23/01/2025

Tàu tên lửa Mỹ áp sát Hoàng Sa

Hải quân Mỹ ngày 30.1 triển khai tàu khu trục mang tên lửa đến gần quần đảo Hoàng Sa để duy trì tự do hàng hải trong khu vực.

Tàu tên lửa Mỹ áp sát Hoàng Sa

 

Hải quân Mỹ ngày 30.1 triển khai tàu khu trục mang tên lửa đến gần quần đảo Hoàng Sa để duy trì tự do hàng hải trong khu vực.





Khu trục hạm USS Curtis Wilbur được cho là hiện diện gần đảo Tri Tôn - Ảnh: Hải quân Mỹ

Khu trục hạm USS Curtis Wilbur được cho là hiện diện gần đảo Tri Tôn – Ảnh: Hải quân Mỹ


Theo thông cáo của Lầu Năm Góc, tàu khu trục USS Curtis Wilbur, thuộc lớp Arleigh Burke, tiến vào vùng biển 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Thông cáo còn nhấn mạnh: “Những tuyên bố chủ quyền quá mức liên quan đến đảo Tri Tôn không phù hợp với luật pháp quốc tế như đã được phản ánh trong Công ước LHQ về luật Biển”.
Chiều 30.1, Đài ABC dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Mark Wright nói rõ: “Tôi có thể khẳng định Bộ Quốc phòng đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông trong ngày 30.1, cụ thể trong phạm vi xung quanh đảo Tri Tôn ở quần đảo Hoàng Sa”. Ông nhấn mạnh tàu USS Curtis Wilbur đã thực hiện “quyền di chuyển không gây hại trong phạm vi 12 hải lý từ đảo Tri Tôn” và khi đó không có tàu Trung Quốc hiện diện ở khu vực. Phát ngôn viên Wright cũng lặp lại quan điểm của Mỹ là không đứng về phía nào trong tranh chấp ở Biển Đông mà nước này “có lập trường vững chắc về việc bảo vệ tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển, không phận được bảo đảm cho tất cả các quốc gia và tất cả tuyên bố về biển phải tuân theo luật pháp quốc tế”.
 
 
Trung Quốc sẽ điều tàu sân bay tuần tra Biển Đông
Chuyên san IHS Jane’s Defence Weekly dẫn lời Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển và chiến lược quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) Sở Thụ Long nhận định quân đội nước này có thể triển khai ít nhất 1 tàu sân bay tuần tra thường trực ở Biển Đông sau khi chiếc thứ hai đi vào hoạt động. Cuối tháng trước, Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận đang đóng tàu sân bay thứ hai. Theo ông Sở, đối với Bắc Hải, Hoàng Hải và biển Hoa Đông, Bắc Kinh không cần tàu sân bay vì có thể triển khai chiến đấu cơ từ đất liền đến những khu vực này. Trong khi đó, máy bay Trung Quốc hiện nay không đủ khả năng ứng phó lực lượng Mỹ ở Biển Đông.
 

Một phát ngôn viên khác của Lầu Năm Góc là ông Jeff Davis cũng khẳng định hoạt động mới nhất nhằm thách thức chính sách của một số bên đòi tàu bè, máy bay xin phép hoặc thông báo trước khi đi qua các vùng biển. “Hoạt động mới cho thấy, như Tổng thống Barack Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter từng tuyên bố, Mỹ sẽ bay, triển khai tàu và vận hành ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Điều này đang được áp dụng ở Biển Đông như nhiều khu vực khác trên toàn cầu”, CNN dẫn lời quan chức Bill Urban, cũng thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, khẳng định.

Ngoài ra, một số nguồn tin cấp cao từ Washington tiết lộ chuyến hải hành của tàu USS Curtis Wilbur xung quanh đảo Tri Tôn kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lớn tiếng chỉ trích tàu USS Curtis Wilbur “vi phạm luật pháp Trung Quốc bằng cách vào lãnh hải Trung Quốc mà không xin phép trước và phía Trung Quốc đã thực hiện những biện pháp liên quan như theo dõi và cảnh báo”, theo Reuters.
Thực tế, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của VN và bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp từ năm 1974.
Bất ngờ
Chuyến tuần tra của tàu USS Curtis Wilbur tương tự động thái của khu trục hạm tên lửa USS Lassen hồi tháng 10.2015 áp sát đá Xu Bi, vốn bị Trung Quốc bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo, ở quần đảo Trường Sa. Lâu nay, dư luận quốc tế thường tập trung vào những diễn biến ở Trường Sa hơn là những hành động cũng nguy hiểm không kém của Trung Quốc tại Hoàng Sa. Thậm chí, một số chuyên gia nước ngoài cho rằng “chỉ còn tranh chấp ở Trường Sa chứ Hoàng Sa coi như đã xong”. Vì thế, bước đi mới của Mỹ lần này có phần gây bất ngờ và cho thấy cộng đồng quốc tế “không quên” vấn đề Hoàng Sa.
Một điểm đáng lưu ý khác là hôm qua 30.1 Lầu Năm Góc công khai hoạt động của tàu USS Curtis Wilbur và điều động nhiều phát ngôn viên đồng thanh thông báo. Điều này trái ngược với lần trước khi Bộ Quốc phòng Mỹ không công khai xác nhận mà chỉ cho một số quan chức giấu tên hé lộ với báo chí.
Động thái mới của Mỹ được tiến hành sau khi Ngoại trưởng John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị thể hiện quan điểm trái ngược nhau về vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp ở Bắc Kinh ngày 27.1. Ngay trong ngày hôm đó, Tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris tuyên bố các sứ mệnh tuần tra Biển Đông không những sẽ tiếp tục được triển khai mà còn tăng cường về số lượng, quy mô và độ phức tạp.
Mặt khác, có vẻ như chính quyền Mỹ muốn xoa dịu sự nghi ngờ của đồng minh và đối tác khi bị một số ý kiến cho là “đánh trống bỏ dùi”. Sau lần áp sát đá Xu Bi, Washington thông báo tạm hoãn tiến hành các sứ mệnh tương tự, còn Bắc Kinh ngang nhiên có thêm hành động bất chấp luật pháp, đe dọa an toàn khu vực như các vụ thử đường băng trên đá Chữ Thập vừa qua.

Văn Khoa