộc sống xung quanh mà anh là người trong cuộc:

“Tuần lễ cuối của tháng chạp, bà chủ trọ lì xì cho tôi một bịch gạo thơm 5kg. Nhành mai sắc tết lấp lánh trên nền màu bọc trắng ấy, chợt giật mình, tết sắp tới rồi à?!”.

Rất nhiều cảm hứng xuân trong tản văn của Trần Huy Minh Phương. Có lẽ một trong những lúc chuyển mình mạnh nhất trong năm của Sài Gòn là mỗi độ xuân về, thành phố của dân tứ xứ chợt đổi khác.

Người xa xứ gá thân mình vào phố đến lúc hết năm cũng thấy lòng mình chùng theo một hướng quê xưa. Phương gọi tết là dịp để phố “ngủ đông”, còn tác giả và bao người trẻ khác thì bắt đầu hành trình “du ca qua những miệt yêu thương” để trở về bản quán…

LAM ĐIỀN